Một thanh niên nhiễm não mô cầu đầu tiên trong năm 2015

Bệnh nhân nam (21 tuổi, Lộc Bình, Lạng Sơn) là ca đầu tiên ghi nhận não mô cầu tại miền Bắc, sau gần 1 năm vắng bóng.

BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng nhiễm trùng tương đối nặng, tri giác lơ mơ, hôn mê.

Trước đó, bệnh nhân này sốt cao, đau đầu, xuất hiện các ban hoại tử trên da, hôn mê, được người thân đưa vào Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán nghi ngờ viêm màng não, nhiễm trùng huyết do não mô cầu. Bệnh nhân được chuyển thẳng lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Ngay lập tức, bệnh nhân được cách ly, xử trí chống sốc, thở máy, sử dụng thuốc kháng sinh đặc hiệu với não mô cầu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mắc não mô cầu.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ đã báo cáo ca bệnh lên Bộ Y tế, địa phương (nơi bệnh nhân sinh sống), khoanh vùng ổ dịch.

Một thanh niên nhiễm não mô cầu đầu tiên trong năm 2015 - 1
Bệnh nhân nhiễm não mô cầu có thể bị tử vong.

BS Cấp cho biết, bệnh viêm não mô cầu lây lan nhanh qua đường hô hấp, là bệnh lý dễ gây thành dịch. Bệnh do vi khuẩn gây ra.

Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong. Đặc biệt, bệnh có thể mắc ở bất kỳ đối tượng nào.

“Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng, khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các virus đường hô hấp”, bác sĩ Cấp cho hay.

Đặc biệt, người bình thường vẫn có thể mang vi khuẩn não mô cầu tại họng mà không có triệu chứng lâm sàng.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, trong mấy năm qua, bệnh não mô cầu là khá hiếm gặp. Bệnh này chỉ phát hiện một vài ổ dịch nhỏ rải rác và đều được khống chế nhờ phát hiện sớm, xử lý tốt ổ dịch.

TS Kính đánh giá, não mô cầu nguy hiểm hơn cả cúm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Ngoài ra, tỉ lệ tử vong khi nhiễm não mô cầu từ 50-70% tùy từng thể bệnh.

Vì sức khỏe và tương lai của con bạn, hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường.

Thông tin chi tiết, tham khảo thêm tại website: http://tiemchungmorong.vn/vi

Nhiễm não mô cầu (còn được gọi là màng não cầu) là bệnh trên người, với nhiều bệnh cảnh khác nhau tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường niệu và sinh dục.

Các thể bệnh thường gặp và nguy hiểm là viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Đặc biệt, bệnh nhân có thể bị kết hợp giữa viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân có biểu hiện sốt cao, buồn nôn, hôn mê, trên da xuất hiện nhiều phát ban màu đỏ… cần nhanh đến bệnh viện để khám và điều trị. Đối với trẻ nhỏ, để phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh và chỗ ngủ thông thoáng cho trẻ. Phụ huynh đưa trẻ từ 2 tuổi trở lên đến cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, đồng thời thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tiêm chủng mở rộng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN