Một số sĩ quan Học viện Quân y từng nhận xét tích cực về kit test Việt Á

Trước khi bị UBKT Trung ương chỉ ra những vi phạm “đến mức phải kỷ luật”, các tướng, tá Học viện Quân y từng có nhiều nhận xét tích cực về bộ kit test liên quan đến Công ty Việt Á.

Bộ Công an và công an các địa phương đang tích cực mở rộng điều tra vụ án tiêu cực liên quan đến bộ kit test COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Đến nay, hơn 20 bị can đã bị khởi tố, bao gồm nhiều lãnh đạo CDC các tỉnh, lãnh đạo cấp vụ của Bộ KH&CN và Bộ Y tế…

Đặc biệt, mới đây, tại kỳ họp thứ 12, UBKT Trung ương đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, trong việc nghiên cứu bộ kit test nói trên.

Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Trung tướng Đỗ Quyết và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương (từ trái qua), ba trong các cá nhân có trách nhiệm được UBKT Trung ương nêu trong kỳ họp thứ 12. Ảnh: HVQY

Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Trung tướng Đỗ Quyết và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương (từ trái qua), ba trong các cá nhân có trách nhiệm được UBKT Trung ương nêu trong kỳ họp thứ 12. Ảnh: HVQY

Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Những vi phạm này gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước…, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trách nhiệm thuộc về Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, chủ nhiệm đề tài; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Phòng trang bị, vật tư…

Thông tin từ Bộ KH&CN, bộ kit test COVID-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu, sản xuất là sản phẩm của một nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ trên là 18,98 tỉ đồng.

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu là Học viện Quân y, do PGS-TS Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm. Tham gia nhiệm vụ có 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có bốn thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, bao gồm Phan Quốc Việt (chủ tịch kiêm tổng giám đốc, đã bị khởi tố và bắt tạm giam).

Thượng tá Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài (phải), cùng bị can Phan Quốc Việt (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á) giới thiệu bộ kit test COVID-19. Ảnh: VGP

Thượng tá Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài (phải), cùng bị can Phan Quốc Việt (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á) giới thiệu bộ kit test COVID-19. Ảnh: VGP

Hồi tháng 3-2020, sau khi đạt được những thành tựu bước đầu, Bộ KH&CN tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit xét nghiệm nói trên.

Thượng tá Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài, khi đó cho hay bộ kit được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm (Labo) thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8. Bộ kit được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại; tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất.

Thông tin tại buổi họp báo khi ấy cũng cho biết giá thành mỗi bộ kít dự kiến bằng 1/4 giá thành một bộ kit tương tự của nước ngoài.

Tương tự, từng dành nhiều nhận xét tích cực về bộ kit test trước báo chí, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y,  nói đây là đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia. Thành công của đề tài đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn trong tình hình dịch COVID-19 đang là mối lo ngại và nguy hiểm trên toàn cầu.

Ông Quyết tự hào rằng lần đầu tiên Việt Nam đã có bộ kit do chính Việt Nam sản xuất với số lượng lớn, chất lượng tốt tương đương với chất lượng bộ kit Việt Nam đang sử dụng của thế giới.

Giám đốc Học viên Quân y còn cho hay lượng sản xuất của Công ty Việt Á khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất gấp 3 lần. Năng lực sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới…

Loạt bị can đã bị khởi tố trong vụ kit test Việt Á. Ảnh: CA

Loạt bị can đã bị khởi tố trong vụ kit test Việt Á. Ảnh: CA

Đến tháng 12-2021, sau khi vụ án kit test Việt Á bị khởi tố, hàng loạt bị can bị bắt tạm giam, Thượng tá Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài, đã trả lời với báo chí rằng những sai phạm mà cơ quan điều tra đề cập không liên quan quy trình nghiên cứu bộ kit test.

Theo ông Sơn, các nhà khoa học của Học viện Quân y đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ là nghiên cứu thành công quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và realtime RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV tại phòng thí nghiệm và đánh giá hiệu quả bộ sinh phẩm trên thử nghiệm lâm sàng. Học viện Quân y không có chức năng sản xuất cũng như phân phối thương mại sản phẩm.

Về sự tham gia của Công ty Việt Á trong đề tài nêu trên, ông Sơn cho hay thông thường, nhiệm vụ khoa học sẽ được tách làm hai giai đoạn. Giai đoạn nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm, sau khi nghiệm thu sẽ triển khai sản xuất thử nghiệm. Giai đoạn I, các nhà khoa học đảm nhiệm chế tạo sản xuất quy mô ở phòng thí nghiệm. Giai đoạn II do doanh nghiệp chủ trì.

Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm từ những ngày đầu nghiên cứu là bởi tính cấp bách. Hai giai đoạn được tích hợp làm một. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch. Bởi chuyển giao từ quy mô phòng thí nghiệm sang sản xuất mở rộng cần được nghiên cứu, tối ưu tiếp tại cơ sở sản xuất.

Đây cũng là đơn vị được Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đề xuất lựa chọn là đối tác nghiên cứu phát triển sản phẩm. Tại thời điểm đó, Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực sản xuất test kit. Họ đã có một số bộ test kit được Bộ Y tế cấp phép sử dụng trước đó. Cơ sở sản xuất của họ đạt chứng chỉ ISO 13485/2016.

Có sai phạm trong cấp phép và chuyển giao đề tài

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, quá trình mở rộng điều tra vụ kit test Việt Á, Bộ Công an xác định có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ KH&CN.

Cùng với đó là dấu hiệu sai phạm trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời (theo Quyết định 774/QĐ-BYT ngày 4-3-2020), cấp phép đăng ký lưu hành chính thức (theo Quyết định 5071/QĐ-BYT ngày 4-12-22020) sản phẩm kit xét nghiệm COVID- 19, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.

Do vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế và ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN. Cả ba người cùng bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng với đó, Bộ Công an đang tích cực điều tra, xác minh tại các bộ, ban, ngành có liên quan để làm rõ hành vi sai phạm trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, thông tin quảng cáo, tổ chức sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm kit test của Công ty Việt Á. 

Giám đốc, Chính ủy Học viện Quân y vi phạm nghiêm trọng trong vụ Việt Á

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng một số cán bộ, lãnh đạo Học viện Quân y đã vi phạm nghiêm trọng liên quan đến nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 và việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.PHAN ([Tên nguồn])
Móc ngoặc, "thổi giá" kit test COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN