Mong ước trong năm mới của cặp vợ chồng sống trên nóc nhà vệ sinh hơn 30 năm
“Tôi chỉ mong trời phật phù hộ các con có sức khoẻ để làm ăn, sớm có nhà ở như vậy vợ chồng tôi nhắm mắt cũng yên lòng”, ông Hải nói.
Tết sum vầy của cặp vợ chồng sống trên nóc nhà vệ sinh
Giáp Tết nguyên đán, chúng tôi tìm đến con ngõ 107, phố Hàng Bạc, (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thăm đôi vợ chồng nổi tiếng sống trên nóc nhà vệ sinh công cộng suốt hơn 30 năm qua. Lúc này ông Nguyễn Phùng Hải (gần 90 tuổi) còn bà Nguyễn Thị Sâm (73 tuổi).
Con ngõ nhỏ sâu hut hút đi vào nhà ông bà Sâm, Hải.
Cuối năm, không khí Tết tràn ngập phố phường, đường xá nhộn nhịp người mua kẻ bán, ai ai cũng chuẩn bị để chào đón năm mới Quý Mão. Thế nhưng, đối lập với không khí Tết vui tươi ấy, ngôi nhà của ông Hải, bà Sâm vẫn đìu hiu.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Sâm cho biết, Tết năm nay bà không sắm sửa gì nhiều, mua vài ba cái bánh chưng, cân giò, vài quả bưởi và cố mua lấy con gà để thắp hương.
Hơn 30 năm vợ chồng bà Sâm sống trên nóc nhà vệ sinh công cộng.
“Mấy hôm nữa tôi cũng ra phố mua lấy cành đào nhỏ về cắm cho có không khí Tết. Dù nhà có 10m2 nhưng mấy năm nay năm nào tôi cũng mua hoa về cắm cho đẹp”, bà Sâm cười nói.
Theo bà Sâm, kể từ khi lấy chồng hơn 30 năm nay bà chưa từng một lần dám mời người thân đến nhà chơi. Nghĩ cảnh nhà không ra nhà khiến vợ chồng bà mặc cảm, tự ti. Cũng như mọi năm, đêm Giao thừa, bà làm lễ cúng ngoài sân rồi hôm sau đi lễ chùa đầu năm cầu sức khoẻ, bình an cho cả nhà.
Cầu thang từ dưới lên nhà bà Sinh dốc thẳng đứng, đi lại khó khăn.
Trong những ngày Tết, bà Sâm ở nhà, còn chồng bà thì đi chúc Tết người thân, hàng xóm gần đó. Bà Sâm nói niềm vui nhất trong những ngày Tết là gia đình cậu con trai về ăn Tết cùng cha mẹ và bà được về quê ở Hoài Đức, Hà Nội thắp hương gia tiên, chúc Tết anh chị em trong nhà.
"Hằng năm, con trai đưa vợ con sang chơi, ăn cơm một hôm rồi chúng nó đi chúc Tết. Con gái thì nó cũng đi làm xuyên mấy ngày Tết và cũng ngại cảnh nhà chật nên chẳng Tết năm nào nó mời bạn đến nhà chơi”, bà Sâm nói.
Từng bật khóc bỏ chạy khỏi nhà trong đêm tân hôn
Nói xong bà Sâm tâm sự, bà bén duyên với chồng năm 39 tuổi do mai mối. Lúc đó, bà chỉ biết ông Hải sống ở phố cổ Hà Nội chứ cũng không biết gia đình, nhà cửa ra sao và chưa một lần về thăm nhà chồng trước khi cưới.
Bên dưới nhà bà Sinh là khu vực vệ sinh công cộng.
Khi ông Hải về hỏi cưới, bà Sâm gật đầu đồng ý. Đám cưới được tổ chức ở nhà gái xong, bà theo ông Hải về phố Hàng Bạc và tất cả ngoài sự tưởng tượng của bà. Con ngõ vào nhà sâu hun hút, cuối ngõ là nhà vệ sinh công cộng. Lúc ấy, ông Hải chỉ lên nóc nhà vệ sinh nói đây là nơi vợ chồng bà sẽ sinh sống khiến bà Sâm không khỏi bất ngờ.
“Lúc ấy tôi sốc lắm, nhìn ngôi nhà bé xíu, bên trên được lợp bằng mái lá, nóc còn trông thấy cả trời, cầu thang đi lên dựng thẳng đứng. Tôi không nghĩ ở giữa Thủ đô lại có ngôi nhà như này tồn tại. Quá thất vọng và buồn tủi đêm tân hôn tôi nức nở bỏ thẳng về nhà người thân”, bà Sâm kể.
Ông Hải người sinh ra và sống trên nóc nhà vệ sinh từ bé.
Khi tới nhà người thân bà được mọi người khuyên nhủ “xuất giá tòng phu”, sướng khổ phải chịu nếu bỏ về nhà bố mẹ đẻ sẽ mang tiếng. Bởi vậy, khi nghĩ thông bà Sâm quay về và “liều” sống với ông Hải trên nóc nhà vệ sinh từ đó cho đến nay.
Bà Hải nói, điều đáng sợ nhất với bà đó là mùi hôi thối từ nhà vệ sinh bốc lên hằng ngày. Nhà vệ sinh này là nơi sử dụng chung của gia đình bà với 6 hộ dân trong ngõ, tổng cộng khoảng 30 con người.
“Ở đây mùa hè thì nắng nóng khủng khiếp, mưa thì trong nhà dột như ngoài sân. Chật chội, khó chịu như vậy nhưng sống mãi cũng thành quen”, bà Sâm chia sẻ.
Ông Hải chuẩn và đồ nghề bơm vá suốt nhiều năm qua.
Hơn 30 năm sống với nhau trên nóc nhà vệ sinh công cộng, ông Hải, bà Sâm sinh được hai người con một trai một gái. Bà sâm từng bươn chải đủ nghề, sau đó chuyển sang bán hàng rong bún riêu, còn chồng bà lếch thếch xách theo bộ đồ nghề ra đầu đường bơm vá, sửa chữa xe đạp. Mọi sinh hoạt của gia đình, học hành của con cái đều do bà Sâm gánh vác. Đến nay, con trai bà Sâm đã lập gia đình và thuê nhà ở riêng, còn con gái học xong và đang đi làm.
Chỗ ngủ của gia đình bà Sâm.
Chỉ tay về phía ngôi nhà trên nóc nhà vệ sinh, bà Sâm nói, mái lá năm xưa giờ đã được chính quyền hỗ trợ thay bằng mái tôn. Mấy năm nay, nhà vệ sinh được một hộ dân thay bằng tự hoại, giờ chỉ có mỗi gia đình ông và khách đến mua hàng của cửa hàng đầu ngõ sử dụng nhà vệ sinh này.
“Số tôi nó khổ, nhiều lúc nằm nghĩ buồn, tủi thân và thương các con lắm vì tôi nghèo nên chẳng cho các con có được mái nhà tử tế để ở. Niềm an ủi lớn nhất của vợ chồng tôi có lẽ là sinh được hai người con ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ và có công việc ổn định. Giờ vợ chồng tôi già rồi không buôn bán gì, lại chẳng có lương hưu, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào con trai cho”, bà Sâm nói.
Ông Hải ngồi kế bên nhìn bà Sâm nói, ông vốn là người Hà Nội gốc, cũng là những người đầu tiên sống tại khu dân cư ngõ 107, phố Hàng Bạc. Trước đây, gia đình ông từng có một căn nhà riêng, nhưng vì số phận đẩy đưa, khiến gia đình ông thành không nhà cửa, phải sống trên nóc nhà vệ sinh. Thời trai trẻ ông tham gia chiến trường, lo làm ăn nên mãi hơn 50 tuổi mới lập gia đình.
Người đàn ông gần 90 tuổi chia sẻ, căn nhà nhỏ đến nỗi chẳng còn một chỗ nào để có thể chen chân, cũng không có chỗ để mời khách ngồi uống nước. Vì nhà quá chật hẹp nên đâu đâu cũng thấy đồ đạc ngổn ngang.
Vì nhà quá chật hẹp nên đâu đâu cũng thấy đồ đạc ngổn ngang.
Nói xong ông Hải quay sang nhìn bà Sâm rồi chậm rãi bảo, ông thật may mắn khi có một người vợ biết chịu đựng và san sẻ với ông mọi công việc cũng như vui buồn trong cuộc sống. Con trai ông cũng muốn gom góp mua nhà để đón ông bà về chung sống, phụng dưỡng tuổi già. Còn với cô con gái, vợ chồng ông Hải cũng có chút lo lắng bởi đã gần 30 tuổi nhưng con gái ông vẫn chưa dẫn người yêu về ra mắt. Hai ông bà cho rằng có thể con gái ngại vì nhà nghèo khổ, tuềnh toàng quá.
“Tôi chỉ mong trời phật phù hộ các con có sức khoẻ để làm ăn, sớm có nhà ở như vậy vợ chồng tôi nhắm mắt cũng yên lòng”, ông Hải nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Vợ không may mất vì tai nạn giao thông, anh Thủy gồng gánh nuôi các con ăn học, nhưng tương lai quá mịt mờ.