Mua trực thăng chữa cháy: Hà Nội vẫn "chưa bàn tới"
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, máy bay trực thăng trang bị cho lực lượng PCCC không chỉ tham gia chữa cháy mà còn sử dụng trong nhiều trường hợp khác.
Trực thăng chữa cháy đang dập lửa một vụ cháy. (Ảnh minh hoạ: Picture Social)
Chiều 12.4, trao đổi trong cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội cho rằng chủ trương mua máy bay trực thăng là cần thiết, nhiều nước trên thế giới đã đầu tư.
Theo ông Định, máy bay trực thăng trang bị cho lực lượng PCCC không chỉ tham gia chữa cháy mà còn sử dụng trong nhiều trường hợp khác. Ở những nơi tiếp cận cứu hộ khó khăn như chung cư cao tầng, vùng sâu, vùng xa trong tình huống khẩn cấp, trực thăng phát huy hiệu quả tốt.
“Trước mắt, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cùng điều kiện hạ tầng nhà ga, lực lượng duy trì, diễn tập yêu cầu đầu tư lớn, vì vậy chúng tôi chưa đề cập tới việc mua máy bay trực thăng trong thời điểm này. Trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ đề nghị quân đội hỗ trợ. Máy bay trực thăng, có lẽ giai đoạn 2025 – 2030 mới bàn tới”, ông Định nói.
Gần đây, dư luận cũng đang quan tâm đến thông tin Cảnh sát PCCC TP.HCM trình lên Hội đồng Nhân dân thành phố (HĐND TP) đề xuất kế hoạch mua trực thăng chữa cháy. Theo đó giá mỗi chiếc trực thăng lên đến 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM đã lên tiếng phủ nhận thông tin về kinh phí mua trực thăng.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể cơ sở của lực lượng cảnh sát PCCC của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Hà Nội sẽ mua 2 máy bay trực thăng, trong đó có 1 máy bay chữa cháy và 1 máy bay cứu hộ và thành lập trung tâm chỉ huy điều hành bay, lập 10 phòng cảnh sát PCCC ở các quận, huyện, thị xã. Quân số cũng được bổ sung 2000 người từ nay đến năm 2020.
Ngoài ra, các đơn vị PCCC còn được trang bị nhiều thiết bị chuyên dụng khác như thiết bị cảm biến âm thanh, cảm biến sóng radio, camera để tìm kiếm người bị nạn…
Dự kiến tổng kinh phí đầu tư để thực hiện dự án đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là hơn 11.500 tỷ đồng, lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu bảo hiểm cháy nổ, nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Theo Thông tư 60 của Bộ Công an, có hiệu lực từ 1.1.2016, quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng cảnh sát PCCC. Mỗi địa phương thuộc đô thị đặc biệt sẽ được trang bị tối đa 2 máy bay trực thăng chữa cháy, cứu hộ và 2 máy bay chữa cháy, niên hạn sử dụng 15 năm, chỉ trang bị khi đảm bảo về nguồn nhân lực gồm phi công, đội ngũ kỹ thuật viên phục vụ, đảm bảo cơ sở hạ tầng bay.