Mua vé tàu phải có chứng minh thư

Đi mua vé tàu hộ người khác, người trực tiếp đến phải xuất trình chứng minh thư (CMT) hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh được pháp luật công nhận của người sẽ đi tàu mới được mua vé.

Theo quy định của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), từ ngày 1.1.2015, hành khách mua vé trên hệ thống bán vé điện tử phải ghi đầy đủ họ tên và thông tin cá nhân (số CMT hoặc số giấy tờ tùy thân có ảnh được pháp luật công nhận). Chỉ hành khách có thông tin trên vé đúng thông tin cá nhân mới hợp lệ để lên tàu hoặc làm thủ tục trả vé tại ga.

Không những vậy, hành khách đến mua vé trực tiếp tại ga cũng phải xuất trình giấy tờ tùy thân của bản thân mình lẫn người cùng đi. Thậm chí, mua hộ người khác, người trực tiếp đến mua phải đem theo CMT hoặc giấy tờ tùy thân của người đó.

Chị Nguyễn Giang Hương (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) phản ánh: “Tôi đi mua vé cho bố tôi đã hơn 80 tuổi đi Huế vào ngày 8.1.2015, nhưng nhân viên tại Ga Hà Nội đề nghị phải có CMT của người đi tàu. Dù đã xuất trình CMT của bản thân và đề nghị được đọc tên, số CMT của bố tôi, nhưng vẫn không được chấp nhận”. Sau đó, chị Hương phải về nhà, lấy CMT của bố chị rồi lên ga mua vé lại.

Tổng Công ty ĐSVN cho biết, quy định kể trên được ban hành ngày 5.12 nhằm hạn chế tình trạng cò vé, phe vé tàu hỏa.

Mua vé tàu phải có chứng minh thư - 1
Hành khách đi mua vé tàu hộ người khác cũng phải có CMT hoặc giấy tờ tùy thân của người cần mua vé. (Ảnh: Đàm Duy)

Ông Nguyễn Hữu Tuyên – Trưởng ban Kinh doanh vận tải, Tổng Công ty ĐSVN nói: “Chúng tôi cũng rất băn khoăn việc đề nghị hành khách phải ghi số CMT, nhưng nếu không làm thế thì không ngăn chặn được tình trạng phe vé”.

Ông Tuyên cho biết thêm, việc ghi số CMT của hành khách đi tàu nhằm đảm bảo quyền lợi cho hành khách không bị mua phải vé giả và cũng để có các chính sách hậu mãi sau này. Ông Tuyên cũng thừa nhận việc này “có phiền toái” cho hành khách và mong nhận được chia sẻ với ngành đường sắt.

Tuy nhiên, câu trả lời của ông Tuyên chưa làm rõ được việc tại sao lại “cứng nhắc” buộc phải có CMT hay giấy tờ tùy thân của người nhờ mua hộ, dù có thể người đó ở các tỉnh xa như Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái, Hải Dương… Trong khi đó, hành khách mua qua hệ thống điện tử chỉ cần điền thông tin cá nhân lên mạng để đặt vé và ngành đường sắt vẫn sử dụng cách kiểm tra ở khâu cuối cùng tại ga để xem có đúng là người đã đặt vé hay không.

Ông Đoàn Duy Hoạch – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN vẫn giữ quan điểm: “Nếu khách hàng không có CMT, chỉ cần giấy tờ có dán ảnh được pháp luật công nhận, không phải là cứng nhắc. Nếu mua hộ người ở xa, họ có thể photocopy giấy tờ rồi gửi qua email cho người đến ga trực tiếp mua. Mong hành khách chia sẻ với ngành đường sắt để được phục vụ tốt hơn”.

Ông Hoạch khẳng định từ 1.1.2015 toàn bộ hệ thống sẽ ghi lại số CMT của hành khách, chỉ có những hành khách có vé hợp lệ mới được vào sân ga lên tàu. Những hành khách đặt mua vé trước ngày 5.12 khi lên tàu không cần phải xuất trình CMT.

Dấu hiệu đầu cơ vé qua mạng

Tổng Công ty ĐSVN cho biết, sau một tháng triển khai hệ thống bán vé điện tử, đã xuất hiện dấu hiệu đầu cơ vé tàu tết qua mạng. Từ một địa chỉ IP có người đặt mua hàng trăm vé tàu hoặc sử dụng số CMT không đúng thực tế để đặt mua vé. Chức năng hàng đợi của hệ thống tiếp nhận 100.601 người xếp hàng mua vé, nhưng có đến 26.592 người bị khóa vì vi phạm quy định, như sử dụng một địa chỉ email hoặc một số điện thoại đăng ký mua quá 8 vé, tên hành khách sai quy định, thông tin giấy tờ tùy thân sai quy định...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vinh Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN