Mùa bão 2019 diễn biến phức tạp, siêu bão có thể xuất hiện trên Biển Đông
Những năm El Nino chuyển pha có thể xuất hiện những cơn bão mạnh, hoặc siêu bão hoạt động trên Biển Đông.
Siêu bão có thể xuất hiện trên Biển Đông trong mùa bão 2019. Ảnh minh họa Ngọc Phạm.
Ông Vũ Đức Long – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 3 cơn bão hoạt động trên Biển Đông. Đặc điểm chung là chúng đều hình thành ngay trên Biển Đông.
Cơn bão số 1 (Pabuk) xuất hiện ở Nam Biển Đông đúng ngày đầu tiên của năm mới 2019. Đây có thể coi là tàn dư của mùa bão năm 2018. Cơn bão này hoạt động ở vĩ độ thấp, cường độ không mạnh và sau đó đi vào Thái Lan.
Cơn bão số 2 (Mun) và số 3 (Wipha) hình thành trong tháng 7/2019 ở khu vực Bắc Biển Đông sau đó đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ.
Về cường độ của các cơn bão trên, theo ông Long đánh giá, đều không quá mạnh. Quỹ đạo di chuyển của bão số 1 không đặc biệt, thế nhưng bão số 2 và bão số 3 lại khá phức tạp. Nguyên nhân là do có sự chi phối của các hệ thống khí quyển quy mô lớn như gió mùa tây nam và áp cao cận nhiệt đới.
Thêm nữa, bão số 2 và số 3 trước khi đổ bộ đất liền nước ta còn đi qua khu vực Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), vì vậy có sự thay đổi về cấu trúc, cường độ và quỹ đạo của bão do sự tương tác với địa hình.
Ông Vũ Đức Long – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia. Ảnh chụp màn hình.
Theo các kết quả dự báo mới nhất của cơ quan khí tượng, thời tiết đang duy trì trạng thái ElNino (pha nóng) yếu từ nay đến khoảng tháng 11/2019 với xác suất khoảng 50-55%. Sau đó, có khả năng trở về trạng thái trung tính ENSO nhưng nghiêng về pha nóng vào tháng 12/2019 và những tháng đầu năm 2020.
Ông Long nhận định: “Những năm El Nino chuyển pha sẽ có những hiện tượng thời tiết khá phức tạp, không ngoại trừ khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh, hoặc siêu bão (cấp 15 trở lên-PV) hoạt động trên biển Đông.
Tuy nhiên, những cơn siêu bão thường chỉ hoạt động mạnh ở trên biển, nếu ảnh hưởng đến Việt Nam thì cường độ cũng đã suy giảm ít có khả năng đạt mức siêu bão”.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTVQG cho biết thêm, thiên tai đi kèm với bão (trước, trong hoặc sau bão) là gió mạnh kèm gió giật mạnh, mưa lớn và nước dâng.
Mưa lớn sau bão là một hiện tượng rất phức tạp, đi kèm với nó thường là lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại tương đối lớn. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng như người dân cần cập nhật thông tin thường xuyên và có phương án ứng phó cụ thể để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy, đã có ít nhất 15 người chết và hơn 10 người mất tích do mưa lũ sau bão số 2 và số 3 đổ bộ. Ngoài ra, hàng trăm ngôi nhà, cùng hàng ngàn hecta hoa màu, gia súc, gia cầm… đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, từ nay đến cuối năm khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn ATNĐ/bão hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Giai đoạn tháng 8, khả năng xuất hiện thêm 1-2 xoáy thuận nhiệt đới (ATNĐ/bão) trên khu vực Bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc; từ tháng 9 đến tháng 10, bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ; tháng 11 và tháng 12 ATNĐ/bão dịch chuyển xuống phía Nam ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ. |
Bão số 3 vừa đổ bộ đất liền gây thiệt hại nặng nề cho người dân và dự báo, vẫn còn vài cơn bão nữa có thể đổ...