“Mũi giáo cùn” răn đe Nga của NATO

Những rắc rối về chính trị và ngân sách có thể biến lực lượng phản ứng nhanh của NATO để răn đe Nga thành một "mũi giáo cùn" kém hiệu quả.

Trong thời gian qua, trước những diễn biến tình hình phức tạp ở bán đảo Crimea và miền đông Ukraine, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ quan ngại về sự can thiệp của Nga vào Ukriane và tuyên bố rằng NATO cần phải lập ra một “mũi giáo” để đề phòng bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào.

Ngay vào đầu năm 2015 tới đây, NATO sẽ thành lập một lực lượng phản ứng nhanh mới để có thể triển khai nhanh chóng hơn ở biên giới phía đông của khối quân sự này.

Lực lượng phản ứng nhanh mới mang tên “mũi giáo tạm thời” này gồm hàng trăm binh sĩ của Đức, Hà Lan và Na Uy được điều động trực sẵn sàng chiến đấu luân phiên tại các căn cứ ở đất nước mình, nhưng phải sẵn sàng cơ động ra biên giới phía đông của NATO khi có lệnh.

“Mũi giáo cùn” răn đe Nga của NATO - 1

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg

Theo ông Stoltenberg, “mũi giáo” này được dựng lên để “hỗ trợ” các thành viên NATO khu vực Baltic đối phó với các mối đe dọa đến từ phía đông, đặc biệt là trong bối cảnh NATO liên tục cáo buộc rằng Nga đang dồn quân đến sát biên giới với Ukraine.

Trong một hội nghị hồi tháng Chín vừa qua, NATO cũng đã quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự ở Estonia, Lithuania và Latvia, những quốc gia thuộc khối quân sự này có chung đường biên giới với Nga hoặc đồng minh thân cận của Moscow là Belarus.

Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tố cáo rằng Nga “vẫn tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế và đang vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine”, bởi vậy, việc NATO dựng lên một ngọn giáo để răn đe Nga là cần thiết.

Theo kế hoạch của ông Stoltenberg, “mũi giáo” này là một lực lượng được trang bị đầy đủ để có tể nhanh chóng triển khai tới các quốc gia thành viên vùng Baltic trong vòng 48 giờ để thực hiện nhiệm vụ “răn đe và phòng thủ” trong bất cứ tình huống khủng hoảng nào.

Thế nhưng theo chuyên gia bình luận quốc tế Eric Gujer của tờ Neue Zuercher Zeitung của Thụy Sĩ, lực lượng phản ứng nhanh mà NATO sắp lập ra để chống lại mối đe dọa từ Nga này thực chất là một “mũi giáo cùn” không mang nhiều sức mạnh và khả năng răn đe.

“Mũi giáo cùn” răn đe Nga của NATO - 2

Chuyên gia bình luận quốc tế Eric Gujer của tờ Neue Zuercher Zeitung

Theo ông Gujer, mặc dù chủ trương và kế hoạch là vậy, song các thành viên NATO rất khó có thể đi đến thống nhất về việc triển khai lực lượng nhanh chóng tới miền đông để bảo vệ các quốc gia thành viên ở đây, và nếu có làm được như vậy, nó cũng không mang lại lợi thế về cả chính trị và quân sự.

Trong thời điểm hiện tại, “mũi giáo” của NATO chủ yếu dựa vào lực lượng của quân đội Đức và Hà Lan, và đây chính là nơi các rắc rối chính trị nảy sinh. Trong chiến dịch không kích vào Libya năm 2011, Đức đã khiến NATO phải thất vọng khi không điều lực lượng tham chiến như kỳ vọng.

Trong chiến dịch không kích đó, Đức đã cho rút toàn bộ tàu chiến và binh sĩ của mình trong lực lượng NATO tham gia chiến đấu ở Libya, thậm chí còn xem xét rút các sĩ quan tham gia vào việc lên kế hoạch không kích tại trụ sở của NATO ở Bỉ.

Còn hiện nay, Đức là nước kiên quyết phản đối mọi động thái khiêu khích quân sự đối với Nga, và ông Gujer tin rằng trong giờ phút cuối cùng, Đức hoàn toàn có thể rút binh sĩ của mình trong lực lượng phản ứng nhanh của NATO, biến thứ vũ khí răn đe của họ thành một “mũi giáo cùn”.

“Mũi giáo cùn” răn đe Nga của NATO - 3

Lực lượng phản ứng nhanh răn đe Nga của NATO sẽ trở thành "mũi giáo cùn" bởi các rắc rối về chính trị

Một lý do nữa là hiện nay NATO đã có một lực lượng phản ứng nhanh, nhưng họ không muốn triển khai lực lượng này đến biên giới phía đông vì khi khủng hoảng nổ ra, các nước thành viên muốn tham chiến trong một liên minh linh hoạt hơn để tránh những vấn đề như trên với Đức.

Với lý do này, việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh thứ hai với tính khả thi hạn chế khó có thể làm nên trò trống gì, chuyên gia Gujer nhận định.

Không những thế, để lực lượng phản ứng nhanh này có thể triển khai được trong thời gian sớm nhất, nguồn kinh phí đổ ra là không hề nhỏ và tốn kém hơn rất nhiều so với điều lực lượng đồn trú lâu dài tại các nước Baltic. Thế nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, việc đưa quân đến đồn trú lâu dài ở khu vực này là một biện pháp có thể khiến Nga tức giận, và NATO không muốn làm điều đó.

Phản ứng trước động thái trên của NATO, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkow đã tuyên bố rằng NATO đang “gây bất ổn cho khu vực Bắc Âu bằng các cuộc diễn tập và điều tàu sân bay có thể mang theo vũ khí hạt nhân tới biển Baltic”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN