Muốn "tâm thần xịn", chi tám triệu đồng?

Tại nhiều xã của Hải Dương, thời gian qua số người có bệnh án tâm thần tăng vọt.

Trong những ngày về điều tra đường dây mua bán bệnh án tâm thần tại Hải Dương, PV Tiền Phong còn được người nhà “bệnh nhân” phản ánh họ phải bỏ ra 6-8 triệu đồng để được các bác sỹ lập khống bệnh án. Tại nhiều xã của Hải Dương, thời gian qua số người có bệnh án tâm thần tăng vọt.

Muốn "tâm thần xịn", chi tám triệu đồng? - 1

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Trạm trưởng Y tế xã Cộng Hòa ban đầu nói cả xã chỉ có 32 trường hợp tâm thần và động kinh, trong khi con số quản lý của xã là 42.

Không nằm viện cũng có bệnh án

Ông Thành (58 tuổi, ở xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, Hải Dương) một hôm về nhà đưa ra yêu cầu đột ngột: các con phải đưa ông đi BV Tâm thần kinh Hải Dương làm bệnh án tâm thần.

“Bố em bình thường có sao đâu, nhưng thấy người ta làm được 3-4 trường hợp trót lọt nên mới về bảo các con đưa đi làm. Cả nhà em phản đối nhưng bố em vẫn kiên quyết bắt mọi người đưa đến đó khám” - một người con của ông Thành cho biết.

Anh Vinh, một người con trực tiếp đưa ông Thành đến BV Tâm thần kinh Hải Dương để khám.

“Em đưa bố đến BV theo nguyện vọng của ông và mục đích ban đầu là được lấy thuốc cho bố. Nhưng được người ta gợi ý, chỉ cần bỏ ra 8 triệu là có thể làm cả bệnh án để xin chế độ hỗ trợ của Nhà nước và khám không phải chờ lâu. Lúc đầu, qua một người quen giới thiệu, họ đưa ra cái giá 6 triệu, nhưng không đảm bảo là kết quả tâm thần xịn. Em phải bỏ thêm 2 triệu đồng thì mới bảo đảm có được bệnh án tâm thần”- anh Vinh nói.

Có thể thấy, với cảnh mua bán bệnh án như Tiền Phong phản ánh trong kỳ một bài viết này, việc bệnh nhân và gia đình họ phản ánh phải chi tiền để mua bệnh án “khống” của BV Tâm thần kinh Hải Dương là có cơ sở.

Cũng theo người nhà ông Thành, ông được một bác sĩ tên là Thân khám. Bác sĩ Thân chỉ khám qua loa, đo huyết áp, hỏi dăm ba câu tên tuổi, địa chỉ để ghi vào bệnh án rồi cho bố con ông Thành về, hẹn khoảng 10 ngày sau trở lại BV lấy bệnh án. Anh Vinh cũng khẳng định, bố anh không nằm điều trị lấy một ngày.

Hôm chúng tôi về tìm hiểu trường hợp ông Thành, “bệnh nhân tâm thần” này đang đi chơi. Chúng tôi nhờ mấy người con gọi điện thoại di động mời ông về xin gặp nhưng ông Thành không bắt máy. Vợ, con ông Thành phân trần, bình thường họ gọi ông đều thấy trả lời, có thể do ông đang đi đường nên không nghe máy.

Chi tiết hồ sơ bệnh án

Như người con ông Thành xác nhận với phóng viên, vừa qua ông không nằm điều trị một ngày nào tại BV Tâm thần kinh Hải Dương. Ông Thành chỉ được bác sĩ khám qua loa rồi cho về nhà.

Muốn "tâm thần xịn", chi tám triệu đồng? - 2

Bệnh án và quyết định điều trị ngoại trú của bệnh nhân Thành

Thế nhưng, bộ hồ sơ bệnh án tâm thần của ông Thành lại có đầy đủ các thủ tục cần thiết gồm: Bệnh án tâm thần tại cộng đồng; Quyết định đưa bệnh nhân vào quản lý, theo dõi, điều trị ngoại trú; Phiếu cấp thuốc...

Nội dung bệnh án của ông Thành được các bác sĩ BV Tâm thần kinh Hải Dương lập như sau: “Bệnh nhân từ nhỏ khỏe mạnh, lao động bình thường. Năm 1978 bị bệnh tâm thần vào viện Tâm thần Hải Dương điều trị gần một tháng ra viện. Bệnh diễn biến tái phát biểu hiện mấy năm gần đây. Tính nết thay đổi khác thường cho là có người nhà hàng xóm có ý định theo dõi để ý hại mình, ngăn cản làm ăn chăn nuôi. Có tiếng nói thỉnh thoảng xuất hiện trong đầu. Làm những việc khó hiểu, đi lang thang.

Bệnh diễn biến như trên nặng lên 3 tuần gần đây. Bệnh nhân nói nhảm, sợ người hàng xóm đang theo dõi hại mình. Cáu gắt từng cơn khó hiểu. Đập phá đồ đạc vứt lung tung. Gia đình đưa vào điều trị từ ngày 11-12-2012 đến ngày 2-1-2013. Dùng thuốc levomepromazin 25 mg x 4 viên/ngày… Ông Thành được chẩn đoán bệnh là rối loạn hoang tưởng thực tổn (rối loạn tâm thần)”.

Bệnh án cũng như quyết định điều trị ngoại trú đều có đầy đủ mã số, số quyết định; đầy đủ chữ ký của bác sĩ, chữ ký và con dấu của lãnh đạo BV Tâm thần kinh Hải Dương.

Theo đó, bác sĩ làm bệnh án là ông Phạm Văn Thân, người ký quyết định điều trị ngoại trú là ông Nguyễn Văn Thước, Phó giám đốc BV.

Hưởng trợ cấp 200 ngàn đồng/ tháng

Vợ ông Thành cho hay, sau khi có bệnh án, bà và các con đi photo làm 2 bộ hồ sơ, một gửi cho Trạm Y tế xã Cộng Hòa để xin cấp thuốc, bộ còn lại gửi UBND xã để gửi đi xin chế độ hỗ trợ (khoảng 200 nghìn/tháng).

Tại Trạm Y tế xã Cộng Hòa, ông Trạm trưởng Hoàng Đức Vân tỏ ra khá dè dặt khi tiếp phóng viên. Khi chúng tôi hỏi về những bệnh nhân tâm thần trong xã, vị Trạm trưởng ậm ừ nói không nhớ, rồi ngồi quay ngang, xoay vai về phía phóng viên.

Ông Vân nói không nhớ chính xác trong xã có bao nhiêu bệnh nhân tâm thần, động kinh, thậm chí ngay cả trường hợp ông Thành (mới nộp bệnh án để xin thuốc), ông cũng không nhớ.

Sau một hồi lẩm nhẩm tính, ông Vân nói cả xã chỉ có 22 người tâm thần phân liệt, 10 người bị động kinh. Ông còn cho biết thêm, trong xã bệnh nhân tâm thần được nhận chế độ hỗ trợ của Nhà nước cao nhất là 270 nghìn đồng/tháng, người thấp nhất là 180 nghìn đồng/tháng. Mỗi người được cấp thuốc miễn phí 2 lần/tháng.

“Cả xã có 42 trường hợp có bệnh án nhân tâm thần và động kinh chứ! Năm 2011 và 2012, số người trong xã đến nộp bệnh án tâm thần tăng mạnh, thêm 10 trường hợp”- Một nữ cán bộ của Trạm Y tế xã Cộng Hòa đưa cho chúng tôi xem danh sách số bệnh nhân trong xã, nói.

Nữ cán bộ này cũng cho biết, bệnh án của ông Thành đã được gửi đến Trạm Y tế xã hơn chục ngày nay để cấp phát thuốc điều trị.

Chuyện ở huyện có hơn 500 người tâm thần

Xã An Bình, huyện Nam Sách cũng là nơi có nhiều bệnh án tâm thần, động kinh. Cả xã có 44 bệnh án và số lượng tăng bất thường trong năm 2012 (7 bệnh án).

Khi phóng viên Tiền Phong đến làm việc với Trạm Y tế xã, ban đầu đã bị ông Nguyễn Đình Hoa, Trạm trưởng né cung cấp thông tin, đòi phải có giấy giới thiệu từ Trung tâm Y tế huyện Nam Sách.

Tại một số xã của huyện Thanh Miện, Hải Dương, số bệnh nhân tâm thần, động kinh còn cao hơn.

Theo con số tổng hợp của Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, tại xã Tứ Cường có tới 50 trường hợp, xã Lê Hồng 48 trường hợp... Tổng cộng, cả huyện có hơn 500 trường hợp tâm thần, trên tổng số 13 vạn dân.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tính, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện), từ sau khi có Chương trình “Quản lý tâm thần tại cộng đồng”, từ năm 2006, số lượng người tâm thần, động kinh tăng mạnh và những năm gần đây tăng vọt lên.

Bác sĩ Tính cũng cho biết, đối với người tâm thần và động kinh, vai trò chính của Trung tâm Y tế huyện là quản lý và cấp phát thuốc điều trị cho họ.

“Để xác định người này, người kia có bị bệnh tâm thần hay không là cấp tỉnh, cụ thể là BV Tâm thần kinh Hải Dương. Người tâm thần muốn có bệnh án thì phải nằm điều trị ít nhất một tháng tại Bệnh viện”- bác sĩ Tính nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Mậu Nghiên, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện cho rằng, con số hơn 500 trường hợp bị bệnh trong huyện như vậy là tương đối cao.

Đây là vùng đất thuần nông, hiền hòa, người dân ở các xã chủ yếu làm nghề nông nên có nhiều người tâm thần như vậy là rất khó hiểu.

* Tên bệnh nhân và người nhà đã thay đổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khiết Giang (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN