Mong mỏi của người dân sau 1 tuần siết giãn cách
Sau gần một tuần kể từ ngày TP.HCM siết giãn cách, người dân có gặp một số khó khăn, các phường đang nỗ lực tìm cách hỗ trợ.
Trong tuần qua, những thông tin về việc TP.HCM thực hiện tăng cường giãn cách xã hội từ ngày 23-8 đến 6-9 nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Theo đó, trong thời gian TP thực hiện siết giãn cách, người dân sẽ không được tự ý đi ra ngoài. Thay vào đó, mỗi địa phương sẽ bố trí tổ công tác đi chợ hộ, hỗ trợ mua thuốc men và mang đến tận nhà cho người dân.
Nhiều bạn đọc phản ánh hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn.
Khó tìm mua thuốc men, tã, sữa, gas…
Chị NTD ở đường Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú cho biết ba ngày nay chị luôn sống trong cảnh lo sợ khi phát hiện cả nhà bị nhiễm COVID-19 mà chưa chuẩn bị thuốc men gì.
Chị D chia sẻ: Cách đây ba ngày, cả nhà có những dấu hiệu bị nhiễm COVID-19 nên đã mua dụng cụ test nhanh về thử và cho kết quả dương tính. Sau đó, một số thành viên trong nhà đến bệnh viện gần nhà xét nghiệm PCR cũng cho ra kết quả dương tính. Dù rất hoang mang nhưng gia đình chị vẫn cố gắng bình tĩnh, thuê một căn nhà kề bên (nhà trống) để tự cách ly. Ngay sau đó, chị liên hệ y tế phường để báo tình hình gia đình có F0, mong được hướng dẫn điều trị tại nhà và hỗ trợ mua thuốc men. Thế nhưng, ba ngày nay không thấy ai đến hỗ trợ.
Một trường hợp khác, chị PTT ở đường Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, hai ngày nay chị như ngồi trên đống lửa bởi không biết cách nào để đến bệnh viện lấy thuốc cho cha chị.
Chị T chia sẻ cha chị bị tiểu đường và phải sử dụng thuốc do BV Chợ Rẫy cấp. Ba ngày nay, cha chị đã hết thuốc uống nhưng trong giai đoạn giãn cách, chị không thể ra ngoài lấy thuốc được. Chị đã gọi điện thoại lên phường nhờ hỗ trợ mua thuốc hộ nhưng cán bộ phường từ chối vì cho rằng không thuộc nhiệm vụ của họ.
Anh TVH ở đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp thì gặp khó khăn khác. Hai ngày nay gia đình anh đã hết gas sử dụng. Anh liên hệ đại lý gas hay đổi thì được hẹn chờ vài ngày nữa mới giao được bởi giờ nhân viên chưa được cấp giấy đi đường.
“Nhà tôi mấy ngày nay toàn ăn mì tôm hoặc nấu canh, luộc rau bằng nồi cơm điện chứ không biết đặt gas ở đâu. Không có gas rất bất tiện, muốn nấu gì cũng không được. Tôi có liên hệ tổ trưởng thì được bảo chỉ hỗ trợ người dân mua lương thực” - anh H chia sẻ.
Cán bộ phường 5, quận Tân Bình trao thuốc, thực phẩm cho F0 đang điều trị tại nhà. Ảnh: NH Phường đang cố gắng khắc phục để hỗ trợ người dân
Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Hòa, Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, cho biết trường hợp của gia đình chị NTD có F0 đang điều trị tại nhà, phường đã nắm được tình hình và đang cử lực lượng xuống kiểm tra, hỗ trợ. Hiện nay, lực lượng của phường còn mỏng nên trong một số trường hợp không thể hỗ trợ nhanh được như mong muốn của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch phường 27, quận Bình Thạnh, cho biết hiện phường có thành lập tổ phản ứng nhanh hỗ trợ người dân vận chuyển lương thực, hàng hóa thiết yếu trong thời gian TP siết giãn cách.
“Trong quá trình cán bộ phường thực hiện nhiệm vụ, phường cũng nhận được phản ánh về việc không tìm được nơi mua sữa, tã, thuốc men… Về việc cung cấp thuốc men thì quận có liên kết với một nhà thuốc để cung cấp thuốc cho người dân. Lúc đầu triển khai, nhà thuốc sẽ giao thuốc tận nơi cho người dân nhưng hiện nay nhà thuốc không có người giao. Những trường hợp cấp thiết phường sẽ cử cán bộ đến nhà thuốc nhận thuốc giao tận nhà cho người dân luôn. Những trường hợp chưa cấp thiết thì phải chờ giao sau.
Riêng việc cung cấp tã, sữa cho trẻ em thì phường có kết nối với một cửa hàng cung cấp để người dân vào trang web của cửa hàng đặt mua. Cũng có người dân phàn nàn là cửa hàng không cung cấp sữa loại mà người dân yêu cầu. Tuy nhiên, chúng tôi mong người dân chia sẻ trong giai đoạn khó khăn này, phường sẽ cố gắng khắc phục để mọi người dân không bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian TP thực hiện siết giãn cách” - ông Minh mong mỏi.
Ông Ngô Xuân Bình, Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp, cho biết: Hiện nay, việc hỗ trợ cung cấp các nhu yếu phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho người dân, phường cũng đang thực hiện liên tục trong phạm vi của phường. Ví dụ, về cung cấp gas, hiện phường đã lập danh sách các địa lý gas trong phường và khi nào người dân cần, gọi điện thoại báo sẽ được mang đến tận nhà. Thuốc men cũng vậy, phường kết hợp với một số nhà thuốc, khi người dân cần cứ gửi yêu cầu đến Zalo cho nhà thuốc và được giao thuốc tận nhà.
Anh Nguyễn Ngọc Lâm, cán bộ phường Tân Tạo, quận Bình Tân, trao túi thuốc cho F0. Ảnh: NL Tái khám, lấy thuốc sẽ không cần giấy đi đường
Chiều 26-8, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, đã trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến việc cấp giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân. Theo đó, với các cá nhân đi tiêm vaccine, tái khám, lấy thuốc…, Công an TP quy định rõ nếu có bệnh án, đến hạn lấy thuốc… chỉ cần đưa sổ tái khám thì được di chuyển, Công an TP không cần giấy đi đường trong các trường hợp này.
Cơ quan Bhxh TP.HCM cũng cho biết đối với các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, Basedow, ung thư đang được quản lý điều trị tại các bệnh viện), đang sống tại các khu phong tỏa có thể gọi điện thoại đến cơ sở mà mình đã chữa bệnh trước đó để được thăm khám và cấp thuốc.
Việc cấp, lãnh thuốc có thể nhờ người nhà đến nhận hoặc gửi qua đường bưu điện để người bệnh nhận. Đối với những trường hợp này vẫn được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí theo quy định.
Lực lượng quân đội được tăng cường cùng với công an và dân quân tự vệ tham gia kiểm soát người dân ra đường trong...
Nguồn: [Link nguồn]