Mỗi người dân gánh 10 USD nợ cho nhà máy alumin

Sự kiện: Dự án bauxite

Trước thực tế dự án bôxit Tây nguyên đang có nguy cơ càng sản xuất càng lỗ, TS Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban bôxit - nhôm, Tổng công ty Khoáng sản VN, cho biết với tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD, tính ra mỗi người dân VN đang gánh khoảng 10 USD nợ cho nhà máy alumin.

Ông Ban nói:

- Khi đi nghiên cứu bôxit Tây nguyên, chúng tôi chỉ đề xuất xây dựng nhà máy alumin công suất 30.000 tấn/năm, nhà máy điện phân nhôm 72.600 tấn/năm. Ngày đó, xây dựng nhà máy này khoảng 200 triệu USD. Chúng tôi cũng tính nhà máy sẽ dùng điện Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Nếu làm nhà máy như thế thì đến nay có lẽ đã khấu hao xong. Nhưng nhà máy không được xây như đề xuất. Sau này Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) tiếp quản Tổng công ty Khoáng sản và đề xuất hai dự án công suất 650.000 tấn như hiện nay.

Ngay thời đó, chúng tôi đã cảnh báo khả năng lỗ. Tiếc rằng nhà máy vẫn được xây và đến nay tình hình đúng như cảnh báo.

Lỗ không chỉ vì khách quan

"Tôi từng phụ trách dự án bôxit - nhôm nên tôi biết khai thác bôxit ở Tân Rai không chiếm nhiều đất trồng cà phê, mà chủ yếu là rừng. Tất nhiên khi đắp đập làm hồ bùn đỏ thì nước dâng lên, khiến mất một số diện tích cà phê, chè. Với những vê thì 250 triệu đồng khó có thể đền bù được cho 1ha".

TS Nguyễn Văn Ban

* Thưa ông, Bộ Công thương đã cho biết giá thành sản xuất alumin tháng 12/2012 là 333 USD/tấn, giá bán khoảng 326,5 USD/tấn. Nguyên nhân được cho rằng do suy thoái kinh tế thế giới...

- Chúng tôi cũng đã nêu vấn đề rủi ro lớn như thế. Năm 2009, giá thành alumin chỉ 223 USD, giá bán là 362 USD/tấn mà chúng tôi tính nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ là đã có chịu rủi ro rồi. Nay giá thành lên 333 USD/tấn, bán chỉ 326,5 USD/tấn thì rủi ro đúng là vô cùng lớn.

Và thực tế là lỗ rồi chứ không chỉ là rủi ro, nguy cơ nữa. Còn nguyên nhân, đúng là có lý do suy thoái kinh tế thế giới, nhu cầu và giá alumin giảm. Nhưng từ năm 2009, khi hội thảo, bản thân tôi cảnh báo khủng hoảng kinh tế có thể còn kéo dài, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của dự án.

Tôi nghĩ chuyện bị lỗ không chỉ do nguyên nhân khách quan, chậm tiến độ hai năm khiến tăng 30% chi phí tổng đầu tư dự án, riêng tiền lãi vay hai nhà máy cũng đã tăng cả trăm triệu USD. Việc chậm tiến độ, tăng chi phí cũng là nguyên nhân khiến tăng giá thành, giảm hiệu quả dự án. Lỗ còn do dùng công nghệ Trung Quốc nên tỉ lệ thu hồi alumin trên quặng chỉ khoảng 85%, các hãng tiên tiến có thể đạt 87%. Thứ nữa, tiêu hao năng lượng cho một đơn vị sản phẩm của dự án cũng cao hơn so với chỉ tiêu của các hãng tiên tiến...

Mỗi người dân gánh 10 USD nợ cho nhà máy alumin - 1

 TS Nguyễn Văn Ban

* Trước đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang trả lời báo chí cho rằng không thể nói dự án không hiệu quả và còn nói rất nhiều nước muốn mua bôxit của VN, có thể còn phải đấu giá...

- Phải nói chúng tôi khuyến cáo trên cơ sở giá bán, giá thành do chính TKV cung cấp chứ không phải tự nghĩ ra. Ông Quang nói thời điểm ấy trên cơ sở lạc quan, nhưng thực tế đến nay chứng minh alumin không phải dễ bán như vậy. Có thể thời điểm đó suy giảm chưa mạnh, dù đã có cảnh báo về tình hình kinh tế thế giới. Tôi cho rằng nếu là tư nhân đầu tư, họ sẽ không tính như thế. Tiền của tư nhân, họ phải tính chắc chắn khả năng sinh lời. Nếu có rủi ro thì họ phải tính vào, dù là rủi ro rất nhỏ, chứ để đến khi có khó khăn ập đến thì họ chết.

* Vụ Công nghiệp nặng thông báo tin mừng là có thể thu hồi sắt từ bùn đỏ phế thải. Điều này sẽ giúp có thêm nguồn thu và dự án alumin sẽ hiệu quả hơn?

- Được như thế thì rất mừng. Thực tế là có hãng của Mỹ vào chào hàng công nghệ xử lý. Nguyên tắc là bùn đỏ có kiềm, phải thu hồi nó mới chế biến được các sản phẩm khác. Chưa rõ dự án bôxit ở ta sẽ làm thế nào. Còn trên thế giới, xử lý rồi biến bùn đỏ thành vật liệu xây dựng, thành phôi sắt... về mặt công nghệ họ làm được nhưng chưa thấy đâu làm đại trà, vì hiệu quả kinh tế không cao, sản phẩm khó bán do rất đắt.

Không thể để dân thiệt

* Muốn dự án hiệu quả, TKV đề nghị giảm thuế tài nguyên, phí môi trường từ 30.000 đồng/tấn xuống chỉ còn 5.000 đồng/tấn. Nhà nước đang bị đặt vào tình thế buộc phải “hi sinh” cho TKV?


- Phí môi trường mà giảm đi thì vấn đề xử lý môi trường sẽ gặp khó. Để cứu dự án đúng là phải cứu bằng chính sách, dễ nhất là giảm thuế, phí. Tôi nghĩ dư luận xã hội khó đồng tình với chuyện này, bởi trước đó dư luận đã cảnh báo rồi nhưng chủ đầu tư kiên quyết không nghe. Tất nhiên, TKV là doanh nghiệp nhà nước, nhà máy alumin họ đầu tư rồi, giờ là tài sản của đất nước. Cả tỉ USD để đó, giờ không cứu thì cũng rất xót xa, thậm chí không được.

Theo tôi, để cứu dự án này cần bài toán tổng thể. Đầu tiên TKV phải tìm giải pháp giảm chi phí quản lý, tổ chức sản xuất. Rồi nếu đến bước cuối cùng, càng sản xuất mà càng thiệt hại lớn, không còn cách nào khác thì phải đóng cửa. Đó là điều đau xót, nhất là khi điều đau xót đó lại được cảnh báo lâu rồi.

* Trong các giải pháp tăng hiệu quả cho dự án cũng có đề xuất đánh vào người dân. TKV nói chỉ trưng dụng đất 2-3 năm, nên cần giảm tiền giải phóng mặt bằng cho dân từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/ha xuống 250 triệu đồng/ha. Tư duy của TKV có đúng?

- Đúng là khai thác bôxit chỉ cần trưng dụng đất khoảng ba năm. Sau đó có thể hoàn thổ, trả lại đất cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên thực tế qua dự án của Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho thấy sau khi họ khai thác quặng, hoàn thổ rồi người dân chỉ trồng được cây keo chứ trồng chè, cà phê thì chất lượng kém. Nên đền bù mức nào tôi cho rằng cần cân nhắc rất kỹ. Quan điểm của tôi là không thể để người dân phải gánh chịu những thiệt hại từ dự án.

* Nếu đây không phải là dự án của doanh nghiệp nhà nước, với tư cách một công dân bình thường, theo ông, có nên chấp nhận những đề xuất của TKV?

- Nói đúng thì chủ đầu tư phải chịu vì anh tự đánh giá, tự thẩm định. Nhưng TKV là doanh nghiệp nhà nước. Và thực tế mình là công dân VN, tiền bỏ ra làm nhà máy alumin là tiền của mình. Nếu tính theo đầu người thì mỗi người dân, kể cả người nghèo, người miền núi đang phải chịu chi phí và nợ khoảng 10 USD cho dự án alumin. Nên giờ phải quyết định làm sao cho thiệt hại ít nhất. Cần hi vọng rằng khả năng giá alumin tăng là có, nhà máy mới chạy thử, giá thành có thể giảm.

* Dự án alumin đang rủi ro như thế, yêu cầu công khai minh bạch cần phải được coi là điều kiện bắt buộc? Công khai về dự án alumin hiện nay còn yếu...

- Đúng. Điều chúng ta thúc đẩy là TKV cần công khai minh bạch hơn. Ngay tổng mức đầu tư hiện nay cũng chưa rõ. Rồi giá thành đã tính hết, tính đủ mọi chi phí chưa? Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) công bố giá thành chưa thật cụ thể, giá đó có phải là ở cổng nhà máy hay đã bao gồm phí vận chuyển, bởi các đối tác nước ngoài mua thì họ thường mua ở cảng. Trong khi đó, vận chuyển alumin từ nhà máy ra cảng có thể mất khoảng 20 USD/tấn nữa.

Tiếp tục thử nghiệm sản xuất thép từ bùn đỏ

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây nguyên ở quy mô pilot (tạm hiểu là quy mô thử nghiệm), phấn đấu cuối năm 2013 có kết quả nghiên cứu, thử nghiệm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, các bộ ngành liên quan triển khai thực hiện.

Phó thủ tướng giao Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam phê duyệt điều chỉnh tiến độ đề tài nêu trên để thực hiện trong thời gian 12-18 tháng. Trong thời gian thực hiện đề tài, Viện Hóa học tăng cường tổ chức tham quan, nghiên cứu, trao đổi với các nước đã và đang xử lý bùn đỏ để hoàn thiện đề tài với chất lượng cao nhất. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Viện Vật liệu xây dựng phối hợp với TKV, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nghiên cứu việc sử dụng xỉ trong quá trình sản xuất sắt xốp từ bùn đỏ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2013.

V.V.Thành

TKV đề xuất Đền bù 250 triệu đồng/ha:

Chỉ bằng 1/4 giá thực tế

Ngày 5/3, khi biết ông Nguyễn Mạnh Quân - vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) - nói với báo chí về việc “TKV đã đề nghị Chính phủ việc đền bù cho khai thác bôxit chỉ tính đền bù hoa màu, đền bù sản lượng trong thời gian trưng dụng đất và có hỗ trợ một phần cho người dân ở mức 250 triệu đồng/ha là hợp lý”, nhiều người dân ở thôn 7 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) thốt lên rằng: “Đền bù như vậy là giết dân!”.

Ông Phạm Văn Mỹ (tổ 17, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) có gần sáu sào đất tại khu vực mỏ tuyển đã được áp giá đền bù hơn 560 triệu đồng. Đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được tiền đền bù dù chè và cà phê trên đất đã bị bỏ, không chăm sóc mấy năm nay.

Ông Mỹ lo lắng: “Với giá đền bù như hiện tại, gia đình tôi còn chưa mua lại được mảnh vườn ở vị trí tương đương mà phải đi vào vùng sâu mới mua được. Nếu chỉ hỗ trợ đền bù 250 triệu đồng/ha thì làm sao mua nổi đất mới. Với số tiền đó, chúng tôi chỉ có thể mua lại được 1/4 diện tích đất mình hiện có. Nếu nói chỉ trưng dụng rồi trả lại cho dân sau khi đã khai thác thì cũng không thỏa đáng. Vì dân nơi đây trồng cây công nghiệp dài ngày, đâu phải chỉ ngày một ngày hai là có thể làm lại được. Phải mất ít nhất 5-7 năm mới có thể trồng cây lại, cộng với thời gian trưng dụng nữa thì suốt thời gian đó người dân sẽ làm gì để sống. Đó là chưa kể lớp đất thịt đã bị bóc đi, chất đất không còn tốt để người dân tái tạo lại vườn”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Dung (tổ 18, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) bị kê khai và áp giá đền bù hơn 1,2ha đất với giá 1,08 tỉ đồng. Dù chưa nhận được tiền đền bù nhưng một phần đất nhà bà đã bị san ủi để làm hồ rửa quặng bôxit. Bà cho biết: “Giá đền bù như hiện tại là đã không tương xứng vì cà phê đang lên giá, giá đất vườn cà phê ngoài thị trường hiện rất cao. Nếu giá còn giảm xuống nữa thì coi như lấy không của dân”.

Tại khu vục này hiện có khoảng 20 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, trong đó có đất của nhiều hộ đã bị san ủi đất từ cuối năm 2012 và được Ban quản lý dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng hứa sẽ sớm chi trả đền bù nhưng đến nay vẫn chưa có.

Theo Ban quản lý dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng, nếu tính trong suốt thời gian 30 năm thực hiện dự án, diện tích đất phải thu hồi để sử dụng lâu dài là 1.233ha, sử dụng tạm thời là 1.620ha (mỗi năm khai thác 50-60ha mỏ để phục vụ nhà máy alumin). Riêng đối với khu vực mỏ tuyển, hiện diện tích đất thu hồi gần 400ha (người dân đã nhận tiền đền bù với mức giá từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/ha).

Gia Bảo

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cầm Văn Kình (Tuổi Trẻ)
Dự án bauxite Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN