Mừng tuổi bằng tiền cho trẻ nhỏ, nên hay không?
Vào dịp Tết, trẻ nhỏ thường nhận được tiền mừng tuổi từ người lớn với những lời chúc chăm ngoan, học giỏi… Tuy nhiên, ngày nay, việc mừng tuổi ngày càng biến dạng, làm mai một đi phần nào ý nghĩa tốt đẹp, tích cực vốn có.
Từ xa xưa, người Việt đã có phong tục mừng tuổi cho nhau vào dịp đầu năm mới. Người lớn mừng tuổi cho trẻ nhỏ với mong muốn trẻ sẽ ngoan ngoãn, học giỏi, may mắn, hạnh phúc trong cả năm.
Tiền mừng tuổi ngày xưa là những đồng xu, tiền hào mang tính chất tượng trưng. Bởi mọi người quan niệm, tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, học tập tốt, làm ăn phát đạt trong năm mới.
Đến ngày nay, phong tục mừng tuổi vẫn tồn tại nhưng đang ít nhiều bị bóp méo khi con người đặt nặng giá trị vật chất. Người ta ít dùng tiền lẻ để mừng tuổi trẻ nhỏ mà dùng những đồng polime có mệnh giá hàng chục đến hàng trăm ngàn.
Thay vì mừng tuổi tiền, người lớn nên tặng trẻ nhỏ những món quà có tính giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống. Ảnh minh họa internet.
Trao đổi với phóng viên, giáo sư Ngô Đức Thịnh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết, ngày Tết là dịp để ông bà, cha mẹ mừng tuổi cho con cháu với mong muốn học hành tiến bộ và thành đạt. Những đồng tiền mừng tuổi đầu năm thường được người nhận trân trọng, để dành nhằm lấy may cho cả năm. Mừng tuổi đã trở thành một nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc, hàm chứa những giá trị tinh thần của tục lệ mừng năm mới.
“Mừng tuổi lấy may đối với trẻ nhỏ trong năm mới là một điều nên làm nhưng không nên đặt nặng giá trị vật chất hay xem đó là một cơ hội để “biếu xén” cha mẹ hơn là mừng tuổi cho trẻ nhỏ”, giáo sư Thịnh nói.
Theo giáo sư Thịnh, trẻ nhỏ ngày nay đang bị ảnh hưởng chung của xã hội vụ lợi và từ chính các bậc phụ huynh. Những hành động làm biến dạng phong tục mừng tuổi chủ yếu là do người lớn gây ra nhưng lại vô tình tác động, ảnh hưởng không tốt đến tâm hồn con trẻ. Nhiều trẻ chỉ xem việc được người lớn mừng tuổi trong ngày Tết là dịp để “thu hoạch”.
Đáng buồn hơn, suy nghĩ thực dụng từ người lớn lan sang cả trẻ nhỏ khiến chúng bắt đầu có sự so bì, người này mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều. Thậm chí, một số em còn đánh giá người lớn keo kiệt hay thoáng, tốt bụng qua tỷ lệ số tiền mà họ mừng tuổi…
Để trẻ không coi mừng tuổi là việc “cho tiền” hay dịp “thu hoạch”, giáo sư Thịnh cho rằng người lớn không nên mừng tuổi trẻ bằng tiền mệnh giá cao. Việc mừng tuổi nhiều tiền vô tình tạo cho trẻ thói quen sử dụng số tiền lớn và tự do, trái với ý thức tiết kiệm. Nguy hiểm hơn, điều đó có thể hình thành cho trẻ ý thích có nhiều tiền nhưng không bằng con đường lao động chân chính.
“Thay vì mừng tuổi trẻ nhỏ bằng tiền, người lớn có thể lì xì bằng một món quà nhỏ phục vụ cho việc học tập, giải trí, mở mang kiến thức hoặc rèn luyện kỹ năng sống như sách, đồ chơi, dụng cụ học tập…”, giáo sư Thịnh cho hay.
Giáo sư Thịnh cũng cho biết thêm, việc lì xì nhiều tiền sẽ tập cho trẻ thói quen so bì không đúng, gây khó khăn cho việc giáo dục nhân cách, giao tiếp trong gia đình, xã hội. Do đó, nên trả tập quán lì xì về với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó là “chúc may mắn”, “chúc sức khỏe”…. chứ không phải để tiêu xài.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên thảo luận và hướng dẫn trẻ cách sử dụng tiền mừng tuổi một cách bổ ích, thiết thực và phù hợp. Không nên dạy trẻ cách vụ lợi từ quá sớm mà hãy coi đây là cơ hội để giáo dục cho trẻ ý thức tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm.