Mượn bằng cấp thăng tiến là lừa dối, đừng biện bạch “việc làm để mưu sinh"
Mượn bằng của người khác để leo đến chức trưởng phòng thì đó là hành vi lừa dân, dối Đảng, không còn là “việc làm để mưu sinh”.
Bà Ái Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo mượn bằng cấp 3 của chị gái để được nhận vào làm và leo lên chức Trưởng phòng Hành chính - Quản trị (Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk)
Vừa qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) mượn bằng THPT của chị gái để làm hồ sơ giả, sau đó leo tới chức Trưởng phòng Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, để sự việc xảy ra như trường hợp của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa thì quả thật đáng trách, nhất là trong khâu tổ chức cán bộ của Tỉnh ủy Đắk Lắk. Cần phải xem lại trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đã cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm vị nữ Trưởng phòng Quản trị này.
Mượn bằng cấp leo lên ghế Trưởng phòng là lừa dân, dối Đảng
Phân tích về sự việc này, ông Lê Như Tiến cho rằng, việc lấy bằng cấp của người khác vào làm rồi leo lên chức Trưởng phòng tại Tỉnh ủy thì không còn là “việc làm để mưu sinh”, mà đó là hành vi lừa dân, dối Đảng. Người cán bộ mà không trung thực với nhân dân, với tổ chức, với Đảng thì rõ ràng không thể chấp nhận được, dù bất kỳ lý do nào.
Ông Tiến nhấn mạnh về sự thiếu tài và không đủ đức của vị nữ Trưởng phòng Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thì cần nhanh chóng loại khỏi hàng ngũ cán bộ.
“Ở đây, vị nữ cán bộ này vừa không đủ năng lực, vừa không đủ phẩm chất đạo đức. Năng lực không có thể hiện ở bằng cấp vị này đã đi mượn (không có bằng THPT), đạo đức không đủ thể hiện không trung thực trong việc khai báo trong công tác cán bộ, có dấu hiệu lừa dối Đảng, lừa dối tổ chức và nhân dân. Với những nội dung như vậy, vị nữ Trưởng phòng này cần sớm phải loại ra khỏi đội ngũ cán bộ ở Tỉnh ủy Đắk Lắk”, ông Tiến cho hay.
Ông Lê Như Tiến
Truy trách nhiệm những người "gác gôn" để "lọt lưới" sai phạm
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, công tác cán bộ ở địa phương này rõ ràng là có vấn đề. Lẽ ra công tác cán bộ là phải “gác gôn” cho cơ quan ra quyết định bổ nhiệm, thế mà ở đây, tại Tỉnh ủy – cơ quan đầu não của tỉnh Đắk Lắk, lại để xảy ra sự việc "lọt lưới" này, thì thực sự đáng trách.
“Có một điều đáng bàn ở đây là cơ quan tổ chức cán bộ của tỉnh Đắk Lắk ở đâu, chế độ kiểm duyệt lý lịch cán bộ thế nào mà để người đi mượn bằng cấp lại được bổ nhiệm hết vị trí này đến vị trí khác trong Tỉnh ủy. Cần phải xem lại trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đã cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm vị nữ Trưởng phòng này”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền có nêu rất rõ, ai giới thiệu nhân sự cho Đảng, cho chính quyền thì phải chịu trách nhiệm.
“Rõ ràng là phải có người giới thiệu thì vị này mới được đề bạt, bổ nhiệm chức Trưởng phòng Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Sự việc diễn ra ở Tỉnh ủy, cụ thể là Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thì Văn phòng phải có trách nhiệm đầu tiên, sau đó đến cấp ủy Đảng của cơ quan giới thiệu”, ông Tiến cho hay.
Về vấn đề dư luận đang đặt ra câu hỏi, phải chăng bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) được “nâng đỡ không trong sáng”, ông Tiến cho rằng, phải chờ cơ quan hữu quan của Đắk Lắk vào cuộc kiểm tra thì mới rõ được ngọn ngành.
"Nhưng ở đây dư luận và nhân dân hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi về việc nâng đỡ không trong sáng. Bởi trường hợp này đã “lọt lưới” ở nhiều khâu, được đề bạt, bổ nhiệm ở nhiều vị trí", ông Tiến nói.
Bà "Trần Ngọc Ái Sa" sử dụng bằng cấp 3 của chị gái suốt thời gian công tác tại các đơn vị trực thuộc Văn...