Mưa lũ lịch sử ở Hà Giang: Hàng trăm “bom nước” ẩn họa...
Cơn lũ lịch sử gần 60 năm qua khiến Hà Giang tổn thất nặng nề, 5 người chết, 2 nhà máy thủy điện vùi lấp, nhiều tuyến đường, nhà cửa hư hỏng, ngập lụt. Miền núi phía Bắc, nơi có hàng trăm hồ, đập đang xuống cấp, là những “bom nước” ẩn họa.
Nhà máy thủy điện Thái An, huyện Quản Bạ (Hà Giang) bị lũ vùi lấp Ảnh: Ngọc Hà
Trận mưa từ đêm 20/7 đến 21/7 ở Hà Giang đã gây lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề ở huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê, thành phố Hà Giang…
Thống kê cho thấy 5 người đã chết, 2 người bị thương vì mưa lũ, ước tính thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra khoảng 500 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nhà ở, hạ tầng và sản xuất nông nghiệp lên đến trên 125 tỷ đồng. Riêng hai nhà máy thủy điện Thái An (huyện Quản Bạ) và Thuận Hòa (Vị Xuyên) do đất đá vùi lấp, gây thiệt hại lần lượt 350 tỷ và 20 tỷ đồng.
Từ rủi ro lớn các hồ chứa, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu Hà Giang kiểm tra, rà soát các điều kiện vận hành xả lũ, phương án đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du, đặc biệt là với các hồ thủy điện nhỏ và hồ thủy lợi xung yếu.
Nói về hệ thống hồ chứa ở miền núi phía Bắc, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua kiểm tra, rà soát, khu vực này còn 343/1.200 hồ chứa bị hư hỏng. Trong đó, có khoảng 59/200 hồ chứa bị hư hỏng nặng được Bộ báo cáo Thủ tướng.
Hầu hết các hồ xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, xây dựng đã lâu, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa, nâng cấp…
Tổng cục Thủy lợi cung cấp nhiều con số “giật mình”: Rà soát các hồ đập ở miền núi phía Bắc cho thấy, chỉ 4% số hồ được kiểm định an toàn, 4% số hồ được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du,4% số hồ được lập quy trình vận hành...
Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa bố trí kinh phí và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa, đặc biệt ở nhóm hồ vừa và nhỏ ở Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn...
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, những bất cập trên đã dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc: Từ năm 2010 trở lại đây, khu vực phía Bắc xảy ra 71 sự cố đập, hồ chứa.
Bài học từ lũ lịch sử Trung Quốc
Theo cơ quan dự báo khí tượng của Việt Nam, thời tiết ở vùng núi phía Bắc từ nay cho đến cuối năm tiếp tục có những hình thái cực đoan.
Cùng với hạn hán trong tháng 6-7 là mưa lũ trong tháng 9 với lượng mưa trung bình được dự báo là rất lớn. Đặc biệt, Viện Vật lý Địa cầu dự báo, tới đây vùng này có khả năng xảy ra những trận động đất với cấp độ lớn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, đợt lũ lịch sử đang hoành hành ở Trung Quốc là những bài học đắt giá trong việc ứng phó, phòng chống mưa lũ ở Việt Nam.
Theo ông Thắng, đập Tam Hiệp nằm trên sông Dương Tử (sông Trường Giang), là con đập lớn nhất thế giới. Con đập này tạo ra hồ có dung tích tới khoảng 40 tỷ m3. Hạ du đập là những thành phố lớn của Trung Quốc như Trùng Khánh, Nam Kinh, Thượng Hải… nên nếu đập Tam Hiệp có vấn đề sẽ là thảm họa.
Theo ông Thắng, thượng nguồn sông Đà, sông Thao bắt nguồn ở khu vực Vân Nam (Trung Quốc), nên chúng ta cần theo dõi sát về tình hình mưa lũ ở khu vực này để ứng phó.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam đã có những trận lũ rất lớn từ năm 1945, 1969, 1971 trên các sông Hồng, sông Lô, sông Thao. “Từ bài học của Trung Quốc, chúng ta cần lưu về vấn đề phòng chống lũ trên các hệ thống sông, đặc biệt là sông Hồng trước những diễn biến bất thường, cực đoan của khí hậu”, ông Thắng nói.
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, ông Thắng cũng cho rằng, trước hết cần đầu tư nghiên cứu khoa học về mưa, lũ, nhất là công nghệ viễn thám, nhận dạng từ đó xây dựng các kịch bản ứng phó. Với hệ thống sông Hồng, do có nhiều hồ đập lớn như các đập thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, nên cần phải quản lý chặt chẽ, trong đó chú trọng việc quan trắc, xem xét các diễn biến thân đập.
Cùng đó, nâng cao năng lực dự báo mưa, dòng chảy, kể cả ngắn hạn và dài hạn để chủ động vận hành hồ chứa, vừa phục vụ phát điện, phòng chống hạn cũng như ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn đập cũng như ở hạ du.
“Chúng ta từng có bài học vào tháng 10/2018, có một trận mưa rất lớn, lượng nước về hồ Hòa Bình tới 16.000 m3/s. Năm đó chúng ta phải mở khẩn cấp tới 8/12 cửa xả đáy của thủy điện Hòa Bình, đóng cửa không phát điện Thủy điện Sơn La để hỗ trợ cho hồ Hòa Bình. Do vậy, cần lưu ý vấn đề này”, ông Thắng cảnh báo.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Hà Giang nhiều ngày qua nỗ lực phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông trên những tuyến...
Nguồn: [Link nguồn]