Mưa bão, thót tim với đập Sông Tranh

Mùa mưa lũ đang đến, người dân sống quanh khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhất là vùng hạ lưu, luôn thấp thỏm lo lắng “quả bom nước” này.

Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 và siêu bão Usagi đang tiến vào biển Đông, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng như khu vực miền Trung nói chung liên tục có mưa lớn kéo dài. Lượng nước đổ về đập thủy điện Sông Tranh 2 tăng đột biến, gây bất an cho nhiều người dân địa phương.

Đêm nào cũng nổ như bom

Theo quan sát của chúng tôi, mực nước ở đập Sông Tranh 2 khá lớn, chỉ còn cách đỉnh cao trình khoảng 10 m. Công ty Thủy điện Sông Tranh đã mở sẵn 6 cửa xả tràn phòng trường hợp lũ về lớn, hạn chế thấp nhất việc tích nước hồ chứa. Bên dưới chân đập, nhiều người dân vẫn chèo thuyền đánh cá.

Nhiều người đi ngang đập Sông Tranh đã dừng lại quan sát mực nước với vẻ thấp thỏm. Trong đoàn người từ huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam lên huyện Nam Trà My dự đám cưới, xe vừa dừng cho khách nghỉ ngơi, bà Nguyễn Thị Thu Nhung lo ngại: “Lâu nay nghe báo, đài nói nhiều nhưng giờ tôi mới có dịp đến đập Sông Tranh. Nước nhiều thế này, nếu có sự cố gì thì nhà tôi dưới kia chắc cũng trôi luôn”.

Nhà nằm cách chân đập Sông Tranh 2 chưa đầy 1 km, gia đình chị Hồ Thị Lan ở thôn 4, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My không đêm nào ngủ yên giấc. “Từ đầu tháng 9 đến nay dù không có động đất nhưng tiếng nổ thì hầu như đêm nào tôi cũng nghe, cứ khoảng 1-2 giờ sáng là ầm ầm như tiếng bom. Bà con ở đây quen rồi, thức giấc là biết do tiếng nổ, sau đó cũng ngủ lại được. Mấy bữa nay mưa lớn, nước đập dâng lên nhanh. Chưa phải đúng mùa mưa lũ mà đập đã đầy nước, chúng tôi ở dưới chân đập cứ thót tim lo sợ” - chị Lan cho biết.

Mưa bão, thót tim với đập Sông Tranh - 1

Đập thủy điện Sông Tranh 2 đầy nước sau trận mưa do ảnh hưởng bão số 8

Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Liễu ở thôn 1, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My băn khoăn: “Động đất xảy ra hết lần này tới lần khác, dân chúng tôi ở còn không yên, nói gì đến chuyện làm ăn. Năm ngoái, nhà tôi bị nứt mấy bức tường do động đất nhưng chỉ nhận tiền hỗ trợ 2 triệu đồng, trong khi sửa lại mất hàng chục triệu đồng”.

Chủ động phòng ngừa sự cố

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, tỏ ra lo lắng khi mùa mưa lũ đang đến. “Hàng trăm căn nhà bị nứt do ảnh hưởng động đất ở xã đến giờ vẫn chưa được sửa chữa. Số tiền hỗ trợ người dân rất ít, chỉ động viên là chính chứ sửa nhà hàng chục triệu đồng. Mùa mưa lũ năm nay không biết khu vực đập Sông Tranh có động đất nhiều như năm ngoái không…” - ông băn khoăn.

Theo ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, mưa lớn vài ngày qua khiến nước đổ về hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 tăng đột biến. Theo kết quả quan trắc lúc 10 giờ ngày 20/9, mực nước hồ đã đạt mức 144 m. Công ty đã huy động phát liên tục, tối đa 2 tổ máy để hạn chế việc tích nước.

Ông Lân cho biết lưu lượng nước đổ về đập Sông Tranh phải trên 2.000 m3/giây mới được xem là lớn, trong khi hiện chỉ 876 m3/giây. “Việc kiểm tra, vận hành thủy điện hiện vẫn bình thường. Chúng tôi luôn túc trực 24/24 giờ và tiến hành quan trắc liên tục 15 phút/lần để báo cho các đơn vị chức năng” - ông Lân nói.

Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bắc Trà My, những ngày gần đây, đập thủy điện Sông Tranh 2 hứng chịu đợt mưa lũ lớn nhất kể từ lúc xảy ra các biến cố thấm, chảy nước và động đất kích thích.

“Thời điểm này năm ngoái, từ tháng 9 đến tháng 11/2012, ở đây đã xảy ra trên 70 trận động đất lớn nhỏ, gây thiệt hại nặng về tài sản của người dân và các công trình nhà nước. Vì thế, UBND huyện đã phối hợp với Công ty Thủy điện Sông Tranh chủ động triển khai các phương án để phòng ngừa sự cố bất ngờ” - ông Thiệu cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thường (Người lao động)
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN