Mong ước giản dị của người đàn ông 14 năm chịu án oan

Sự kiện: Tin nóng

Người đàn ông chịu tiếng oan suốt 14 năm chỉ có nguyện ước không ai phải chịu án oan giống mình.

Ông Bình sau nhiều năm vất vả vì biến cố cuộc đời, nay bằng lòng với cuộc sống bình yên, dù còn khó khăn về kinh tế

Ông Bình sau nhiều năm vất vả vì biến cố cuộc đời, nay bằng lòng với cuộc sống bình yên, dù còn khó khăn về kinh tế

Chịu tiếng oan suốt 14 năm, ông Bình mất sự nghiệp, mất cả nhà đất để thi hành án. Giờ đây, sau khi nhận được lời xin lỗi, người đàn ông ấy bằng lòng vui sống và chỉ có nguyện ước không ai phải chịu án oan giống mình.

Ngồi tù một năm, chịu oan khuất 14 năm

Căn nhà tập thể sâu trong con ngõ nhỏ ngoằn nghèo ở phố Nguyễn Hữu Huân, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) của ông Phạm Đức Bình (SN 1956, quê xã Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Tây cũ, nay là TP Hà Nội) chỉ 18m2, lỉnh kỉnh đồ đạc.

“Đây là nhà ông bà ngoại để lại, vợ chồng tôi và con gái út đang sống ở đây. Hàng ngày cháu ngoại và vợ chồng hai con gái lớn thường xuyên qua lại”, ông Bình thanh minh.

Người đàn ông dáng vẻ xuề xoà ấy bảo, cuộc sống được như thế này đã là mừng lắm rồi nếu so với những long đong khốn khổ của những ngày chưa được minh oan.

Theo ông Bình, năm 1992, ông giữ vai trò Cửa hàng trưởng Cửa hàng dịch vụ tổng hợp và tiêu thụ sản phẩm, thuộc Công ty Cơ giới và xây lắp. Năm 1997 cửa hàng phải đóng cửa do làm ăn thua lỗ.

Sau đó, Công ty Cơ giới và xây lắp tiến hành thanh tra hoạt động của cửa hàng và cho rằng ông Bình đã nhiều lần nhận tiền tạm ứng của một xí nghiệp nhưng không sử dụng hợp lệ.

Ngày 16/3/2000, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt ông Bình 30 tháng tù về hai tội: “Tham ô tài sản XHCN” và “Sử dụng trái phép tài sản XHCN” vì làm thất thoát gần 180 triệu đồng.

Ông Bình kháng cáo và ngày 5/1/2001, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã xem xét toàn bộ án sơ thẩm và cho rằng, trước khi bị xét xử sơ thẩm, ông Bình có nhiều giấy tờ xác nhận của các nhân chứng khẳng định đã nhận số tiền ứng nói trên.

Về hành vi sử dụng trái phép tài sản, sau khi mua 3 lô hàng, ông Bình bị tai nạn phải vào viện điều trị nên không trực tiếp bán và thu tiền từ số hàng này. Khi ra viện, cửa hàng đã giải thể nên ông không biết ai bán, ai mua lô hàng này. Từ những nhận định, chứng cứ, Toà phúc thẩm đã tuyên ông Bình vô tội, đình chỉ vụ án hình sự.

Tuy chỉ bị đi tù 1 năm nhưng khi ra tù, cuộc sống ông Bình hoàn toàn bị đảo lộn. Căn nhà 100m2 ở mặt đường QL70 xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) bị toà án niêm phong để thi hành án; ông Bình cũng mất luôn công việc tại Công ty Xây lắp và cơ giới.

“Ra tù, tôi phải bán căn nhà - nơi ở duy nhất để thi hành án cho khoản tiền thất thoát chưa được đối chiếu rõ ràng trách nhiệm. Tôi cũng mất việc vì không có nơi nào nhận”, ông Bình kể và cho biết, thời điểm đó, vợ chồng ông từng đi thuê nhà ở nhiều nơi.

Đến năm 2002, do quá khó khăn, ông đưa vợ và 3 con về ở nhờ nhà ngoại. Do nhà chật, hàng ngày ông đi làm, tối về cơm nước với vợ con xong lại ra ngoài bãi Phúc Tân ngủ.

“Cái tiếng “có tiền án tiền sự” đeo bám tôi, khiến tôi làm gì cũng khó khăn, vợ con đi ra ngoài cứ phải cúi đầu xấu hổ. Quyết minh oan cho bản thân, tôi “gánh cả gánh đơn đi đòi xin lỗi, bồi thường”, ông Bình cho hay.

Đến năm 2006, TAND Tối cao xác định, ông Bình thuộc diện được bồi thường oan sai và vẫn còn thời hiệu yêu cầu. Hành trình đòi minh oan của ông Bình còn kéo dài đến 8 năm sau nữa.

Tháng 4/2013, TAND TP Hà Nội mới mời ông Bình đến làm việc. Và 1 năm sau, tháng 4/2014, ông mới chính thức được xin lỗi công khai.

Chỉ mong đừng để oan sai

“Sau khi được xin lỗi công khai, tôi đã có quyết định chính thức được khôi phục sinh hoạt Đảng, có quyết định bồi thường tổn thất tinh thần và số ngày bị mất việc làm với tổng số tiền bồi thường gần 634 triệu đồng. Tôi cũng được giải quyết xong chế độ hưu trí, chính thức được nhận lương hưu từ tháng 11/2014 với mức lương gần 2,4 triệu đồng/tháng”, ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, việc bồi thường chỉ được những năm mất lương, còn mất nhà không được bồi thường.

Giai đoạn trước khi nhận được lời xin lỗi, ông cũng gửi đơn xin được bồi thường nhưng ngày 19/12/2005, TAND TP Hà Nội có Thông báo số 1421/HS-TB giải quyết đơn của ông Phạm Đức Bình với nội dung: Căn cứ Khoản 1, Điều 1; Điều 18 và Khoản 1, Điều 19 Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH 11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan thì đơn ông Bình đã hết thời hiệu để giải quyết.

“Có nhiều người cũng khuyên tôi tìm luật sư để cùng đồng hành hỗ trợ đòi bồi thường nhưng tôi già rồi, các con gái đứa lấy chồng, đứa cũng sắp hết tuổi ăn học, tôi cũng không muốn xới xáo mọi việc lên nữa. Những ngày tháng cơ cực nhất, cả nhà tôi cũng trải qua rồi. Tôi thấy may mắn vì những giai đoạn khó khăn nhất, vợ và các con vẫn bên tôi, giờ tôi hài lòng với cuộc sống giản dị này”, ông Bình trải lòng.

Nói về nguyện vọng, ông Bình mong muốn, các cơ quan tiến hành tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử phải tiến hành cẩn trọng, xem xét thấu tình đạt lý để tránh được oan sai cho người dân. “Bởi oan sai thì khổ sở không kể xiết”, ông Bình nói.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đến ngày 9/10/2006, sau khi xem xét đơn khiếu nại về việc TAND TP Hà Nội từ chối giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết số 388 của ông Bình và những tài liệu gửi kèm theo, Tòa hình sự TAND Tối cao đã có ý kiến cho rằng, ông Bình thuộc trường hợp được bồi thường do bị kết án oan theo quy định tại Nghị quyết số 388/2003/NQ- UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Bình cho biết bản thân không có ý định khiếu nại hay đòi bồi thường.

Nguồn: [Link nguồn]

Người gây oan sai, người bỏ lọt tội phạm, 2 sĩ quan công an bị kỷ luật

Trong 2 đại tá công an bị kỷ luật, 1 người ký quyết định khởi tố vụ án gây oan sai cho 2 người dân, 1 người bỏ lọt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Huế ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN