Một thiên thạch vừa "áp sát" Trái đất
Một thiên thạch vừa bay qua Trái đất vào rạng sáng nay ở khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng.
Thiên thạch 2012 XE54, mới được phát hiện vào ngày 9/12, đã bay qua Trái đất ở khoảng cách 230.000 km vào 22 giờ ngày hôm qua (theo giờ quốc tế).
Các nhà thiên văn học cho biết thiên thạch 2012 XE54 có chiều rộng khoảng 36m – đủ lớn để gây ra thiệt hại nếu nó lao xuống Trái đất. Một thiên thạch có kích thước tương tự đã san phẳng 2.000 km2 rừng khi nó phát nổ trên bầu trời sông Podkamennaya Tunguska ở Siberia vào năm 1908.
Thiên thạch 2012 XE54 đã đi qua bóng của Trái đất trong vài giờ, tạo nên hiện tượng nhật thực trên thiên thạch. Tiến sĩ Pasquale Tricarico thuộc Viện nghiên cứu khoa học hành tinh ở Tucson (Mỹ) cho biết đây là hiện tượng tương đối hiếm.
Thiên thạch 2012 XE54 bay qua Trái đất tạo ra một vệt sáng trên bầu trời
Trường hợp nhận thực đầu tiên trên thiên thạch được ghi nhận khi thiên thạch 2008 TC3 bay vào khoảng tối của Trái đất trên bầu trời Sudan năm 2008. Mới đây, hiện tượng nhật thực cũng xảy ra trên thiên thạch 2012 KT42 khi nó bay gần Trái đất.
Thiên thạch 2012 XE54 sẽ bay qua Trái đất gần hơn nữa trong lần trở lại tới. Thiên thạch này mất 2,7 năm để hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt trời.
Các nhà khoa học đã phát hiện khoảng 9.000 thiên thạch gần Trái đất cho đến nay. Một số thiên thạch được xếp vào nhóm có thể gây nguy hiểm cho Trái đất vì chúng có đường kính lớn (trên 100m) và thường xuyên bay gần Trái đất.