Mưa đá xuất hiện ở nhiều nơi, thời tiết có gì bất thường?
Những trận mưa đá dội xuống nhiều tỉnh thành liên tục trong tháng 3, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của người dân.
Nhiều trận mưa đá xảy ra trên cả nước trong tháng 3. Ảnh: Người lao động.
Từ khoảng 17-19/3, liên tiếp các trận mưa đá dội xuống các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An… Mưa đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của người dân. Hàng trăm ngôi nhà bị mưa đá kèm tố lốc gây hỏng mái; hoa màu, cây trồng bị hư hỏng…
Những hạt mưa đá có kích thước khác nhau, từ vài cm đến hàng chục cm. Tại Yên Bái, mưa đá to bằng cái chén gây hư hỏng hàng trăm mái nhà lợp bằng pờ rô xi măng. Tại Thanh Hóa, mưa đá kết hợp với dông lốc cuốn bay hàng trăm nóc nhà, cây cối, hoa màu, cột điện hư hỏng…
Nhiều người cho rằng, chưa bao giờ thấy mưa đá xuất hiện nhiều như vậy trong tháng 3. Đây là hiện tượng hiếm gặp?
Ngày 21/3, ông Phạm Đình Văn – Trưởng phòng dự báo Đài KTTV Việt Bắc cho hay, nơi thường xảy ra mưa đá nhất là ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn.
Từ đầu tháng 3 đến nay, các tỉnh vùng núi phía bắc xảy ra 2 trận mưa đá và tần suất đó là bình thường so với trung bình nhiều năm.
“Mưa đá trong tháng tháng 3 không có gì là bất thường, có năm mưa đá còn xuất hiện từ tháng 2”, ông Văn nói.
Theo ông Văn, nguyên nhân gây ra các trận mưa đá đợt này là do rãnh gió tây trên cao đang hoạt động mạnh kết hợp với không khí lạnh tăng cường xuống gây mưa rào và dông. Không khí nóng và lạnh gặp nhau gây xáo trộn, bất ổn định cho thời tiết nên gây mưa và kèm theo mưa đá.
Ông Văn cho biết thêm, theo số liệu đang phân tích thì trong đêm nay đến sáng ngày mai (22/3), các tỉnh vùng núi phía bắc khả năng xuất hiện tiếp một trận mưa có dông, tố và có thể mưa đá kèm theo.
Ông Tăng Văn An – Trưởng phòng dự báo Đài KTTV Bắc Trung Bộ cũng cho rằng, những trận mưa đá ở Thanh Hóa và Nghệ An mấy ngày qua không có gì đặc biệt. Thông thường, trong các tháng giao mùa từ lạnh sang nóng hoặc nóng sang lạnh thường có mưa và kèm theo các trận mưa đá.
“Tháng 3 có mưa đá không phải hiện tượng gì hiếm gặp, chỉ là tháng này tần suất xảy ra ít hơn. Cao điểm của những trận mưa đá thường xảy ra vào cuối tháng 4 sang đầu tháng 5”, ông An cho hay.
Về thông tin một số người dân ở Nghệ An nhặt đá sau mưa lên ăn thử, ông An khuyến cáo là không nên. Bởi vì những hạt băng đá có thể được hình thành từ những đám mây ở vùng nước độc, môi trường ô nhiễm thì khi rơi xuống đất sẽ mang theo những độc tố xuống, ăn vào sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.