Một tuần sau khi thả, đàn cá Koi Nhật trên sông Tô Lịch sống ra sao?
Đàn cá Koi Nhật được thả xuống sông Tô Lịch lặn xuống đáy bể khu xử lý, thỉnh thoảng mới có con ngoi lên mặt nước.
Hạn chế người dân tiếp cận khu thả cá
Mới đây, ngày 16/9, Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị lắp đặt công nghệ Nano Nhật Bản đã tiến hành thả 100 con cá Koi Nhật Bản, 150 con cá chép Việt Nam, cùng khoảng hơn 200 cá rô đồng… xuống sông Tô Lịch và hồ Tây đoạn được xử lý bằng máy sục khí Nano.
Khu bể thả cá Koi trên sông Tô Lịch được bảo vệ và che chắn kỹ càng. Cá ít ngoi lên mặt nước. Ảnh chụp sáng 24/9.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE, việc thả cá này sẽ chứng minh nước sau xử lý bằng công nghệ Nano có các chỉ số như oxy hòa tan trong nước, mức độ ô nhiễm, các vi sinh vật có lợi đều nằm trong mức tốt, đảm bảo sinh vật như cá phát triển.
Tuy nhiên, sau khi thả 2-3 ngày, đã xuất hiện tình trạng cá Koi chết trên sông Tô Lịch. Công ty JVE nghi ngờ có đối tượng phá hoại, có dấu hiệu đầu độc nên đã nhờ chuyên gia thủy sản vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân.
Ngày 24/9, ghi nhận của PV tại sông Tô Lịch, hiện tượng cá chết không còn xuất hiện. Đàn cá lặn xuống sâu, thỉnh thoảng mới có con ngoi lên mặt nước.
Công ty JVE lắp thêm camera để theo dõi tình hình đàn cá.
Một bảo vệ của công ty JVE tại sông Tô Lịch cho hay, mấy ngày nay, đàn cá đã bơi khỏe hơn, không còn hiện tượng lờ đờ. Bảo vệ cũng hạn chế người dân tiếp cận khu thả cá.
Tại khu vực thí điểm công nghệ trên sông Tô Lịch, công ty JVE đã cho lắp thêm camera để theo dõi đàn cá. Ngoài ra, công ty còn lắp mái che tránh nắng mưa, bổ sung máy sục khí, tăng cường bảo vệ trông coi… để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn cá sau khi có hiện tượng cá chết.
Tại khu vực góc thí điểm ở hồ Tây, do diện tích thả rộng nên đàn cá Koi sống khá khỏe mạnh. Bảo vệ trong coi tại đây cho biết, chưa ghi nhận trường hợp cá chết.
Chuyên gia thủy sản “bắt bệnh” cá Koi
Về vấn đề cá Koi chết sau khi thả trong khu xử lý trên sông Tô Lịch, PGS.TS Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) bác bỏ khả năng cá bị đầu độc vì nếu thế, cá đã chết hàng loạt chứ không phải một vài con.
Xuất hiện cá Koi chết từ trưa 18/9 sau 2 ngày cá được thả xuống sông Tô Lịch.
Ông Vạn cho rằng, nguyên nhân cá Koi Nhật Bản chết sau khi được thả xuống khu thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản ở sông Tô Lịch cần phải tìm hiểu ở nhiều khía cạnh, chứ chưa hẳn do nguồn nước.
“Nếu nguồn nước tại đây không được xử lý an toàn, đàn cá sẽ chết hàng loạt, vì cá Koi Nhật Bản là loài cá cảnh giống như "tiểu thư con nhà giàu" phải sống ở môi trường "nhung lụa".
Đàn cá được thả từ hôm 16/9 mà đến tận hôm nay vẫn sống được, chỉ chết vài con thì rõ ràng nguồn nước đã được xử lý khá an toàn. Nếu không an toàn thì đàn cá này khó sống được lâu như vậy”, ông Vạn chia sẻ.
Vị PGS cũng cho hay, việc thả cá bình thường nói chung hay cá Koi nói riêng xuống một môi trường mới thì vẫn có một tỷ lệ chết nhất định, kể cả có thả ở bể nước sạch vì môi trường sống bị thay đổi đột ngột.
Ngoài ra, PGS.TS Vạn cũng không loại trừ nguyên nhân, một vài con trong đàn cá bị yếu trong quá trình di chuyển để thả xuống sông.
Những con cá Koi còn lại vẫn sống khỏe sau khi được tăng cường máy sục khí.
Đồng quan điểm với PGS.TS Vạn, anh S.B - một người nuôi cá Koi cho biết, anh cũng loại trừ khả năng cá chết do bị phá hoại hoặc đầu độc vì số lượng cá chết ở đây chỉ vài con chứ không phải hàng loạt.
“Kẻ xấu không thể vớt một vài con cá lên cho ăn hoặc uống cái gì đó rồi thả lại xuống sông để nó chết. Còn nếu thả độc xuống sông thì cá sẽ nổi trắng sông chứ không phải chỉ một vài con”, anh B. chia sẻ.
Theo anh B., mấy ngày khi phát hiện cá Koi chết, không khí ở Hà Nội rất oi nóng, ngột ngạt trước khi trở trời. Với điều kiện này, người nuôi gọi là “xông” - hiện tượng thiếu oxy khiến cá bắt đầu bơi lờ đờ và ngửa bụng rất nhanh sau đó.
Nhiệt độ môi trường không khí và môi trường nước lên cao khiến hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp. Bên cạnh đó, thiếu oxy dẫn đến quá trình phân hủy thiếu khí, tạo thành các khí độc như NH3 (amoniac), H2S (Hydro sulfua), CH4 (metan)… Tổng hợp các vấn đề trên sẽ dẫn tới tình trạng cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng và chết.
Anh B. cho biết thêm, trong một đàn cá cảnh thả xuống bể/ao vẫn có tỷ lệ nhất định chết do yếu hơn đồng loại. Do đó, anh cho rằng: “Tôi nghĩ, mấy con cá chết khả năng do yếu nhất đàn nên đã bị “xông” và chết”.
Cá Koi Nhật Bản trên sông Tô Lịch và hồ Tây được thả cùng một ngày, trong đó, trên sông Tô Lịch đã có cá chết.