Mưa thiên thạch: Nhiều câu hỏi chưa lời đáp

Trong khi những chấn động của vụ thiên thạch rơi xuống mặt đất (mưa thiên thạch) hôm 15/2 khiến cửa sổ vỡ tan, rung chuyển nhiều cao ốc ở vùng Chelyabinsk, Nga còn chưa lắng xuống thì ngày 16/2, Đài Truyền hình Quốc gia Cuba đưa tin, tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Rodas của nước này cũng ghi nhận tình trạng thiên thạch rơi vào khoảng 20 giờ ngày 15/2 (theo giờ địa phương). Các nhà thiên văn Cuba đã đến tỉnh Rodas để tìm kiếm những mảnh thiên thạch rơi xuống mặt đất.

Từ những vụ thiên thạch liên tiếp rơi

Điều đáng nói là trong khi 2 vụ thiên thạch tại Nga và Cuba còn đang được dư luận và giới chuyên môn bàn luận thì một thiên thạch lớn bằng bể bơi Olympic (thiên thạch 2012 DA14) đã bay sượt qua Trái đất ở khoảng cách gần 28.000km, bằng 1/10 khoảng cách giữa Trái đất với Mặt trăng và không gây tổn hại gì. Giới khoa học cho biết, 2012 DA14 là thiên thạch lớn nhất từ trước tới nay bay ở khoảng cách gần nhất so với Trái đất và khi nó bay qua Trái đất ở khoảng cách gần nhất vào khoảng 19h5 phút GMT ngày 15/2 (khoảng 2 giờ 24 phút ngày 16/2, theo giờ Việt Nam). Thiên thạch 2012 DA14 bay sượt qua Trái đất ngay sau vụ mưa thiên thạch ở Nga hôm 15/2, nhưng theo các nhà khoa học, 2 sự kiện này hoàn toàn không liên quan tới nhau và chỉ là “sự trùng hợp của vũ trụ”.

Thiên thạch 2012 DA14 lần đầu tiên được các nhà thiên văn ở Cơ quan khảo sát bầu trời La Sagra tại Tây Ban Nha quan sát thấy hồi tháng 2/2012. NASA cho biết, Văn phòng Chương trình Vật thể cận trái đất của NASA có thể dự báo chính xác đường đi của thiên thể - không có nguy cơ va vào Trái đất và đây là cơ hội tốt để giới khoa học nghiên cứu về vật thể bay ở mức độ gần với Trái đất. Dự kiến phải mất 30 năm nữa, thiên thạch 2012 DA14 mới lại bay sát Trái đất. Tuy thiên thạch 2012 DA14 chỉ có đường kính khoảng 45 mét nhưng có thể huỷ diệt cả một thành phố và khi tiếp cận Trái đất, cư dân sống ở châu Á và châu đại dương có thể quan sát khi nó bay qua.

Giới chuyên môn ước tính, thiên thạch 2012 DA14 có giá lên đến 195 tỉ USD. Đây là con số do các nhà khoa học tại Deep Space Industries (Mỹ) đưa ra. Bởi theo họ, giá trị của lượng chất lỏng có thể thu hồi từ thiên thạch 2012 DA14 vào khoảng 65 tỉ USD, còn tổng lượng nickel, sắt và các loại kim loại khác có giá vào khoảng 130 tỉ USD. Tuy nhiên, Deep Space cũng khẳng định, khó có thể khai thác thiên thạch 2012 DA14 vì nó cách khá xa Trái đất. Có lẽ nhận thức được vấn đề này nên những người sưu tầm thiên thạch đang tìm tới vùng Chelyabinsk của Nga để tìm kiếm mảnh vỡ thiên thạch sau vụ nổ trên không trung hôm 15/2. Và bất chấp cảnh báo không được tiếp cận các vật thể chưa xác định, nhưng một số công ty địa phương đang hi vọng vớ bẫm từ thảm họa này bởi họ đã rao bán trên mạng mảnh vỡ thiên thạch rơi xuống Chelyabinsk với giá 1.488 rub (gần 50 USD).

Tới những thông tin đáng quan tâm

Ngay sau khi biết tin về mưa thiên thạch, Tổng thống Putin đã ra lệnh trợ giúp lập tức cho những người sống ở vùng núi Ural và Bộ Tình trạng khẩn cấp đã điều 20.000 người đến khu vực thảm họa để tiến hành công tác cứu hộ và dọn dẹp hiện trường. Được biết, trong số khoảng 1.200 người bị thương, có 200 trẻ em, phần lớn bị thương vì kính vỡ. Tổng thống Putin đã cám ơn Thượng đế vì không có mảnh vỡ lớn nào của thiên thạch rơi xuống khu vực đông dân cư, nhưng ông vẫn ra lệnh cho Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Vladimir Puchkov nhanh chóng giúp đỡ các nạn nhân. Bộ trưởng Vladimir Puchkov cho biết, thiên thạch phát nổ đã làm hư hỏng khoảng 300 ngôi nhà, 12 trường học và một số nhà máy.

Mưa thiên thạch: Nhiều câu hỏi chưa lời đáp - 1

Hình ảnh vụ mưa thiên thạch ở Nga (trái), khói bốc lên từ hiện trường một toà nhà bị ảnh hưởng bởi mảnh vỡ của thiên thạch.

Các vụ nổ đã phá vỡ khoảng 100.000m2 kính ở Chelyabinsk. Cảnh sát Nga cho biết, trận mưa thiên thạch lớn chưa từng thấy đã tạo ra một cái hố với đường kính lên tới 6m và hiện các nhà khoa học đang khẩn trương phân tích những tàn dư của trận mưa thiên thạch. Theo thống kê sơ bộ, có ít nhất 6 thành phố ở miền Trung nước Nga bị trận mưa thiên thạch này tấn công.

Theo thông báo của Viện Hàn lâm khoa học Nga cho biết, mảnh thiên thạch kể trên nặng khoảng 10 tấn, khi bay vào bầu khí quyển Trái đất với vận tốc ít nhất là 54.000km/giờ và vỡ ra thành từng mảnh ở độ cao khoảng 30-50km, một mảnh thiên thạch lớn đã rơi xuống hồ nước ở gần thị trấn Chebarkul trong vùng Chelyabinsk. Còn theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga Roscosmos, thiên thạch di chuyển với tốc độ 30km/giây và để lại một vạch khói trắng có thể nhìn thấy từ khoảng cách 200km. Thống đốc vùng Chelyabinsk cho biết, mưa thiên thạch đã gây thiệt hại vật chất trị giá khoảng 30 triệu USD.

Hiện dư luận vẫn đưa ra 7 câu hỏi lớn và tới nay vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Đó là khối thiên thạch lớn tới mức nào, có liên quan gì đến thiên thạch 2012 DA14, liệu sự kiện này có diễn ra thường xuyên, tại sao thiên thạch phát nổ, tiểu hành tinh, thiên thạch và sao băng khác nhau như thế nào, liệu có thể thấy tiểu hành tinh đang tới, liệu có thiên thạch giống như trong vụ Chelyabinsk?

Theo tờ USA Today, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, thiên thạch rơi xuống Nga hôm 15/2 chỉ bằng kích cỡ một chiếc xe buýt, nặng khoảng 7.000 tấn và nổ với sức công phá của khoảng 20 quả bom nguyên tử. Nhưng NASA cũng thừa nhận, đã không nhìn thấy trước khối thiên thạch tấn công nước Nga. Theo ông Jim Green, Giám đốc Ban Khoa học hành tinh của NASA, khối thiên thạch rơi xuống khu vực Urals của Nga là một thiên thạch có kích thước trung bình, nhưng là vụ nổ lớn nhất trong 100 năm qua. Được biết, trước khi bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ, khối thiên thạch này đã phát nổ 9 lần khi bắt đầu rơi ở độ cao từ 30-50km. Tuy nhiên, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovsky lại cho rằng, sự việc xảy ra ở Ural không phải mưa thiên thạch, mà là một vụ thử vũ khí mới của Mỹ. Theo ông Vladimir Zhirinovsky, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã muốn thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về vấn đề này, nhưng khi đó ông Sergei Lavrov lại đang đi công tác châu Phi. Sau khi nhiều người bất bình với bình luận này, ông Vladimir Zhirinovsky đã phải gỡ giả thuyết đăng trên blog của mình.


Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tân Hồng - Tiên Du (Công An Nhân Dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN