‘Môn Sinh học không làm ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn bộ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021’

Sự kiện: Tin nóng

Đây là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khi nhắc về vụ lùm xùm đề thi môn Sinh học năm 2021.

Sáng 14-6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ với các cơ quan báo chí về một số thông tin liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT và những điểm mới của quy chế trong công tác tuyển sinh năm 2022.

Trong đó, việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh (TS) thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, qua thống kê, điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm TS không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số TS tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm TS còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỉ lệ TS có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm TS không được cộng điểm ưu tiên; điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm TS có điều khiện khó khăn hơn.

Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy, có sự bất hợp lý là: tỉ lệ các TS đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm, thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm TS không thuộc diện ưu tiên.

Chân dung Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh Phi Hùng

Chân dung Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh Phi Hùng

Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các TS tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

Để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên, đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), quy chế đã quy định: mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với TS đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên TS được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của TS)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Cũng theo ông Sơn, một số ý kiến đề nghị bỏ chế độ ưu tiên, hoặc giao quy định này cho các trường tự chủ thực hiện trong quá trình tuyển sinh.

Nhưng chính sách ưu tiên là của Đảng và của Nhà nước ban hành do vậy cần phải tuân thủ, đảm bảo hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế hoặc cân đối đặc biệt cần được hưởng chính sách ưu tiên. Việc thực hiện trong tuyển sinh cũng cần thống nhất trong toàn bộ hệ thống, cần được quy định trong quy chế.

Liên quan đến vụ lùm xùm đề thi môn sinh năm 2021, ông Sơn khẳng định tất cả các phản ánh, đặc biệt là của các thầy cô giáo, Bộ GD&ĐT đều có phản hồi. Tuy nhiên, tùy từng vấn đề mới có thể công khai. Bên cạnh đó, trong quá trình đang kiểm tra, rà soát, khi chưa có kết luận cuối cùng thì không thể công bố.

“Tất cả các quy trình làm hết sức nghiêm túc, cầu thị, nhưng đây là quy trình bảo mật rất phức tạp, liên quan đến từng cá nhân con người, không thể một hai tháng mà làm rõ được ngay, làm rõ rồi còn phải xin ý kiến lại, nắm giải trình…

Đối với Bộ GD&ĐT, trách nhiệm của cá nhân nào đến đâu sẽ xử lý tới đó. Năm nay, Bộ sẽ rà soát từng quy trình, từng khâu và từng cá nhân để khắc phục.

Dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng những tác động bên ngoài đối với môn Sinh học không làm ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn bộ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021”- ông Sơn khẳng định.

Nguồn: [Link nguồn]

Người phát hiện vụ lộ đề môn Sinh học kể về hành trình gần 1 năm “đòi” công lý

Tại thời điểm đó, có những lúc thầy Hiền đã nghĩ đến việc “bỏ cuộc” để được yên bình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ý Linh ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN