Mùa Trung thu thăm làng đèn Báo Đáp
Hằng năm, mỗi độ thu về, khi khắp mọi nơi đều nô nức chuẩn bị cho Tết Trung thu, làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định) lại rực sắc đỏ của các loại đèn ông sao. Đây là một trong những cái nôi của nghề làm đèn lồng Trung thu truyền thống.
Trung thu xưa có đèn kéo quân, đèn cù, đèn làm từ hộp xà phòng, xiên hạt bưởi... Ngày nay, cùng với thị trường các loại đèn đa dạng, nhiều màu sắc, những chiếc đèn truyền thống đã đi vào trong trí tưởng tượng của các bạn nhỏ với những hình ảnh chỉ có trong sách vở. Thay vào đó là hàng loạt các loại đèn kiểu dáng mới với những mẫu mã bắt mắt hơn. Tuy nhiên có một loại đèn không bị mai một theo thời gian và vẫn giữ được giá trị truyền thống, đó là đèn ông sao.
Loại đèn này được làm ra từ khắp mọi nơi trên cả nước, nhưng có một làng nghề truyền thống vẫn giữ được nhiều nét văn hóa cổ xưa, đó là làng Báo Đáp, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Bà con ở đây nói, nghề làm đèn đã có từ rất lâu và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Năm nay, do lượng đèn Trung Quốc xuất hiện nhiều nên đèn ông sao đã bị giảm khối lượng bán đáng kể.
Nằm cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 13km, làng Báo Đáp được biết đến là làng nghề duy nhất làm đèn ông sao cho trẻ em mỗi độ Trung thu. Làng có 10 xóm thì có đến 9 xóm làm nghề đèn ông sao, đèn sản xuất ở đây bán khắp miền Nam, Bắc.
Từng công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì qua đôi bàn thay khéo léo của người thợ, phải mất gần 30 công đoạn bằng phương pháp thủ công mới làm ra một chiếc đèn ông sao. Từ chẻ vót tre, in hoa văn, màu sắc trên giấy bóng đến cắt khung, làm xương đèn, lắp cán… mới tạo thành một chiếc đèn ông sao hoàn chỉnh.
Dưới đôi bàn, con mắt của người thợ, từng chiếc đèn ông sao được hình thành. Loại lớn có đường kính 50cm trở lên, loại vừa 40cm và loại nhỏ là dưới 30cm.
Người dân ở đây cho biết, làm đèn sao lớn tốn rất nhiều thời gian, công sức. Các khâu chọn và chế tác nguyên liệu thô, làm xương đèn, dán giấy bóng… phải cần tới 3-4 người cùng làm và với cường độ nhanh nhất cũng chỉ được hơn chục chiếc/ngày”.
Nếu làm một chiếc đèn cỡ nhỏ (30cm) đã khó vì phải tỉ mỉ từng chi tiết thì làm một chiếc đèn lớn (từ 1-2m) lại càng khó hơn.
Các hộ chuyên làm đèn bắt đầu làm đèn từ tháng giêng, khung đèn được làm sẵn rồi ép lại chất trong bếp hoặc trên gác xép đến gần Trung thu thì mới dán giấy màu, buộc vành và gắn cán.
Trung bình một hộ nếu làm từ tháng giêng thì Trung thu xuất ra được khoảng 15-20 nghìn đèn các loại. Còn gia đình nào sát đến Trung thu mới làm chỉ xuất được khoảng 5-8 nghìn đèn.
Chiếc đèn lồng Báo Đáp lung linh sắc màu vào đêm Trung thu chắc hẳn sẽ để lại nhiều ký ức đẹp trong tâm hồn các cô bé, cậu bé.