Mỗi thị trấn một tượng đài: "Không ai phân bổ anh hùng"

“Không thể phân bổ tượng đài cũng như từ xưa đến nay chẳng ai phân bổ anh hùng hảo hán, nhân tài đất Việt cả”, kiến trúc sư Lý Trực Dũng nói.

Theo đề xuất của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, mỗi thị trấn của thủ đô Hà Nội cần xây dựng 1 tượng đài. Kinh phí thực hiện mỗi tượng đài ít nhất từ 20 tỷ đồng trở lên.

Hiện Hà Nội đã có 34 tượng đài, trong vòng 15 năm tới sẽ xây thêm 35 tượng đài. Dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn Hà Nội từ năm 2020 định hướng đến năm 2030 của toàn thành phố cần có 69 tượng đài.

Mỗi thị trấn một tượng đài: "Không ai phân bổ anh hùng" - 1

Tượng đài "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" đặt ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm

Họa sỹ, kiến trúc sư Lý Trực Dũng - tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Weimar – Đức năm 1973 (nay là Đại học Bauhaus) cho rằng, không thể phân bổ tượng đài cũng như từ xưa đến nay chẳng ai phân bổ anh hùng hảo hán, nhân tài đất Việt cả.

Theo kiến trúc sư Dũng, có thể xem đề xuất trên là một biểu hiện của phong trào “thi đua làm tượng đài”. Ông đề nghị các nhà đưa ra đề xuất trên trả lời câu hỏi: “Ai cần xây tượng đài và cần cho ai”?

Theo ông Dũng, ở nước ngoài, để xây dựng được một tượng đài, trước tiên, phải có cả hội đồng xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, từ lịch sử tới quy hoạch chung của vùng đất đó. Sau đó, xét xem nhân vật nào xứng đáng được tạc tượng, vì sao… chứ không xây dựng theo kiểu phong trào.

Cách đây hơn 100 năm, ở Đức từng có phong trào như vậy. Thế nhưng, chuyện đó giờ đã đi vào lịch sử và hiện họ cũng chỉ còn vài chiếc. Việc ồ ạt xây dựng tượng đài không mang lại lợi ích gì lớn cho thủ đô nói riêng và đất nước nói chung cả.

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, không nên đặt ra tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các thị trấn. Bởi còn phải tùy vào hoàn cảnh cụ thể xem thị trấn đó có gì đặc biệt, có đáng đặt  tượng đài hay không?

“Ngay cả nếu có thì đặt tượng đài như thế nào, kích thước ra sao… rồi mới làm? Xây tượng đài quá lớn, quá nhiều cũng là lãng phí”, ông Luyện nói.

Ông Luyện cũng không đồng tình với ý kiến của giám đốc trung tâm kiến trúc quy hoạch Hà Nội (đơn vị lập dự án) cho rằng hiện nay số lượng tượng đài còn thiếu, chưa tương xứng với quy mô phát triển đô thị và xứng tầm với vị thế của Thủ đô.

Ông nhấn mạnh, với số lượng tượng đài hiện nay, không có chuyện Hà Nội thiếu tượng đài, chỉ là cách phân bố không đồng đều. Hơn nữa, làm tượng đài không thể chạy theo số lượng, làm cho có mà phải làm có chất lượng.

Ở nước ngoài, trước khi xây dựng, người ta phải họp bàn, tính toán xem chỗ nào cần có tượng đài dựa trên các yếu tố về lịch sử, môi trường, chứ không tùy tiện. Ngoài ra, còn phải tùy vào quy hoạch sao cho đúng chỗ, đúng yêu cầu.

Bình luận về kinh phí xây tượng đài, theo ông Luyện, rất khó nói ít nhất 20 tỷ đồng là đủ hay chưa và không thể đưa ra mức giá đồng loạt như thế được.

“Có những tượng đài phải đầu tư nhiều hơn thế, nhưng cũng có những cái chưa đến con số đó”, ông Luyện nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN