Mua sim Viettel đổi bò giống: Tỉnh Quảng Ninh nói gì?

Để nhận được 1.300 con bò giống trao cho các hộ nghèo, tỉnh Quảng Ninh phải phát triển thêm khoảng 20.000 thuê bao di động mới cho Viettel. Các sim này phải sử dụng trong ít nhất 3 năm, 100.000 đồng/tháng.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Quảng Ninh đã lên kế hoạch vận động cán bộ, công chức ở các đơn vị mua sim điện thoại để đổi lấy bò giống hỗ trợ người nghèo.

Theo nội dung thỏa thuận, UBND tỉnh Quảng Ninh giúp Viettel bán khoảng 20.000 sim điện thoại mới, tập đoàn này sẽ tặng khoảng 1.300 con bò giống chất lượng cao cho người dân trong tỉnh hưởng ứng chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”.

Mua sim Viettel đổi bò giống: Tỉnh Quảng Ninh nói gì? - 1

UBND tỉnh Quảng Ninh giúp Viettel bán khoảng 20.000 sim điện thoại mới, tập đoàn này sẽ tặng khoảng 1.300 con bò giống

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN tỉnh Quảng Ninh đã ban hành thư kêu gọi gửi các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Thư kêu gọi các cơ quan tổ chức, đơn vị địa phương, cá nhân và tổ chức tích cực tham gia hưởng ứng chương trình, thiết thực giúp các hộ nghèo địa bàn biên giới của tỉnh vượt qua khó khăn. Cứ 15 sim được mua sẽ tương ứng với 1 con bò giống được Viettel cung cấp.

Trong đó, cơ quan này ra chỉ tiêu phân bổ đến các đơn vị, sở ban ngành trong tỉnh. Cụ thể, TP. Hạ Long có chỉ tiêu khoảng 1.000 sim, các thành phố, thị xã khác khoảng 700 - 800 sim. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có chỉ tiêu cao nhất, khoảng 3.600 sim.

Chương trình bắt đầu từ tháng 8/2014. Điều kiện là người mua sim Viettel phải hòa mạng thuê bao 60 ngàn đồng, cước sử dụng dịch vụ hàng tháng là 100 ngàn đồng/thuê bao. Các thuê bao cam kết sử dụng từ 36 tháng trở lên.

Ước tính, một con bò giống có giá khoảng 15 triệu đồng. Trong khi đó, 15 sim sử dụng trong 36 tháng sẽ mất ít nhất khoảng 54 triệu đồng.

Trước một số thông tin cho rằng, tỉnh Quảng Ninh đang "giao chỉ tiêu". Điều này mang tính bắt buộc và làm khó cho các đơn vị cũng như doanh nhiệp. Bởi lẽ, nhiều cán bộ, công chức, người lao động trong các doanh nghiệp đã sử dụng điện thoại di động và có sim rồi, bây giờ không biết mua để làm gì.

Trả lời chúng tôi, ông Đặng Huy Hậu (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) bác bỏ thông tin cho rằng việc mua sim là bắt buộc.

Ông Hậu xác nhận, đúng là tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện chủ trương mua sim đổi bò giống hỗ trợ người nghèo. Nhưng UBND tỉnh cũng như UB Mặt trận chỉ ra văn bản kêu gọi vận động các đơn vị mua sim chứ không có nội dung nào bắt buộc người mua.

Theo ông Hậu, vận động, kêu gọi là phải đưa ra chỉ tiêu để phấn đấu hoàn thành. Nếu các đơn vị không thực hiện đủ cũng không vấn đề gì. Việc kêu gọi mua sim hoàn toàn tự nguyện.

"Đây là kêu gọi chỉ tiêu để giúp đỡ người nghèo chứ không vì lợi ích một doanh nghiệp nào cả." - ông Phó Chủ tịch tỉnh nói.

Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" được triển khai từ tháng 6/2014 đến tháng 10/216 tại 11 tỉnh gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An - bằng việc vận động cán bộ công nhân viên chức chiến sĩ và nhân dân hòa mạng sử dụng sim điện thoại Viettel. Qua đó, các địa phương có kinh phí mua bò giống tặng các hộ nghèo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Thủy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN