Một số băn khoăn xung quanh vụ án Hồ Duy Hải
Suy đoán có tội là vi hiến và trái với nguyên tắc cơ bản của BLHS và BLTTHS nước ta.
LTS: Phán quyết giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải mới đây đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, về nhiều vấn đề liên quan đến tố tụng hình sự.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư - đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa về những vấn đề còn có cách hiểu khác nhau này.
Luật sư - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa cho rằng quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ Hồ Duy Hải đang gây ra sự lo ngại rộng rãi trong công luận.
Bản chất của vụ án không thể tồn tại ngoài chứng cứ
. Phóng viên: Thưa ông, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã biểu quyết và 17/17 vị thẩm phán đã thống nhất vụ án Hồ Duy Hải đã có những sai sót về tố tụng nhưng những sai sót đó không thay đổi bản chất vụ án?
+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, trong một vụ án, nhất là vụ án phức tạp, phải có chứng cứ đầy đủ, gián tiếp và trực tiếp, không tranh cãi được, hay theo luật hình sự nhiều nước là “không còn một chút nghi ngờ hợp lý nào” (beyond a reasonable doubt) thì mới kết luận được bản chất vụ án. Bản chất của vụ án không thể có trước chứng cứ, tồn tại ngoài chứng cứ.
Nếu chứng cứ vừa thiếu, vừa yếu, vừa sai (thể hiện qua quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao và ý kiến của Ủy ban Tư pháp) thì phải tìm hiểu để làm rõ bản chất vụ án là thế nào. Nếu tuân thủ theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà cơ quan tố tụng chuyển thành “suy đoán có tội” là vi hiến.
Chứng cứ gián tiếp thực ra không tồn tại trong BLTTHS. Điều 86 BLTTHS 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, có những khi không có được những nguồn chứng cứ trực tiếp, cơ quan điều tra và công tố phải tìm hiểu và tái hiện sự thật từ những nguồn chứng cứ gián tiếp liên quan đến hành vi tội phạm. Từ những nguồn chứng cứ gián tiếp ấy, điều tra viên, công tố viên phải đúc kết được những chứng cứ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về chứng cứ quy định tại BLTTHS. Nếu chứng cứ của công tố viên bảo vệ cáo trạng không đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn quy định thì không thể buộc tội.
Đó là chưa kể đối với án tử hình, dựa vào chứng cứ gián tiếp rất nguy hiểm, vì nếu sai thì không sửa được nữa. Các vụ án oan điển hình như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, bảy thanh niên ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng)… đều thiếu và yếu về chứng cứ nên buộc tội dựa vào lời nhận tội của bị cáo, sau đó đều xác định là oan.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ thay mặt Hội đồng Thẩm phán công bố phán quyết giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: TTXVN
Luật sư Trần Hồng Phong (bìa phải) và gia đình tử tù Hồ Duy Hải. (Ảnh do LS cung cấp) Quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao không sai về thủ tục
. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao biểu quyết và cho rằng quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực nên quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao là không đúng pháp luật. Ý kiến của ông ra sao về việc này?
+ Trước hết, việc kháng nghị là nhiệm vụ và quyền hạn thuộc chức năng hiến định của VKS là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 107 Hiến pháp 2013 và các điều 2, 3, 4 Luật Tổ chức VKSND 2014).
TAND Tối cao với thẩm quyền xét xử của mình thì vẫn phải chịu sự kiểm sát tư pháp của VKSND Tối cao. Và xin lưu ý rằng viện trưởng VKSND Tối cao là do Quốc hội bầu ra tương tự như chánh án TAND Tối cao. Các chức năng, nhiệm vụ trên là nhằm thực hiện nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, quy định tại Điều 2 Hiến pháp 2013. Điều này cũng là thực hiện nghị quyết của Đảng về việc chống lạm dụng quyền lực.
. Vậy theo ông, việc kháng nghị này có trái quy định pháp luật?
+ Theo tôi, quyết định kháng nghị này không sai về thủ tục. Nếu Chủ tịch nước có chấp thuận đơn xin ân xá của tử tù thì quyết định đó cũng không có nghĩa bản án tử hình là sai mà theo tôi hiểu, để có thời gian xem xét lại án tử hình của một con người. Đây là hành động nhân đạo của nguyên thủ quốc gia khi xét đơn của tử tù. Việc xét đơn này không ảnh hưởng đến tính đúng, sai của bản án.
Cũng không có quy định khi Chủ tịch nước bác đơn hay chấp nhận đơn thì VKSND Tối cao (TAND Tối cao) sẽ không được phép kháng nghị nếu thấy cần thiết. Vì theo luật định, kháng nghị là quyền của các cơ quan ấy.
Vì vậy, khoản 2 Điều 379 BLTTHS, “việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”. Do đó, theo Điều 379, VKSND Tối cao có quyền quyết định kháng nghị thay thế quyết định không kháng nghị trước đây, kể cả khi người bị kết án đã chết.
Cấp giám đốc thẩm ra phán quyết bằng cách giơ tay, đúng hay sai?
. Việc biểu quyết (nghị án) công khai bằng cách giơ tay biểu quyết ngay tại phiên giám đốc thẩm có đúng luật không, thưa ông?
+ Theo tôi, việc này là không sai. Điều quan trọng của việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có đến 17 vị thẩm phán là để các vị thảo luận, tranh luận để cuối cùng biểu quyết trong thủ tục xét xử giám đốc thẩm. Đây không phải là cuộc họp nội bộ của ngành tòa án mà là phiên xét xử giám đốc thẩm công khai. Tại phiên xử này, mỗi vị thẩm phán không ở vị trí của một cán bộ của ngành tòa án mà là thành viên của một tổ chức tư pháp cao nhất nhân danh công lý, nhân danh hiến pháp và luật pháp của nước nhà.
Ở nhiều quốc gia, kết quả biểu quyết trong HĐXX, Hội đồng Thẩm phán không đạt được 100% là chuyện thường, bởi sinh ra các hội đồng này là để tạo điều kiện thảo luận, tranh luận những ý kiến khác biệt, từ đó tìm ra chân lý và sự thật khách quan.
Thành phần Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao gồm những vị có học vị rất cao và có thâm niên rất lâu trong nghề. Với những vụ án như thế này, các ý kiến tranh luận là có thể hiểu được. Tôi rất muốn được đọc biên bản ý kiến thảo luận, tranh luận của quý vị này để học hỏi thêm. Và nếu Quốc hội có giám sát tối cao thì đây cũng là cơ sở để rộng đường xem xét.
Quốc hội nên giám sát tối cao vụ án này . Phóng viên: Thưa ông, ông từng tham gia cùng với Ủy ban Tư pháp giám sát về vụ án, vậy ông đánh giá sao về vụ này? + ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Vấn đề Ủy ban Tư pháp, trong đó có tôi và một số ĐB đặt ra không phải là “cứu Hồ Duy Hải” vì “anh ta bị oan”, như một số ý kiến trên mạng xã hội đang nêu. Điều chúng tôi hướng tới là: Cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm đúng quy định của BLHS và BLTTHS khi xét xử các vụ án, quan trọng nhất là nguyên tắc “suy đoán vô tội” và xét xử phải có chứng cứ khách quan và đầy đủ. Trong vụ Hồ Duy Hải, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Từ đó đã kết án tử hình Hải với những chứng cứ gián tiếp, mà những chứng cứ ấy lại sai, thiếu và yếu (như ý kiến của Ủy ban Tư pháp và của VKSND Tối cao). Do đó, cần tiến hành điều tra lại theo luật định. Kết quả điều tra và tố tụng có thể lại tiếp tục khẳng định Hồ Duy Hải là thủ phạm, hoặc có thể minh oan cho anh ta nhưng điều tra và tố tụng lại sẽ thể hiện tính nghiêm minh và tính nhân văn của nền tư pháp trước một bản án tử hình có nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều từ các cơ quan cao cấp của nhà nước ta. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa rồi có những chi tiết và lập luận không đủ sức thuyết phục và có thể để lại một tiền lệ không phù hợp với nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà BLTTHS đã quy định. Do đó, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội cần giám sát tối cao vụ án này. Tôi đồng tình với đề nghị này. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cử tri ở TP.HCM cho rằng, có nhiều ý kiến trái chiều về phiên tòa giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải.