Mưu sinh với nghề lạ: Bắt bệnh cây xanh

Sự kiện: Nhịp sống 24h

“Một cây xanh nhìn bề ngoài có vẻ tươi tốt khi vẫn ra lá non, thậm chí đơm hoa kết trái, nhưng thực tế bên trong thân đã bị rỗng ruột. Nếu không đốn hạ kịp thời sẽ gây tai họa cho người đi đường, nhất là những ngày mưa bão” - anh Nguyễn Đăng Phong - nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM chỉ vào một thân cây, nói.

Dùng mắt… bắt bệnh

Để hiểu thêm về công việc của những nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM dò bệnh cây xanh như thế nào, tôi theo chân anh Nguyễn Đăng Phong, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề để mục sở thị công việc hàng ngày của anh. “Nhiệm vụ của tôi là tuần tra phát hiện cây xanh bị sâu bệnh, bị xâm hại trên địa bàn quận 1, ghi nhận lại và đề xuất duy tu chăm sóc, bảo dưỡng hoặc cắt thấp, đốn hạ và trồng cây thay thế. Tuy nhiên, giải pháp đốn hạ chỉ với trường hợp bất khả kháng, đa số chúng tôi chỉ mé nhánh, cắt cành vì muốn giữ cây để có bóng mát nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân” - anh Phong bộc bạch.

Anh Nguyễn Đăng Phong “dò bệnh” cây xanh chủ yếu bằng mắt, ghi chép cẩn thận từng tiêu chí

Anh Nguyễn Đăng Phong “dò bệnh” cây xanh chủ yếu bằng mắt, ghi chép cẩn thận từng tiêu chí

Trưa nắng, chúng tôi miệt mài đi nhiều con đường rợp bóng cây như Trần Quang Khải, Huyền Trân Công Chúa… Tại góc đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai, anh Phong dừng lại trước cây gõ mật cao gần 10 mét, tán rộng. Tôi khá bất ngờ khi anh lấy đồ nghề khá đơn giản chỉ với bộ thước dây và tờ giấy in sẵn các tiêu chí khảo sát. Anh cười giải thích, dò bệnh cho cây chủ yếu bằng trực quan, tức là dùng mắt quan sát cây để phát hiện những dấu hiệu bất thường, nghi ngờ cùng với các kiến thức về sinh lý, sinh thái của cây và bằng kinh nghiệm thực tế.

Như cây gõ mật này, sau khi đưa đầu cây thước sâu vào bọng cây (phần sát mặt đất), ngoáy nhẹ, anh Phong im lặng lắng nghe âm thanh khi thước chạm vào thân cây. Khẽ nhíu mày suy nghĩ, thoáng chốc, cơ mặt anh dãn ra báo tin vui: “Cây này tuy bị bọng gốc (phần gốc của cây có một hốc sâu lõm vào trong thân cây) nhưng không đáng kể, cây vẫn còn rất khỏe và có thể sống thêm nhiều năm nữa, chỉ cần thu gọn tán thì không lo gây nguy hiểm cho người đi đường”. Dẫu vậy, anh Phong cho hay, vẫn phải thường xuyên kiểm tra mỗi ngày để phòng rủi ro.

Dụng cụ “dò bệnh” chỉ với bộ thước dây, anh Phong đang kiểm tra độ bọng của thân cây

Dụng cụ “dò bệnh” chỉ với bộ thước dây, anh Phong đang kiểm tra độ bọng của thân cây

Chỉ tay về một cây sao đen gần đó, anh Phong cho hay, cây đã có từ thời Pháp thuộc với tuổi đời hơn trăm năm. Đội của anh phát hiện cây bị bọng gốc từ trước và đề xuất cắt thấp để giữ cây. Hàng ngày, anh đều đi đến các cây xanh đã được “để mắt”, chỉ cần một dấu hiệu như nhóm gốc (cây lỏng gốc) sẽ báo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật và công ty cử lực lượng đốn hạ.

Trên đường Pasteur (quận 1), anh Phong liên tục quan sát những hàng cây hai bên. Tuyến đường này đa số trồng cây sao đen vì phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng miền Nam. Bỗng, anh dừng lại bên một cây sao đen, kéo thước đo vòng thân được 4 mét. Trên thân cây bị người ta đóng đinh treo bảng quảng cáo đỏ chót, anh dùng hết sức mới gỡ tấm bảng xuống. Cẩn thận quan sát, anh ngồi xuống kiểm tra tỉ mỉ thân cây, hình dáng rồi đánh giá các tiêu chí. “Cây này bị bọng gốc, nghiêng vào nhà dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi mùa mưa bão đến gần nên chúng tôi đề xuất đốn hạ và trồng cây sao đen cỡ nhỏ để thay thế” - anh nói.

Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM là một trong những đơn vị thực hiện duy tu chăm sóc cây xanh đường phố và trong các công viên, mảng xanh trên địa bàn các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Nhà Bè theo hình thức đấu thầu. Chủ đầu tư là Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM. Trên địa bàn thành phố còn các nhà thầu khác và các công ty dịch vụ công ích các quận, huyện được phân cấp quản lý đang chăm sóc cây xanh.

Đau lòng cây xanh bị xâm hại

Tâm sự về nghề, người nhân viên kỹ thuật cho biết, mỗi ngày đều kiểm tra khoảng 1.000 cây xanh. Dù trời nắng hay mưa, anh đều đặn rảo qua các đoạn đường mà theo anh là “thuộc từng gốc cây” của quận 1. Nhiều lúc vì quá chú tâm quan sát từng cây từ xa đến gần, từ trên ngọn đến gốc mà anh còn suýt bị xe tông. Nhiều năm trong nghề, điều làm anh Phong tâm tư nhất là chuyện xâm hại cây xanh. Đó là cây bị đóng đinh, đổ hóa chất, thi công công trình… Chỉ cần một vết thương nhỏ ở phần rễ hoặc thân, cây đều có thể bị nấm mốc, vi khuẩn tấn công dần dần chết nhánh rễ và mất chức năng bám vào mặt đất.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng ngầm của thành phố rất nhiều, thành ra bộ rễ cây có khi len lỏi cả vào những khoảng đất rỗng nên không có chỗ bám vào. Ví dụ ở khu vực hồ Con Rùa, qua khảo sát nhận thấy chỉ cần xuống khoảng 10cm thì đã đụng hệ thống ngầm chằng chịt. Cây xanh ở đường phố thì bộ rễ phát triển rất chậm so với những cây được trồng trong công viên có diện tích đất lớn, ít bị tác động.

Dụng cụ “dò bệnh” chỉ với bộ thước dây, anh Phong đang kiểm tra độ bọng của thân cây

Dụng cụ “dò bệnh” chỉ với bộ thước dây, anh Phong đang kiểm tra độ bọng của thân cây

“Trăn trở nhất của tôi là cây bị xâm hại thì không biểu hiện liền ngày một, ngày hai mà phải vài tháng, có khi vài năm sau mới có biểu hiện ra. Thậm chí có khi chưa biểu hiện thì cây đã bật gốc, nhìn phần rễ mới vỡ lẽ” - anh Phong tâm tư.

Trả lời câu hỏi liệu có cách nào để kiểm tra bộ rễ cây xanh? Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Công viên cây xanh TPHCM cho biết, để kiểm tra bộ rễ trước mắt vẫn quan sát bằng việc đi tuần tra mỗi ngày, quan sát dựa vào kinh nghiệm trước, coi biểu hiện cây như thế nào. Nếu những cây có nghi ngờ cao sẽ xem lại những tiêu chí đánh giá, sau đó đến kiểm tra và làm đề xuất với Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật để đốn hạ. Thường trước khi Sở Xây dựng cấp phép thì Trung tâm sẽ đi kiểm tra lại lần nữa, từ đó mới ra quyết định xử lý hay giữ lại.

Thành phố hiện có nhiều khu vực còn những cây xanh đô thị trồng từ thời Pháp thuộc, như đường Nguyễn Đình Chiểu có cây sao đen, lát hoa, căm xe, sọ khỉ, dầu rái; đường Nguyễn Thị Minh Khai có cây dầu, lim sét; đường Võ Văn Tần là cây sao đen; đường Ba Tháng Hai và đường Ngô Gia Tự là cây dầu… Công ty Công viên cây xanh TPHCM đang chăm sóc, bảo dưỡng gần 90.000 cây xanh các loại theo đúng quy trình kỹ thuật. “Công ty có đội ngũ tuần tra viên, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, duy tu, chăm sóc, bảo dưỡng các cây xanh đường phố. Việc này nhằm phát hiện các khiếm khuyết, hư hại như cây chết khô, cây nghiêng, sam mục… để báo cáo chủ đầu tư có giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị” - bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Phó giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TPHCM cho biết.

(Còn nữa)

Mưu sinh với nghề lạ: 'Bác sĩ' ống nước

Ở TPHCM có những “nghề” không tên gọi, không “truyền thống”, người làm cũng thầm lặng nhưng họ gắn bó với nó nhiều năm trời, bởi đơn giản “nghề đã ngấm vào máu”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN