Muôn kiểu hình hài linh vật rồng trên khắp cả nước năm 2024
Nhiều linh vật rồng thể hiện sự uy nghi, mạnh mẽ nhưng cũng có linh vật hài hước và gây tranh cãi.
Linh vật là một phần quan trọng của văn hóa dân gian, thể hiện khát khao ấm no, hướng đến hạnh phúc của con người.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hình ảnh linh vật rồng đón năm mới ở khắp mọi miền Tổ quốc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Muôn kiểu tạo hình, màu sắc, dáng vẻ, biểu cảm của tượng rồng khiến cư dân mạng thích thú. Nhiều linh vật rồng thể hiện sự uy nghi, mạnh mẽ những cũng có linh vật hài hước và gây tranh cãi.
Cùng điểm qua những linh vật rồng ở các tỉnh, thành trên khắp cả nước:
Phú Thọ:
Linh vật rồng ở Phú Thọ đặt tại chợ hoa Thanh niên năm 2024 của Trung tâm Thanh thiếu nhi Hùng Vương, trong khuôn viên Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì. Nguyên liệu thiết kế linh vật rồng này là xốp mút; chiều cao 3m, chiều dài 4,5m.
Hòa Bình:
Cặp đôi linh vật rồng "song long chầu nguyệt" đặt tại quảng trường Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình. Nhiều người nhận xét, linh vật rồng được thiết kế tỉ mỉ, sống động đến từng chi tiết và màu sắc... thể hiện được sự uy nghi và dũng mãnh của loài vật này.
Thanh Hóa:
Nổi bật nhất trong số những linh vật trong tỉnh là 4 con rồng được đặt trong khuôn viên vui chơi giải trí của một doanh nghiệp ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Mỗi con rồng dài khoảng 20m, tổng chiều cao công trình khoảng 6m.
Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, đa số cư dân mạng cho rằng, linh vật rồng được tạo hình xấu, thân hình không cân đối nhìn giống như thân hình một con lươn, trong khi đầu rồng trông thô, đuôi rồng nhìn như đuôi cá hố (một loại cá biển).
Nghệ An:
Linh vật rồng đặt tại vườn hoa nghệ thuật đường Hồ Tùng Mậu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 30m, cao khoảng 5m, nặng khoảng 2-3 tấn.
Phần đầu rồng được thiết kế với thần thái uy nghiêm, phần thân mềm mại, uốn lượn. Toàn bộ thân rồng được lắp đặt đèn trang trí, phát sáng, miệng rồng được ngậm viên ngọc sáng thể hiện hình tượng rồng ẩn mình trong mây vươn lên.
Hà Tĩnh:
Linh vật rồng tại khuôn viên chùa Phổ Độ ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Linh vật này cao khoảng 8m, dài 27m, làm từ xốp.
Mọi người đánh giá linh vật này có thần thái dũng mãnh. Các nanh vuốt, vảy và nhiều họa tiết khác đều được thiết kế tinh xảo, đẹp mắt.
Quảng Bình:
Xuất hiện trước và ngay lập tức bị chê tả tơi là 8 con rồng được làm từ những cây dương trên đường Võ Nguyên Giáp, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.
Tiếp đó là 4 con rồng khác cũng được tạo bằng cây tại Công viên Bắc Lê Lợi, phường Đồng Hải (2 con) và Công viên Nam Trần Hưng Đạo, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới (2 con).
Đa số người dân đều đánh giá rằng rồng chưa đẹp, khó hình dung ra con vật gì; có người lạc quan thì cho rằng, do cây chưa phát triển hết nên việc tạo hình rồng gặp khó khăn.
Khác với linh vật rồng từ cây, cặp linh vật “song long chầu ngọc” tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở TP Đồng Hới nhận được nhiều đánh giá tích cực vì thể hiện sự cân bằng có uy quyền.
Quảng Trị:
Đến thời điểm hiện tại, cộng đồng mạng đánh giá linh vật rồng ở tỉnh Quảng Trị sẽ trở thành "nam vương" trong Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn 2024 này.
Đầu tiên là hai linh vật rồng được đặt tại chùa Vân An (phường Đông Lễ, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Tiếp theo là một linh vật rồng đặt tại công viên Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Được biết, cả 2 linh vật rồng này đều do nghệ nhân Đinh Văn Tâm chế tác. Những linh vật rồng này có thế uốn lượn, khoe dáng mạnh mẽ mà không kém phần uyển chuyển, như một biểu tượng của sức mạnh và linh hoạt.
Thừa Thiên Huế:
Đây là một trong những linh vật lớn nhất cả nước với có chiều dài 30m, bay cao cách mặt đất khoảng 2m. Thân rồng được làm bằng khung thép tròn, có nhiều đoạn uốn lượn từ đầu, thân, đến phần đuôi. Bên ngoài vảy rồng được làm bằng xốp dẻo, với các màu chủ đạo là vàng, đỏ…
Linh vật rồng được đặt tại không gian phía trước cổng Trường Quốc học Huế, bia Quốc học cạnh bờ sông Hương và đường Lê Lợi (TP Huế).
Đà Nẵng:
Tại cụm trang trí phía bắc đầu cầu Rồng, đường Trần Hưng Đạo, TP Đà Nẵng đặt linh vật rồng dài 50m, nặng gần 1 tấn. Chất liệu rồng bằng xốp.
Tại điểm quảng trường phía bắc đuôi cầu Rồng được trang trí linh vật rồng bay với hiệu ứng phun lửa, phun khói, phun nước. Theo đơn vị thiết kế, linh vật này tạo sự vui tươi nhộn nhịp phù hợp với không khí ngày xuân.
Quảng Ngãi:
Linh vật rồng đặt ngay trung tâm công viên Ba Tơ nhận được rất nhiều lời khen từ người dân vì mang phong thái uy nghiêm, dũng mãnh.
Trước khi có dung mạo hiện tại, linh vật rồng này đã bị cư dân mạng chê tả tơi khi vừa xuất hiện. Sau đó, linh vật đã được nghệ nhân Bùi Thanh Hên (huyện đảo Lý Sơn) chỉnh sửa thiết kế để phù hợp với thẩm mỹ của đại đa số người dân.
Đắk Lắk:
Linh vật rồng màu vàng dài 16m, cao 6m, được làm bằng chất liệu xốp, bên trong được cố định bằng sắt, kèm trang trí đèn led, đặt tại đường Nguyễn Tất Thành (TP Buôn Ma Thuột)
Ban đầu, linh vật rồng này có thiết kế “quay đầu” về phía đuôi nhưng bị đánh giá là không thể hiện được sự uy nghiêm, hiên ngang vượt qua sóng gió.
Sau khi nhận nhiều ý kiến trái chiều, cơ quan chức năng đã điều chỉnh cho đầu rồng quay lại hướng cũ.
TP Hồ Chí Minh:
Xuất hiện ở đường hoa Nguyễn Huệ, đôi linh vật rồng với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” dài hơn 100m mỗi con khiến nhiều người trầm trồ về độ khủng.
Đại diện đơn vị thi công cho biết, hai con rồng được lắp ghép phần vảy khoảng 5.000 cái. Rồng làm theo dạng mây tre lá, mành quạt nan, loại chất liệu mộc mạc của miền Nam… mang vẻ oai dũng mà gần gũi.
Một linh vật khác cũng xuất hiện ở trung tâm thương mại Aeon Tân Phú (quận Tân Phú) thu hút nhiều người dân, du khách thích thú tìm đến check-in.
Nhiều người đánh giá linh vật rồng này biểu cảm như đang giận dữ, phần mắt trợn to, phần râu vắt ngang mũi trông khá lạ. Bù lại phần thân, kiểu dáng của rồng được làm rất chỉn chu, đẹp mắt.
Ở Khu du lịch Suối Tiên, TP Thủ Đức cũng trình làng đôi linh vật rồng độc lạ cao 7m, đường kính 4,5m đặt trước cổng. Hai chú rồng được gọi tên là “Rồng Gen Z” bởi nơi đây có hẳn một “Đại gia đình rồng” nhiều thế hệ đã gần 30 năm, vì thế linh vật rồng 2024 là hình ảnh của thế hệ tiếp nối “đàn cháu Gen Z” mang tính hiện đại, dễ thương…
Bình Dương:
Đầu tiên phải kể đến cặp rồng độc đáo làm bằng lu gốm ở làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Chất liệu để thi công linh vật rồng này hoàn toàn bằng gốm sứ, do chính những nghệ nhân của làng nghề này làm nên.
Bên cạnh đó, linh vật rồng vàng đặt tại phố đi bộ Bạch Đằng (thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng được rất nhiều người khen ngợi vì có tính thẩm mỹ cao. Linh vật rồng vàng này do hơn 20 thầy, trò trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương thực hiện trong khoảng thời gian hơn 1 tháng.
Bạc Liêu:
Cặp linh vật rồng ở Bạc Liêu được làm bằng xốp, chiều cao 4,5m, chiều dài 9,5m và đặt tại đầu đường Nguyễn Tất Thành (TP Bạc Liêu). Linh vật rồng tên là "Song long hợp bích", có màu vàng bắt mắt, thể hiện sự uy nghi, mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được những nét mềm mại.
Phú Yên:
Linh vật rồng đặt tại đường hoa xuân Giáp Thìn 2024 ở công viên Thanh thiếu niên (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Linh vật này nhận được “mưa” lời khen của người dân và du khách bởi độ hoành tráng. Đặc biệt, về đêm, biểu tượng linh vật này càng trở nên lung linh, huyền ảo.
Nguồn: [Link nguồn]
Linh vật rồng tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đang nhận được “mưa” lời khen của người dân và du khách bởi độ hoành tráng. Đặc biệt, về đêm, biểu tượng linh vật ở thành phố này càng trở nên lung linh, huyền ảo.