Mua “đồ nghề” chế tạo thuốc nổ dễ như mua rau
Tại TP.HCM, các loại hóa chất dùng để chế tạo thuốc nổ vẫn được bày bán công khai, nếu có nhu cầu, có thể dễ dàng mua như con cá, mớ rau mà ít có sự kiểm tra, quản lý từ phía các cơ quan chức năng.
Mua bán tràn lan
Mặc dù Nhà nước đã có những quy định nghiêm cấm hành vi buôn bán và sử dụng pháo, thuốc nổ, nhưng hiện việc quản lý các loại hóa chất dùng để chế tạo mặt hàng này vẫn còn rất lỏng lẻo. Mới đây nhất, vụ nổ tại căn nhà số 342/29/3, đường Lý Thường Kiệt, TP.HCM đã cướp đi sinh mạng của 4 sinh viên trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Theo kết luận ban đầu, nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là do các sinh viên này mua hóa chất về để chế tạo pháo.
Qua tìm hiểu, hai loại hóa chất được sử dụng chủ yếu trong quy trình làm pháo, thuốc nổ là kali clorat (KClO3) và phốt pho (P). Đây là các loại hóa chất nằm trong danh mục không được buôn bán tự do, người mua phải xuất trình được các giấy tờ liên quan đến mục đích sử dụng và được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại hóa chất này có thể dễ dàng tìm kiếm, mua bán trên thị trường, trong khi các cơ quan chức năng lại khá lúng túng trong vấn đề quản lý.
Dạo quanh một số cửa hàng bán hóa chất tại chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM), qua khảo sát có thể dễ dàng nhận thấy, trong hai loại hóa chất kể trên, phốt pho vẫn được nhiều cửa hàng bày bán công khai. Tại cửa hàng L.G., mỗi kg phốt pho được bán với giá 150.000 đồng, nếu mua với số lượng lớn, giá có thể giảm từ 10.000 đến 20.000/kg. Còn tại cửa hàng M., mỗi kg phốt pho ở đây được bán với giá 130.000 đồng. Bà chủ ở đây cũng không quên quảng cáo: “Đây là giá rẻ nhất chợ rồi, muốn mua bao nhiêu cũng có, chỉ sợ không đủ tiền để mua”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về kali clorat, hầu hết các chủ hàng đều tỏ ra khá e dè, nghi ngại.
Khác với sự vồn vã, hồ hởi ban đầu, ngay khi vừa nghe tới tên kali clorat, ông chủ cửa hàng L.G. lập tức thay đổi thái độ, xua tay bảo khách có nhu cầu thì qua cửa hàng khác mà mua rồi quay lưng đi thẳng.
Nhiều loại hóa chất bị hạn chế sử dụng vẫn được mua bán công khai tại chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM)
Tại một cửa hàng khác, vừa nghe hỏi về kali clorat, bà chủ cửa hàng “soi” chúng tôi từ đầu tới chân trong vài giây rồi hỏi ngược lại rằng: "Có nghe vụ 4 sinh viên bị nổ chết không, chúng nó cũng tới đây hỏi mua kali về làm pháo đấy, không sợ chết hay sao mà còn hỏi?”.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ không biết, bà mới hạ giọng nói nhỏ: “Sau vụ vừa rồi, chẳng ai ở đây dám bán nữa đâu, nếu muốn mua, các chú phải đợi vài ngày nữa cho tình hình lắng xuống, quay lại mới có hàng”.
Ghé vào một cửa hàng bán hóa chất trên đường Hải Thượng Lãn Ông, vừa nghe chúng tôi hỏi mua kali clorat, một nhân viên của cửa hàng hỏi chúng tôi muốn mua với số lượng bao nhiêu và ra giá 33.000 đồng/kg. Chưa kịp trả lời, bà chủ cửa hàng đã vội vàng chạy ra, hỏi muốn mua kali clorat để làm gì, khi chúng tôi cho biết muốn mua để về làm thí nghiệm, bà này cho biết cửa hàng mình chỉ bán hàng nếu có giấy tờ của công ty. Nói rồi bà này khuyên nên tới khu vực đường Tô Hiến Thành (quận 10) để mua nếu muốn làm thí nghiệm, ở đây chỉ bán sỉ với số lượng vài chục ký trở lên dành cho sản xuất công nghiệp.
Vừa quay xe ra, chúng tôi còn kịp nghe thấy bà chủ dặn cậu nhân viên rằng sau này có ai tới hỏi mua kali clorat thì phải hỏi thật rõ ràng rồi mới được thông báo là có bán hay không. “Mày không xem vụ mấy thằng sinh viên bị nổ chết à, thấy ai cũng đòi bán, lỡ gặp quản lý thị trường hay phóng viên nó đi do thám thì chết cả đám, hiểu không?”, bà chủ tiệm nói gắt với cậu nhân viên.
Khó quản lý
Mặc dù tình trạng mua bán các loại hóa chất, phụ gia độc hại hiện nay vẫn đang được bán tràn lan trên thị trường, nhưng công tác quản lý, xử phạt của các cơ quan chức năng vẫn còn đang gặp khá nhiều khó khăn do các quy định pháp luật chưa đầy đủ.
Trong buổi làm việc với Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM sáng ngày 2/1/2014, đại diện các Sở Công Thương, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Khoa học & Công nghệ đều cho rằng, các văn bản pháp luật về quản lý, mua bán hóa chất, phụ gia của nước ta hiện nay còn khá nhiều vướng mắc, chưa có sự đồng nhất. Điều này dẫn đến việc xuất hiện nhiều cơ sở bán “chui các loại hóa chất ngoài danh mục đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra, quản lý về lĩnh vực này còn khá mỏng và chưa có trình độ chuyên sâu. Danh mục hóa chất của nước ta đến nay cũng mới chỉ có hơn 100 loại nhưng lại thiếu thông tin về nồng độ, hàm lượng… trong khi trên thị thường tồn tại đến vài trăm loại hóa chất khác nhau.
Trao đổi với chúng tôi, một đại diện Sở PCCC TP.HCM cho biết, các hóa chất như: kali clorat, lưu huỳnh, phốt pho được xem là nguyên liệu để sản xuất phân bón, sơn hoặc bảo quản thực phẩm. Do đó, đây không phải là danh mục hóa chất cấm mà là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi mua bán cần có giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng của công ty, doanh nghiệp và sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Đối với việc sử dụng các loại hóa chất này để làm pháo, thuốc nổ, vị này cho biết: “Nếu không phải là người có chuyên môn thì không nên thử, bởi do đặc điểm của các phản ứng hóa học, chỉ cần thay đổi một chút như trình tự các chất cho vào trước hay sau mà có thể dẫn đến cháy nổ gây tai nạn nguy hiểm mà vụ việc của 4 sinh viên ĐH Bách khoa là ví dụ đau lòng”.