Món cầy tơ và nghề buôn chó liên tỉnh

Rời làng “hóa kiếp” chó ở huyện Hoài Đức - TP Hà Nội, chúng tôi về làng Sơn Đông (xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc - Thanh Hóa). Đi dọc làng này tuyệt nhiên không thấy quán thịt chó nhưng đây lại là nơi thu gom và phân phối cầy tơ lớn nhất nước, thị phần chiếm đến 60% toàn miền Bắc.

Hậu Lộc là huyện ven biển, cách TP Thanh Hóa 25 km. Làng Sơn Đông chỉ cách Quốc lộ 1A khoảng 4 km. Ở đây, rất nhiều hộ sống bằng nghề buôn chó. “Thịt chó anh ăn ở Hà Nội hay bất cứ tỉnh nào ở miền Bắc chủ yếu được cung cấp từ Sơn Đông” - ông Chới, một chủ buôn chó ở làng này, khẳng định.

Chi phối thị trường

Theo ông Chới, nghề buôn chó ở làng Sơn Đông có từ lâu. Ông Hạnh Dính được xem là “ông tổ” của làng, đi buôn từ thời bao cấp. Những trùm buôn chó nổi tiếng của làng phải kể đến là Long Phỉ, Mạnh Hổ, Loan Cố, Lạc Mẫn, ông Tơ, Lương Ý...

Ngày trước, người Sơn Đông gom hàng để xuất sang Trung Quốc, mỗi ngày hàng chục tấn. Sau khi phía Trung Quốc không tiêu thụ nữa, dân làng này chuyển về thị trường nội địa, không chỉ cung cấp hàng cho Hà Nội mà còn đến tận Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, rồi ngược lên Vĩnh Phúc, Phú Thọ, thậm chí cả Lạng Sơn, Hòa Bình.

Nghề buôn chó phát triển nhanh tới mức UBND xã Thành Lộc phải cấp phép cho dân buôn chó một khu đất lớn, mỗi hộ vài trăm mét để làm nơi nuôi nhốt chó tập trung.

“Các nơi muốn lấy hàng phải đặt mua ít nhất một lồng (khoảng 2 tạ thịt - PV). Mỗi ngày, Sơn Đông cung cấp cho thị trường miền Bắc khoảng 40 tấn hàng. Thị trường thịt chó miền Bắc đắt hay rẻ đều do ở đây điều phối. Nếu làng này không cấp hàng một vài ngày thì thị trường sẽ khốn đốn và giá tăng vùn vụt ngay lập tức” - ông chủ Long Phỉ tiết lộ.

Món cầy tơ và nghề buôn chó liên tỉnh - 1

Hơn 1 tấn chó trong chuồng được ông Long Phỉ ở làng Sơn Đông (Thanh Hóa)
thu mua để vận chuyển ra Hà Nội. Ảnh: VĂN DUẨN

Chủ yếu là chó trộm

Làng Sơn Đông có hơn 20 hộ buôn chó quy mô lớn, hộ nào cũng có xe tải để làm ăn. Ngày trước, dân làng này sang tận Thái Lan để gom hàng thông qua trạm trung chuyển ở Lào. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, khi Thái Lan ra lệnh cấm buôn bán chó thì nguồn hàng bắt đầu khó khăn.

Anh Sơn, con rể ông Bảy, một chủ buôn chó tại làng Sơn Đông, cho biết: “Giờ hàng Thái vẫn đi được nhưng phải đi chui. Chủ phải liều, trực tiếp qua Thái Lan để gom chứ không mua được ở bên này cửa khẩu hay mua qua trung gian bên Lào nữa”.

Nhu cầu tiêu thụ thịt chó ngày càng cao mà nguồn cung bị thu hẹp nên các ông chủ ở làng Sơn Đông mở rộng địa bàn thu mua vào tận miền Trung, miền Nam, đặc biệt là các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Nha Trang, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Anh Sơn cho biết: Thường thì vài ngày chúng em vào Quảng Nam, Quảng Ngãi gom hàng một lần.

Hiện em tạm ngưng nhưng gia đình ông Mạnh vẫn đi gom hàng từ Sông Cầu (Phú Yên) trở ra ngoài này. Còn hộ ông Thích Thanh thì đi gom từ Đồng Nai, Bình Thuận ra đây. “Do yêu cầu của bạn hàng, trong khu nhốt chó của làng lúc nào ít cũng phải có mấy ngàn con để cấp 20-30 tấn mỗi ngày cho các nơi. Còn nếu để cấp đủ nhu cầu, phải 50-70 tấn/ngày.

Món cầy tơ và nghề buôn chó liên tỉnh - 2

Một điểm thu mua chó ở Nghệ An để đưa ra Thanh Hóa tiêu thụ. Ảnh: HẢI VŨ

Vì vậy, nhiều chủ buôn ở Sơn Đông giờ không dám nghe số máy lạ vì sợ các đại lý, chủ hàng ở Hà Nội và những tỉnh khác trách mắng, hối thúc cung cấp hàng mà không có để bán” - anh Sơn nói.

Còn ông H., chuyên đi gom hàng, khênh chó cho các ông chủ buôn lớn, cũng là người trực tiếp đưa chúng tôi về làng Sơn Đông, tiết lộ: “Chó nuôi 4-5 tháng mới thịt được, với nhu cầu như hiện nay, mua ở đâu cho đủ, chủ yếu là chó trộm. Ở quê này đã có nhiều thanh niên bị cắt gân, đánh cho sưng đầu mà vẫn không bỏ được “nghề” vì nhiều thằng trong số đó bị nghiện ma túy. Chúng đi vồ chó, ngày cũng được 1-2 con, bán được bạc trăm...”.

Vì lợi nhuận, các đối tượng trộm chó ngày càng liều lĩnh và manh động. Hàng loạt vụ trộm chó đã xảy ra tại Thanh Hóa gần đây gây bức xúc trong nhân dân. Theo thông tin từ Công an huyện Hậu Lộc, quê hương của làng buôn chó Sơn Đông, tình trạng trộm chó trên địa bàn diễn ra nhan nhản. Không chỉ “làm ăn” tại quê nhà, một số “cẩu tặc” còn đi xa để hành nghề trộm chó.

Trộm có tổ chức

Nói đến nạn trộm chó phải kể đến “điểm nóng” Nghệ An. Những kẻ trộm chó được tổ chức một cách quy mô, chặt chẽ. Chỉ riêng tại huyện Nghi Lộc, trong năm 2011 đã có tới 15 ổ, nhóm trộm chó bị phá với hàng trăm đối tượng bị bắt giữ. Tuy nhiên, tệ nạn này hiện không có chiều hướng giảm mà còn diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một băng nhóm trộm chó thường có từ 5 - 20 tên, chủ yếu còn trẻ và nghiện ma túy. Chúng được các “đại ca” nuôi ăn, ở và cấp phương tiện để đi bắt chó.

Trong quá trình hoạt động, nếu không may “cẩu tặc” nào bị tai nạn hay bị công an bắt thì sẽ được các chủ cấp tiền nuôi dưỡng cũng như đóng tiền phạt cho công an.

Điển hình là mới đây, Công an huyện Nghi Lộc đã bắt giữ “bà chủ” Nguyễn Thị Nga (trú xóm 12, xã Nghi Trung). Tại cơ quan công an, Nga khai nhận dưới tay thị có tới 21 “cẩu tặc” đã gây ra hàng trăm vụ bắt chó trên nhiều địa bàn.

Cá biệt, trong đó có một tên đã “câu” trộm được trên 200 con chó về bán cho Nga với giá rẻ để trả công nuôi dưỡng và dạy bảo của thị. Nga khai số chó thu gom từ những đệ tử của mình được bán cho những đầu nậu tại TP Vinh để đưa ra Thanh Hóa tiêu thụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn - Hải Vũ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN