Mưu sinh đêm ở Sài Gòn: Những người không ngủ
Cứ đêm đến, những phụ nữ ấy lại bắt đầu cuộc hành trình mưu sinh nơi gầm cầu, bãi rác bằng những công việc ít người biết đến.
Gần 20 năm nay, những con gián hôi hám đã mang lại nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình bà Trần Thị Kim Anh (52 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM). Hằng ngày, với chiếc xe đạp cọc cạch, bà lọ mọ đi bán vé số từ khi trời tờ mờ sáng đến khi mặt trời lặn mới về nhà.
Chị Hoa vào từng ngóc ngách kiếm ve chai.
Lùa vội chén cơm, bà lại chuẩn bị cho một đêm dài nơi góc chợ, miệng cống để bắt gián bán cho dân câu cá với hy vọng ngày mai đủ tiền đi chợ.
Đêm bắt gián
Hằng đêm, khi hàng xóm tắt điện tối thui, bà mới dắt chiếc xe đạp ra cùng một bịch vỏ sầu riêng tìm đến góc chợ, chân cầu hay khu vực cống thoát nước. Chỗ nào bẩn nhất, ẩm thấp nhất là chỗ đó có bà vì theo bà, nơi đó nhiều gián nhất.
Cứ thế, bà đi từ khu chợ này đến bãi rác nọ lật từng tảng đá, khi bắt đủ số gián mà khách đặt bà trở về nhà cho từng con vào chai nhựa xong thì đồng hồ cũng chỉ 3 giờ sáng.
Bà Anh cho biết, khoảng 20 năm trước, chồng bà làm nghề đánh bóng lưỡi câu cá. Thấy gia đình khó khăn, có người chỉ cho bà cách đi bắt gián đất kiếm tiền. Ngày đó bà và bốn con nhỏ chở nhau trên một chiếc xe đạp đi khắp nơi, tìm mọi ngóc ngách của Sài Gòn từ nội thành ra ngoại thành.
“Ngày đó là chiếc xe đạp thồ, có khung ngang phía trước. Mỗi khi mẹ con chở nhau đi là hai đứa ngồi trước, hai đứa ngồi sau”, bà Anh kể.
“Hồi mới vào nghề, mùi hôi của gián kèm theo mùi của bãi rác, cầu cống bốc lên, phải nín thở mà bắt cho được gián để giao cho người ta. Hồi ấy, mỗi con gián chỉ 100 đồng, năm mẹ con đi bắt cả ngày có khi được vài trăm con, về bán được 20 nghìn đồng. Mua ít gạo và nước mắm về ăn qua ngày. Những lúc người ta đặt 400 con mình cũng thích, nhưng năm mẹ con đi bắt hai, ba ngày không đủ nên đành từ chối”.
Tuy nhiên, phải từ chối khách bà cũng không ấm ức bằng việc người ta đặt hàng trăm con gián, mẹ con bà lùng sục bắt đủ số lượng về thì khách không lấy nữa, rồi họ tắt điện thoại luôn. Thế là công sức của năm mẹ con bà đổ đi hết vì gián bắt về không bán được mà để vài ngày sẽ chết hết.
Bà Anh bắt gián đêm ở từng gầm chợ...
“Từ gián đến vé số, đã nghèo còn gặp toàn chuyện gì đâu. Có lần đi bán vé số người ta mang hai tờ trúng giải tám, mỗi giải 100 nghìn đến đổi. Thấy số trúng nên mình cũng đổi, đem về đại lý thì mới tá hỏa vì đây là vé số giả. Mất 200 nghìn coi như hai ngày làm không công”.
“Trái bắp cũng 3 nghìn, tô hủ tiếu gõ cũng 10 nghìn, ăn mà thấy xót, sao dám ăn. Những lúc đói quá thì lấy chai nước ra uống cầm hơi rồi cố tập trung vào công việc để quên nó đi”. Chị Hoa kể |
Bà dần nổi tiếng và được nhiều tay câu biết đến. Người đến đặt hàng bà bắt gián ngày càng nhiều, gián cũng có giá hơn, 400 đồng một con. Thế nhưng đơn hàng càng nhiều thì bà lại càng phải thức khuya vì gián ngày càng khó bắt. Có hôm khách đặt 400 con nhưng trời mưa, bà lọ mọ từ chập tối đến khi mặt trời mọc, đi khắp những nơi bà biết để tìm gián nhưng bắt cũng không đủ.
“Mưa cũng phải bắt, trời mưa khó bắt hơn vì gián tìm chỗ trốn, nắp cống cũng bị nước chảy nên phải chui xuống gầm các sạp thịt, cá để bắt cho đủ lượng. 400 con gián thì được 160 nghìn đồng. Những hôm khách đặt nhiều như thế thì cũng có đồng vô đồng ra mà xoay xở. Có hôm bắt về gián bị mưa ướt, chết hết, mất công một đêm trắng không được đồng nào”.
Bộ đồ nghề của bà là một cái xô nhựa, hai que nhỏ có quấn vải vào một đầu và một hũ mạch nha pha đường thắng cùng vài miếng vỏ sầu riêng còn dính cơm. Tìm đến những nơi có gián, bà đặt vỏ sầu riêng vào miệng cống, khe gạch. Còn mạch nha pha đường thắng bà trét lên đầu quấn vải của hai que nhỏ rồi thọc sâu xuống lỗ thoát nước của nắp cống. Để đó, bà xách xô đến từng thùng rác, gầm sạp chợ lật từng viên gạch, bịch rác lên bắt gián.
Những con gián vừa thấy ánh đèn pin thì chạy toán loạn nhưng đôi tay của bà Anh thoăn thoắt, chộp từng con cho vào xô nhựa. Một lúc bà quay lại nơi đặt vỏ sầu riêng, que mồi gián. Khi miếng mồi được nhấc lên, hàng chục con gián bâu đầy cả lên tay bà.
Khi trời tờ mờ sáng bà lại thức dậy tiếp tục công việc đi bán vé số. Cứ thế, ngày đi bán vé số, đêm bắt gián, mỗi ngày bà ngủ có khi chỉ vài tiếng đồng hồ. “Ngày bán vé số kiếm được hơn trăm nghìn, đêm bắt gián có khi được trăm sáu, có khi mấy chục ngàn nữa cũng tạm đủ cho cả gia đình”, bà Anh nói.
15 năm thân cò nuôi con
Len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm lượm từng mảnh nhựa, vỏ chai đến khi chiếc xe đạp không còn chỗ chất, chị trở về nhà phân loại từng thứ ra để sáng mai đem bán. Lúc những thứ chai nhựa, mảnh sắt được phân loại xong, đồng hồ đã chỉ 4 giờ sáng. Chợp mắt một lúc chị Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi, quê Vĩnh Phúc) bật dậy bởi công việc đang chờ.
Chị miễn cưỡng nói về mình, về công việc. “Cái nghề này cơ cực lắm, bẩn lắm”, chị Hoa nói.
Đối với chị, khái niệm ngày và đêm không tồn tại và giấc ngủ cũng là một điều để mà mơ. Cuộc sống cứ xoay vòng theo kim đồng hồ với hy vọng con mình có đủ tiền đóng học phí ở quê nhà. Chị Hoa có chồng và hai con. Tuy nhiên, khi đứa con thứ hai chào đời chưa đầy ba tháng, chồng chị dứt áo ra đi đến nay không có tung tích.
Một mình quần quật làm lụng nhưng cuộc sống ở quê nhà không làm sao kiếm đủ hai bữa cơm và tiền đóng học phí cho con, chị đành gửi lại hai đứa con cho bà ngoại rồi vào Sài Gòn kiếm sống.
Không tiền, không nghề nghiệp, hằng đêm, chị đạp xe đi khắp các con đường, khu chợ để tìm những thứ mà người ta bỏ đi, gom lại một xe đầy rồi chở về phân loại.
“Có khi đi làm mệt quá dựng xe trên lề đường ngồi nghỉ một lúc nhưng ngủ quên, có người đi ngang qua kêu thì mình mới giật mình tỉnh dậy”, chị kể. Làm lụng vất vả một thời gian, góp được ít vốn chị lại nghĩ cách kiếm tiền mới: mua rau rồi chở đi bán dạo.
Một xe cồng kềnh đủ thứ đồ nhưng bán chỉ kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Khi trời vừa hừng sáng chị lại đạp xe ra chợ lấy rau đi bán. Chị vùi mình vào với công việc mưu sinh để cố giấu đi nỗi nhớ nhà, nhớ con. Nhưng mỗi khi rảnh tay, ngồi một mình, chị lại ôm mặt khóc.
“Có lúc đang nhặt ve chai ở đường ray xe lửa, thấy chiếc tàu chạy qua tôi lại đứng thẫn người nhìn theo. Ước gì mình được ngồi trên đó trở về thăm con, thăm gia đình. Rồi nước mắt cứ thế tuôn ra không sao kìm lại được”.
Mỗi ngày đêm có khi đạp xe gần trăm cây số cũng chỉ kiếm được hơn 200 trăm nghìn tích góp gửi về quê. Với chị, bữa ăn chính là gói mì tôm, bát cơm nguội hay gói xôi. Có những đêm đói quá nhưng cũng không dám mua thứ gì ăn vì xót tiền.
“Trái bắp cũng 3 nghìn, tô hủ tiếu gõ cũng 10 nghìn, ăn mà thấy xót, sao dám ăn. Những lúc đói quá thì lấy chai nước ra uống cầm hơi rồi cố tập trung vào công việc để quên nó đi”.
Chị Hoa kể, đêm đạp xe đi vòng các con hẻm, chó sủa ầm lên, người ta ra chửi mình 2 - 3 giờ sáng rồi mà không để cho họ ngủ.
Chị rời quê từ khi đứa con trai thứ hai mới chập chững bước đi, đến nay con đã vào cấp ba nhưng cuộc sống của chị vẫn thế. “Khổ thì mình cũng đã khổ rồi. Giờ cũng cố gắng làm lụng kiếm tiền gửi về cho con ăn học để sau này có cái nghề tử tế, không phải lận đận, khổ sở như mẹ nó nữa”, chị bảo.
Những chuyến hàng đêm của nữ cửu vạn chợ đầu mối
Cửu vạn chợ đầu mối
Ở chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) có những nữ cửu vạn bắt đầu làm việc từ 10 giờ khuya đến 8 giờ sáng. Công việc của họ là kéo chiếc xe thồ của mình đi khắp, gặp sạp nào cũng ghé lại hỏi “có hàng không” rồi chất những bao tải, thùng tôm, cá lên xe đẩy ra đường cho lái buôn.
Lưng còng vì năm tháng gắn với chiếc xe đẩy cá nhưng đôi chân bà Nguyễn Thị Dung (64 tuổi, quê Tiền Giang) vẫn thoăn thoắt trên nền gạch ướt sũng, trơn trượt của khu chợ.
Bà Dung cho biết, hằng đêm bà mất nửa tiếng đi bộ từ phòng trọ đến chợ rồi đi từng sạp cá để tìm mối đẩy hàng. Mỗi chuyến bà chỉ được cho 3 nghìn đồng, chuyến nào hàng hơi nhiều thì được cho 5 nghìn. May mắn gặp được mối quen, thân tình người ta thương thì cho bà 10 nghìn.
Cũng như bà Dung, chất gần 40 kg hàng lên xe, bà Nguyễn Thị Năm (62 tuổi, quê Long An) phải đẩy chiếc xe chạy vòng vòng 200 m để giao cho khách, được trả công 10 nghìn đồng. Có lúc chiếc xe chất đầy cá trôi tuột dốc cao hơn 2m khiến bà phải còng lưng, cắn răng giằng lại vì sợ đổ hàng chủ không mướn nữa. Làm lụng cả đêm, mỗi nữ cửu vạn ở đây chỉ kiếm được hơn trăm nghìn, có khi chỉ 70 - 80 nghìn đồng.