Mời tư nhân đầu tư “phạt nguội” trên cao tốc

Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng chính sách để mời gọi tư nhân đầu tư thí điểm hệ thống thiết bị “phạt nguội” vi phạm ATGT trên hai tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình và Nội Bài-Lào Cai.

Mời tư nhân đầu tư “phạt nguội” trên cao tốc - 1

Camera giám sát giao thông trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ảnh: Hoàng Hà

Giám sát vi phạm cả ngày lẫn đêm

Theo đề án thí điểm do Tổng cục Đường bộ VN xây dựng, các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ) sẽ được trang bị, lắp đặt hệ thống camera tại nhiều vị trí và trạm thu phí để giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Các camera có chức năng tự động phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cẩp; Xe đi không đúng phần đường quy định; Không tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc và quan sát trực tuyến tình hình trật tự ATGT trên tuyến.

Dự án thí điểm hệ thống giám sát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ) và tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng mức đầu tư hơn 210 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai là gần 65 tỷ đồng do Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT làm chủ đầu tư. Dự án thí điểm trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Hanel làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 151 tỷ đồng.

Về giải pháp thiết kế giám sát phương tiện vi phạm, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, công nghệ này sẽ giám sát, phát hiện vi phạm cả ngày và đêm với độ chính xác cao. Thông tin xử lý vi phạm sẽ đảm bảo đầy đủ về hình ảnh, video ghi lại thời gian, hành vi vi phạm để làm bằng chứng xác minh, đảm bảo cho cả “phạt nóng” và “nguội”.

“Điều này sẽ góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật GTĐB của người dân, từng bước hoàn thiện việc đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, giảm bớt sự có mặt của CSGT trên đường nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình trật tự ATGT. Dự án cũng là tiền đề và căn cứ để Bộ GTVT xem xét việc tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống kiểm soát giao thông trên những tuyến đường cao tốc khác”, ông Huyện nói.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia hiện chỉ còn hai vấn đề vướng mắc để dự án triển khai vào thực tế. Một là, tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống giám sát. Hai là, cơ chế hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện lắp đặt hệ thống giám sát theo hình thức xã hội hóa.

Mời tư nhân đầu tư “phạt nguội” trên cao tốc - 2

Camera giám sát giao thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ảnh: Tạ Tôn

Đề xuất cho thuê hệ thống giám sát giao thông

Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Tổng cục Đường bộ VN), Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt dự án nhưng mới phê duyệt tổng kinh phí đầu tư, phương án thiết kế. Còn phương án thu hồi vốn cho nhà đầu tư lắp đặt thiết bị hiện đang giao cho các chủ dự án phối hợp với nhà đầu tư lắp đặt thiết bị đề xuất nguồn vốn thích hợp để trình Bộ.

Đề xuất cơ chế hoàn vốn cho nhà đầu tư lắp đặt thiết bị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ FPT cho rằng, nên sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước mà tốt nhất là áp dụng theo hình thức cho thuê CNTT. Việc thuê này là hiệu quả vì toàn bộ hệ thống do các doanh nghiệp tự xây dựng, vận hành và người sử dụng như các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp chỉ việc thuê dịch vụ, không phải xây dựng đội ngũ và không phải đầu tư, quản lý hệ thống.

Căn cứ pháp lý cho việc thuê này là Nghị quyết 36a của Chính phủ về thí điểm cho thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Theo hình thức này, thay vì Nhà nước phải đầu tư, các đơn vị CNTT sẽ cho thuê dịch vụ và sản phẩm. Khi đó, đơn vị cung cấp sẽ xây dựng một hệ thống đầy đủ, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thuê dùng dịch vụ giống như thuê bao Internet hay điện thoại di động. Nghị quyết 36a quy định là phải ghi vào mục chi thường xuyên và chỉ rõ nguồn là nguồn khoa học, công nghệ để phục vụ cho việc thuê này, trong đó giao cho Bộ Tài chính lập mục lục chi ngân sách Nhà nước thành hạng mục chi thường xuyên cho CNTT.

Việc đi thuê sẽ giải quyết được câu chuyện không phải dùng ngân sách Nhà nước để đầu tư mà chỉ là kinh phí thuê thường xuyên, cho nên sẽ giảm được đầu tư công. Việc vận hành sẽ được tính vào chi thường xuyên hàng năm. Đối với dịch vụ công không mang lại lợi nhuận nhưng Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm để đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Việc cho thuê CNTT là chia sẻ rủi ro một cách hợp lý giữa bên thuê (cơ quan Nhà nước) và bên cho thuê (Công ty Dịch vụ CNTT). Nếu có rủi ro xảy ra như chất lượng dịch vụ không đạt, trách nhiệm đó thuộc về bên cho thuê.

Theo ông Lê Quang Hào, Phó tổng giám đốc VEC: “Vừa qua, Tổng công ty đã làm việc với FPT để bàn triển khai thực hiện. Phía FPT cho biết, họ sẵn sàng bỏ tiền lắp đặt hệ thống trước nhằm đưa vào khai thác sử dụng còn các biện pháp hoàn vốn cho nhà đầu tư sẽ bàn sau. Về phương án đề xuất của FPT là cho thuê CNTT, tôi cho là rất hợp lý. Vì đầu tư theo phương thức xã hội hóa khi nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư, họ sẽ đưa ra các phương thức để hoàn vốn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Duy (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN