Một ngày săn tin cùng các phóng viên quốc tế
Từ 6 giờ sáng 21/2, khi hàng quán ở Hà Nội còn chưa mở cửa, đường phố vắng tanh, hàng chục phóng viên Hàn Quốc và Nhật Bản đã có mặt tại khu vực một nhà khách.
Các phóng viên nước ngoài túc trực trong một quán cafe từ sáng sớm tới tối mịt để săn tin. Ảnh: L.A
Họ hy vọng sẽ ghi lại được hình ảnh của ông Kim Hyok-chol, đặc phái viên về các vấn đề Mỹ của Triều Tiên, người được cho là lưu trú tại đây từ tối 20/2 và sẽ có cuộc gặp với đặc phái viên về các vấn đề Triều Tiên của chính phủ Mỹ Stephen Biegun ngày 21/2 để chuẩn bị nội dung cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia láng giềng liền kề với Triều Tiên, chính vì vậy, cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội sắp tới vô cùng quan trọng đối với họ. Phóng viên Hàn Quốc và Nhật Bản đến Hà Nội từ rất sớm.
Anh Eun Sung-lee, 32 tuổi, quay phim của Yonhap News TV cho biết, phóng viên Yonhap được chia thành hai nhóm. Nhóm 1 đến Hà Nội từ ngày 16/2 với 7 người trong đó có 3 quay phim và 4 phóng viên viết, nhóm này sẽ phụ trách đưa tin chuẩn bị cho hội nghị. Sau đó nhóm 1 rút về Hàn Quốc và nhóm 2 tiếp tục tới Hà Nội tác nghiệp từ 24/2 - 28/2, những ngày chính thức của hội nghị.
Lee cho biết, ba ngày nay, nhóm của anh túc trực tại nhà khách này và bản thân anh đã “chốt” tại vị trí đối diện cổng nhà khách “một tấc không đi, một li không rời”. Anh cười: “ Cả sáng nay, chúng tôi đứng lên ngồi xuống cả chục lần mà chả ghi được hình ảnh nào, đến tầm trưa thì ghi được khuôn mặt và chiếc xe hơi của ông Kim Hyok-chol. Thế là may lắm rồi. Chúng tôi chắc sẽ phải chầu trực ở đây đến tối. Còn mai thì chưa biết thế nào”. Khi được hỏi đứng suốt 12 giờ có mệt mỏi không, Lee cười: “Chúng tôi quen rồi, công việc mà”.
Bên cạnh nhóm quay phim của Yonhap News TV là các nhóm truyền hình của Hàn Quốc như MBC, KBS, SBS, Asia Channel và truyền hình Nhật Bản Fuji.
Đến trưa trời nắng chang chang, nhưng hầu như các phóng viên đều bám, không mũ mão, một vài người đeo khẩu trang. Thỉnh thoảng, có người mang nước uống và đến trưa thì có người mang đồ ăn nhanh đến cho cả nhóm.
Khi được hỏi cảm nhận về Việt Nam, Lee chia sẻ: “Lần trước tôi tới Việt Nam du lịch, đã rất mê đất nước và con người nơi đây. Đợt này sang làm việc, công việc rất căng thẳng nên không có thời gian thăm thú nhiều, tôi nhất định sẽ quay trở lại đây du lịch”.
Anh cho biết, người dân Việt Nam rất thân thiện, trông họ lúc nào cũng rất hạnh phúc. Mấy ngày đầu tới Việt Nam chưa có nhiều việc, anh và nhóm đã tranh thủ thưởng thức các món ngon của Hà Nội như phở và cơm sườn.
Tác nghiệp ngay cạnh Yonhap News TV có quay phim của MBC, Asia Channel, KBS, SBS. Quay phim của KBS còn mang theo cả thang nhôm, mỗi khi có một chiếc xe từ đâu rẽ vào cổng nhà khách, anh nhanh thoắt trèo lên quay. Khi được hỏi các phóng viên Hàn Quốc ở đây có cạnh tranh về thông tin không, Lee cho biết, đôi khi có cạnh tranh, nhưng đôi khi cũng thân thiện với nhau.
Uống chục cốc cà phê và ăn tại chỗ để săn tin
Ở tầng 2 quán cafe tại nhà khách, vị trí đắc địa hơn cả, nơi có thể nhìn rõ từng đoàn xe vào ra nhà khách. Cứ khoảng 15-20 phút lại có một vài chiếc ô tô lăn bánh vào nhà khách, các phóng viên lại nhớn nhác đứng lên quay phim, chụp ảnh, rồi lại thất vọng vì không phải đối tượng mà họ đang săn tin.
Anh Koki Ohira, trưởng đại diện của kênh truyền hình TBS của Nhật tại Thái Lan cho biết, nhóm của anh có 10 người đã tới Hà Nội từ ngày 11/2 là các phóng viên thường trú của hãng tại Bangkok, Bắc Kinh, Thượng Hải. Sắp tới, có khoảng 30-40 phóng viên của hãng tại Washington tới đây.
Anh cho biết, nhóm của mình có mặt tại quán này từ 7 giờ sáng và cứ ngồi uống cà phê, chầu trực. Trưa cũng ăn luôn tại quán. Anh nói, đây là một sự kiện quan trọng với Nhật Bản vì nếu Mỹ và Triều Tiên đạt được những bước tiến quan trọng sẽ có lợi cho cả Nhật Bản.
"Why Vietnam?" (Tại sao Việt Nam?), câu hỏi đó được giới truyền thông quốc tế và dư luận trong nước đặt ra khi...