Một đêm chặn, phạt "ma men" ở TP HCM
Dù say ngất ngưởng nhưng khi bị cảnh sát giao thông dừng xe thì các "ma men" liên tục chống chế, "câu giờ" và thậm chí gây rối
22 giờ 30 phút ngày 1-3, trời càng về khuya, các nhà hàng, quán nhậu dọc các tuyến đường chuyên kinh doanh ẩm thực ở TP HCM vẫn không ngừng hút khách. Giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TP HCM) cũng vì thế mà không thôi tấp nập xe qua lại. Đây cũng là lúc tổ công tác thuộc Đội CSGT Bến Thành, thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) - Công an TP HCM xuất kích, lập chốt kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với lái xe qua đây.
Cứ nghi là trúng
Thời điểm này, xe tải nặng đã được phép lưu thông vào nội đô nên mức độ nguy hiểm nếu chẳng may có người say xỉn không làm chủ được tay lái càng lớn. Tập trung quan sát từ xa, thấy người chạy xe máy có dấu hiệu tay lái loạng choạng, CSGT lập tức ra hiệu dừng xe.
Người đầu tiên được yêu cầu dừng xe kiểm tra là ông L.V.T. (SN 1978; ngụ quận 5, TP HCM). Khi được yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn, người này lắp bắp: "Mình mới đi làm về". Kết quả đo nồng độ cồn của ông T. là 0,35 mg/l khí thở. "Mời anh xuất trình giấy tờ xe, giấy tờ tùy thân để lực lượng chức năng kiểm tra" - cán bộ xử lý thuộc tổ công tác nói. Ngay sau đó, lỗi vi phạm của ông T. được cán bộ CSGT lập biên bản xử lý. Cũng theo cán bộ xử lý, với lỗi này, lái xe sẽ bị phạt 4,5 triệu đồng, bị tạm giữ phương tiện và bị tước giấy phép lái xe 17 tháng. Khi đã rõ kết quả, ông T. phân bua rằng sau giờ làm ông đã đi uống bia trước khi lái xe về nhà nhưng đó là vì tính chất công việc. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của tổ công tác, ông T. phải ký vào biên bản xác nhận vi phạm nhưng không ngừng nói "không say"!
Tổ công tác thuộc Đội CSGT Bến Thành kiểm tra người chạy xe có nghi vấn say xỉn
Chưa đầy 5 phút sau, quan sát dòng người dừng đèn đỏ tại giao lộ, CSGT tiếp tục phát hiện ông N.M.H (SN 1975; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) lộ rõ biểu hiện say xỉn. Ông H. dừng xe, khuôn mặt đỏ bừng, mùi rượu, bia xộc vào mũi người đứng cạnh. CSGT yêu cầu thổi vào ống đo của thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông "phì phèo" kiểu thổi nhưng không ra hơi, hòng cho ra kết quả không chính xác. Lo mất thời gian, ảnh hưởng tới công tác chung, CSGT liên tục nhắc nhở, ông H. mới thực hiện nghiêm. Kết quả đo thể hiện ông H. có nồng độ cồn là 0,665 mg/l khí thở. Bị phát hiện vi phạm, ông H. vẫn cố cãi: "Uống có 2 chai nên rất tỉnh". Nhưng theo cán bộ xử lý, với kết quả cao ngất trên, ông H. sẽ bị lập biên bản vi phạm ở khung cao nhất với mức xử phạt là 7 triệu đồng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Rời giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ, chia tay Đội CSGT Bến Thành, chúng tôi đến giao lộ Quốc lộ 1 - Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM) - nơi Đội CSGT An Sương (thuộc PC08) đang lập chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Vừa đến, chúng tôi đã chứng kiến CSGT phát hiện anh N.P.T (ngụ tỉnh Đồng Nai) có nồng độ cồn lên đến 1,058 mg/l khí thở. Đây là mức vi phạm rất nghiêm trọng, cao hơn rất nhiều so với khung vi phạm cao nhất (0,4 mg/l khí thở). Với lỗi này, anh T. sẽ bị tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước giấy phép lái xe 23 tháng. Biết mức phạt "không nhẹ", anh T. cũng không ngừng cãi lý. Tuy nhiên, trước sự cương quyết của CSGT cùng với lời khuyến cáo say xỉn mà chạy trên quốc lộ rất nguy hiểm, anh T. mới chấp nhận ký vào biên bản và rời đi.
Cũng tại chốt kiểm soát này, CSGT đã lập biên bản xử lý ông N.C.D (SN 1971, ngụ huyện Hóc Môn) do có kết quả đo nồng độ cồn là 0,155 mg/l khí thở. Sau một hồi xin bỏ qua không được, phân bua tại hiện trường, ông D. lấy cái "tình" ra nói: "Hôm nay nhà có đám giỗ, anh em dòng họ mời thì mình phải uống thôi. Không lẽ người ta uống rồi mình nhìn. Nhưng tôi còn tỉnh táo, phạt vậy là oan...". Với mức vi phạm này, ông D. sẽ bị tạm giữ phương tiện để bảo đảm an toàn cho ông và người lưu thông khác trên đường.
Nhiều lần chứng kiến việc kiểm tra nồng độ cồn lái xe của Đội CSGT An Sương, ông Phan Văn Sang (người dân ngụ quận 12, TP HCM) nói việc phát hiện người đã sử dụng rượu bia lưu thông trên đường không khó. Thế nhưng, cái khó là quá trình làm việc, xử lý hành vi vi phạm, bởi ông đã nhiều lần chứng kiến các lái xe cự cãi, thậm chí có hành vi chống đối. "Rượu bia vào rồi, ai cũng muốn mình làm "cha thiên hạ" - ông Sang nói vui và nhận xét "xử" được một trường hợp "ma men" cũng dễ toát mồ hôi!
Truy người tái phạm để phạt nặng
Chia sẻ với chúng tôi, một lãnh đạo Đội CSGT Bến Thành cho biết trong quá trình kiểm tra, xử lý "ma men" cầm lái, các anh gặp không ít chuyện "dở khóc dở cười". Nhiều nhất là những trường hợp người lái xe say xỉn chửi bới, lăng mạ CSGT.
"Họ say xỉn nên dùng lời lẽ khiếm nhã với người làm nhiệm vụ. Làm loạn từ chốt xử lý về đến trụ sở đội. Thế nên, bên cạnh kiên quyết, "nghệ thuật" xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn còn nằm ở chỗ phải kiên nhẫn và mềm mỏng. Điều này luôn được lãnh đạo đội nhắc nhở, quán triệt anh em. Nhiều người làm công tác xử lý nồng độ cồn lâu năm thì có kinh nghiệm chứ nhiều anh em mới ra trường hoặc mới được phân công công việc gặp rất nhiều khó khăn khi đụng phải "ma men" cù nhây, lè nhè, thậm chí tấn công người thực thi công vụ" - vị này kể.
Để nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, Đội CSGT Bến Thành thường xuyên áp dụng các biện pháp thay đổi địa bàn, tuyến đường, phối hợp tuần tra kiểm soát song song với việc lập chốt cố định.
Theo thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng PC08, sau khi tình hình dịch Covid-19 được khống chế, TP HCM đang dần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì tình hình tai nạn giao thông, vi phạm giao thông có liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia... lại có xu hướng tăng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT TP HCM đã phát hiện và xử lý 6.202 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.
Trước thực tế đó, lực lượng CSGT đẩy mạnh việc thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, chất kích thích. Đặc biệt, trước các đợt tăng cường tuần tra, kiểm soát, các đội, trạm CSGT sẽ tổ chức khảo sát, nắm tình hình, điều tra cơ bản các tuyến đường, địa bàn phụ trách có nhiều khả năng người điều khiển xe tham gia giao thông sử dụng chất ma túy, rượu bia như bến xe, bến cảng, kho bãi, quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn…
Cũng theo thượng tá Nguyễn Văn Bình, một điểm khá mới nhưng sẽ nằm trong kế hoạch thực hiện trong năm 2022 của CSGT là lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp vi phạm tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. "Các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy phải tổ chức xác minh về thân nhân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp phường, xã nơi người đó làm việc, cư trú có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy và thông báo, kiến nghị ngành Giao thông Vận tải, ngành Y tế có biện pháp quản lý công tác khám sức khỏe, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe" - thượng tá Nguyễn Văn Bình thông tin.
Cần thêm "điểm kinh doanh rượu bia an toàn"! Điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là bất chấp các đợt cao điểm xử lý, tình trạng vi phạm vẫn cứ tái diễn. Nguyên nhân không khó tìm, bởi ai cũng biết nhu cầu sử dụng loại rượu bia của người dân là có thật. Vì vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý thì đối với một thành phố vốn sôi động về đêm như TP HCM, chính quyền cũng nên tính toán đến việc tái khởi động mô hình "điểm kinh doanh rượu bia an toàn". Thực tế, mô hình "điểm kinh doanh rượu bia an toàn" đã được thí điểm nhiều năm trước tại TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội. Theo đó, các điểm kinh doanh bia rượu sẽ có lực lượng vận động khách không lái xe sau khi uống bia rượu, có dịch vụ trông giữ xe qua đêm, dịch vụ đưa khách đã uống rượu bia về nhà để bảo đảm an toàn. Với mô hình trên, vai trò, trách nhiệm của những cơ sở, nhà hàng, quán ăn có kinh doanh thức uống có cồn sẽ được nâng cao. Để thực hiện được mô hình trên không khó nếu lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu chủ hàng quán cam kết không cho khách đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông rời quán. Kế đến, dù chưa có chế tài nhưng thông qua nhiều biện pháp quản lý nhà nước, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc chấp hành của các hàng quán nhằm đưa nội dung trên vào khuôn khổ. Nếu kết hợp "2 trong 1" như trên, có thể hy vọng tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia giảm. Và hơn cả, nhiều "ma men" sẽ không phải mất số tiền lớn để nộp phạt. |
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường xử lý tài xế "ma men" trong suốt năm 2022.
Nguồn: [Link nguồn]