Một địa phương từng là "tâm dịch" của cả nước nhưng không mua kit test của Việt Á
Vào tháng 5 và tháng 6-2021, trong thời điểm Bắc Giang là "tâm dịch", tỉnh nhận được sự hỗ trợ của cả nước để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Ngày 22-12, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, cho biết qua rà soát trong gần 2 năm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều không ký hợp đồng mua máy móc, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Kit xét nghiệm của Công ty Việt Á
Theo ông Hiệu, vào tháng 5 và tháng 6-2021, trong thời điểm Bắc Giang là "tâm dịch", tỉnh nhận được sự hỗ trợ của cả nước để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Thời điểm đó, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã chung sức, đồng lòng hỗ trợ Bắc Giang máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế. Bởi vậy, tỉnh Bắc Giang đã chủ động được nguồn sinh phẩm và máy móc phục vụ xét nghiệm.
Trước khi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, ngành Y tế Bắc Giang đều tham khảo giá công khai tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và thực hiện đúng các quy định về đầu tư, mua sắm công. Các thiết bị, sinh phẩm đều mua với giá phù hợp, thấp hơn mức niêm yết.
Được biết, thời điểm này, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 5 ngàn test xét nghiệm. Mới đây, Tập đoàn Vingroup tài trợ cho tỉnh Bắc Giang 200 ngàn test xét nghiệm. Hiện trên địa bàn tỉnh sử dụng số test này phục vụ công tác xét nghiệm.
Trước đó, C03 - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, cùng các bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo điều tra, tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và nhóm của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Đến nay, bước đầu Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỉ đồng. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi...; rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho Nhà nước. |
Bộ Y tế khẳng định thực hiện đúng quy định trong cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ...
Nguồn: [Link nguồn]