Mưu sinh với nghề lạ - Kỳ 3: Người 'khâu' kỷ niệm
Không ít người cho rằng, những con thú nhồi bông đã cũ rồi thì bỏ đi chứ sửa làm gì cho tốn kém. Ấy vậy mà tại TPHCM, có một người phụ nữ mở dịch vụ “hồi sinh” gấu bông cũ và rất đắt khách. Đằng sau mỗi chú gấu được đem tới chữa lành là một miền ký ức của khách hàng.
Hồi sinh gấu bông cũ
Ngôi nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TPHCM) chính là nơi chị Huỳnh Thỵ Anh Chi (34 tuổi, quê Lâm Đồng) thực hiện “phẫu thuật, chỉnh hình” cho cả trăm con thú nhồi bông cũ từ khắp nơi gửi đến. Chị tự nhận mình là “người khâu kỷ niệm”, giúp gìn giữ những người bạn tuổi thơ của khách hàng.
Những gấu bông cũ trở thành người bạn tinh thần đến với trẻ em kém may mắn.
Khi còn nhỏ, hẳn ai cũng sẽ rất buồn bực lúc cha mẹ không hiểu mình, hoặc có những bí mật giấu kín và chỉ có thể chia sẻ với chú gấu bông bé nhỏ. Gấu bông có thể coi là người bạn thân đầu đời của mỗi người. Chính vì thế, có rất nhiều người vẫn giữ chú gấu bông đã cũ nát bên mình, như giữ lại phần kí ức tươi đẹp của bản thân. Đó là lý do nhiều khách hàng có nhu cầu phục hồi người bạn ấy nếu chẳng may hư hỏng mà không chọn mua cái mới.
Như bạn gấu nâu một chị khách vừa gửi đến, đây là “bạn thân” của con gái chị. “Con gái chị khách này đang nằm viện nên muốn được gặp em gấu bông này. Bé gấu đã theo cô chủ nhỏ suốt nhiều năm, là người bạn không thể thiếu trong những buổi tối đi ngủ. Chị khách muốn mình vệ sinh em gấu, làm mới lại để đưa vào viện cho con. Do đó, mình sẽ ưu tiên làm sớm và nhanh nhất có thể để người bạn này mau chóng gặp lại chủ nhân của mình” - chị Chi cho biết.
Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục gián đoạn bởi khách hàng gọi điện tư vấn tình trạng gấu bông, khách đến đón các bé gấu đã sửa xong… Cầm lên từng chú gấu bông, chị Chi nhớ rõ từng hoàn cảnh, câu chuyện khách chia sẻ. Một câu chuyện xảy ra cách đây đã khá lâu, nhưng mỗi lần nhớ lại, chị Chi vẫn không kìm được cảm xúc. Đó là vào cuối năm 2016, một cô gái đến gõ cửa nhờ phục hồi con gấu bông dài 50 cm hỏng nặng. Nhìn chú gấu đã quá nát, chị đành từ chối.
Tối đến, chị nhận được tin nhắn từ vị khách nói đây là món quà để lại của người mẹ vừa qua đời, cô xem như báu vật. Nghe khách nói xong, chị Chi xúc động nước mắt chảy dài. Sau một đêm suy nghĩ, chị quyết tâm “phải cứu gấu bằng mọi giá”. Những ngày sau, chị thức đến tận nửa đêm, cặm cụi gỡ từng đường chỉ bị nát do khâu vá nhiều lần. Có khi đang ngủ, bỗng trong đầu lóe lên ý tưởng mới, chị liền bật đèn, lấy kim chỉ khâu khâu, vá vá những vết rách và thay bông gòn trong ruột.
Hay chuyện một bạn gấu 55 năm, được truyền qua ba thế hệ từ ông nội, bố và người con nay đã gần 30 tuổi. Đây là gấu bông có khớp được gìn giữ rất cẩn thận, chỉ trưng trong tủ nhưng chẳng may bị đứt khớp nên tay lòng thòng. Chị đã thay khớp, định hình tay và hướng dẫn cách chăm sóc. “Không phải khách hàng không có tiền để mua gấu bông mới, nhưng với những bạn gấu như thế này, đây không chỉ là món đồ chơi mà đó là những kỷ vật vô giá. Có gấu bông lúc mua chỉ có giá 30.000 đồng, nhưng đi chữa bệnh lại tới 300.000 đồng, bởi đây là món quà người bà đã tặng khi còn sống. Trên chú gấu ấy vẫn còn những đường may vá của bà mà mình được yêu cầu phải giữ nguyên. Hoặc có người muốn sửa lành lặn nhưng tuyệt đối không được giặt, vì trên ấy có mùi hương của mẹ” - “bác sĩ” của gấu bông trải lòng.
Hạnh phúc không mua bằng tiền
Gần như là người hiếm hoi làm công việc chữa bệnh thú nhồi bông ở TPHCM này, “bác sĩ” Chi trải lòng, cha mẹ có 3 người con. Dù cuộc sống khó khăn nhưng những dịp sinh nhật, mẹ đều dành tiền mua gấu bông làm quà tặng con gái. Chị nâng niu món đồ chơi như báu vật, đi đâu cũng ôm theo. Rồi em gấu hư, cô bé Chi khi ấy đã tập tành khâu vá, tự sửa “bạn thân” của mình. Năm 2015, khi đã sinh sống và làm việc ở TPHCM, chị tình cờ thấy một số thú nhồi bông cũ bị bỏ ngoài đường, mặt mũi lấm lem, cáu bẩn nên nảy ra ý tưởng mở dịch vụ sửa chữa thú bông. Chị nghĩ mỗi con người có một số phận, thú nhồi bông cũng thế. Vậy tại sao mình không “hồi sinh” và tìm ngôi nhà mới cho chúng. Nghĩ là làm, chị mở một trang dịch vụ sửa thú nhồi bông rồi bắt đầu nên duyên với nghề từ đó.
Chị Anh Chi là người hiếm hoi ở TPHCM hồi sinh gấu bông cũ.
Đa phần, các gấu bông được yêu cầu sửa vết thương (rách, sứt chỉ, sờn vải, bung cúc, đứt rời tay chân), xử lý vết mốc, bẩn hoặc làm phồng thú bông. Thoạt nhìn mọi người sẽ nghĩ đây là một công việc đơn giản, chỉ cắt ra rồi chắp vá, may lại. Chị Chi lắc đầu, việc sửa chữa đòi hỏi người thợ phải có tính tỉ mỉ, cẩn thận, biết cách quan sát và quan trọng phải có trí tưởng tượng, sáng tạo. Không phải cứ may là xong mà phải biết mường tượng đường đi của mũi kim để sửa các bé gấu cho hoàn hảo nhất và không để lộ dấu vết và may tay 100%. Chị cũng thường chọn cách sửa sống trên nền thú bông để sản phẩm có hồn.
Với chị Chi, thú nhồi bông mang giá trị tinh thần rất lớn, nếu làm hư thì không thể dùng tiền để đền lại cho khách được nên khi làm rất áp lực. Tại Việt Nam, việc sửa chữa cho thú nhồi bông chưa nhiều nên tài liệu về lĩnh vực này không phong phú. Chị phải tự tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng kiến thức am hiểu về các loại vải, kỹ thuật đi kim của mình. Để bắt kịp xu hướng, chị còn “phẫu thuật chỉnh hình” cho các bé bằng việc thêm khung xương để tạo thế ngồi dễ dàng.
Chị thừa nhận mình trở nên “mít ướt” hơn từ lúc làm nghề sửa chữa thú bông. Nhiều hoàn cảnh, câu chuyện khiến chị vừa nhận gấu đã khóc nức nở. “Có một bạn, nhà bị cháy. Cầm con gấu cháy đen trên tay, bạn tìm đến tôi nức nở nhờ cứu” - chị bồi hồi kể. Khi biết câu chuyện phía sau, chị Chi nhận sửa cho bạn này hoàn toàn miễn phí. Và đó không phải là trường hợp duy nhất, nhiều lần khác chị cũng nhận sửa miễn phí.
Không chỉ chữa bệnh cho gấu bông, nữ giảng viên còn tìm ngôi nhà mới cho chúng. Đó là quyên góp thú bông cũ, vệ sinh sạch sẽ rồi gửi tặng đến trẻ em ở các mái ấm, nhà mở, bệnh viện ở TPHCM. “Chẳng còn gì hạnh phúc hơn khoảnh khắc được nhìn thấy nụ cười, ánh mắt trong veo của các thiên thần nhỏ ôm vào lòng chú gấu bông vừa được tặng. Mình tin rằng những chú gấu được trao đi hôm nay sẽ là “sứ giả” gửi tình yêu thương đến các bé, như lời chúc các em vững vàng vượt qua mọi hoàn cảnh” - chị Chi gửi gắm. Đến nay, hơn 400 gấu bông đã được trao đi, và hoạt động này vẫn tiếp tục được triển khai ở nhiều điểm sắp tới.
(còn nữa)
Theo chị Chi, khó khăn nhất khi sửa gấu bông là những ca ghép da, tái tạo gương mặt cho những bạn thú có tuổi đời từ 20 - 40 năm bị rách nát phần đầu, vải mục. Vì chúng có giá trị kỷ niệm cao, chị luôn cố gắng đưa chúng về nguyên trạng. Nhận sửa các trường hợp này, chị thường nhờ khách hàng gửi ảnh thú bông trước đó, chị giữ lại phần vải có thể sử dụng, đắp thêm chất liệu tương đồng, may các khớp tay chân, vá vết rách, đính hạt, khâu tay chi tiết nơ, cúc áo. Nếu không có ảnh, chị phải hỏi thêm màu sắc, chất liệu vải, hình dáng của thú bông để cảm nhận rồi phục hồi theo trí tưởng tượng. |
Ở TPHCM có những “nghề” không tên gọi, không “truyền thống”, người làm cũng thầm lặng nhưng họ gắn bó với nó nhiều năm trời, bởi đơn giản “nghề đã ngấm vào máu”.
Nguồn: [Link nguồn]