Mỗi người chỉ được phép mang thai hộ 1 lần

“Nếu mỗi người chỉ mang thai hộ 1 lần sẽ không có người kiếm tiền bằng phương pháp mang thai hộ”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) trong đó chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, có nhiều ý kiến thắc mắc về việc được phép mang thai hộ bao nhiêu lần và liệu có xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách này để trục lợi hay không. Về vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Thưa Thứ trưởng, vừa qua, Quốc hội đã thông qua luật hôn nhân và Gia đình sửa đổi trong đó cho phép mang thai hộ. Vậy, lợi ích của việc mang thai hộ là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Mang thai hộ có ý nghĩa rất lớn đối với những cặp vợ chồng có nhu cầu có con một cách chính đáng mà khả năng của họ không thể mang thai được.

Ví dụ người vợ vì lý do bệnh tật phải cắt bỏ tử cung hoặc vì bệnh lý mà không được phép mang thai, nhưng 2 buồng trứng vẫn bình thường, người chồng có tinh trùng khỏe. Trước hợp này, hai vợ chồng chỉ có thể có con bằng di truyền của chính họ thông qua kỹ thuật mang thai hộ.

Lợi ích khác từ phía các bác sỹ trong một số trường hợp cấp cứu như: trường hợp sản phụ đẻ bị băng huyết, hoặc vỡ tử cung, hoặc bị rau tiền đạo...cần phải cắt ngay tử cung để cứu người mẹ. Tuy nhiên, trước đó do nước ta chưa cho phép mang thai hộ nên các bác sĩ phải đắn đo khi cắt bỏ tử cung của người mẹ. Nếu không cắt ngay trong những trường hợp này, sản phụ sẽ bị mất nhiều máu, dẫn tới tử vong. Còn nếu cắt bỏ tử cung thì người mẹ đó sẽ không thể sinh thêm con.

Vì thế, cho phép mang thai hộ trong những trường hợp này rất cần thiết, mang tính nhân văn, nhân đạo. Mang thai hộ giúp các bác sỹ quyết định nhanh hơn để đảm bảo tính mạng của người mẹ (trong trường hợp người nhà sản phụ cũng sẵn sàng để bác sỹ cắt bỏ tử cung cứu để cứu sản phụ), đồng thời cũng tạo cơ hội để gia đình đó tiếp tục có thêm con một cách chính đáng.

Thứ trưởng có lo ngại, cho phép mang thai hộ sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho những đối tượng lợi dụng nhu cầu chính đáng của người khác để kiếm tiền?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Tôi cho rằng, nếu mỗi người chỉ mang thai hộ 1 lần thì sẽ không có người kiếm tiền hành nghề bằng mang thai hộ. Khi đó, vấn đề thương mại hóa sẽ như muối đổ biển.

Bộ Y tế sẽ có cách kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ. Chẳng hạn, những người mang thai hộ sẽ được thống kê trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi người mang thai hộ đã đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký thì chắc chắn sẽ không được làm nữa vì họ đã có trong danh sách đăng ký làm trước đó rồi. 

Mỗi người chỉ được phép mang thai hộ 1 lần - 1

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Viết Tiến, Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ

Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt vì về chuyên môn mỗi lần phụ nữ mang thai cũng là một lần đẻ, nếu đẻ nhiều liên tục, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ.

Tôi cho rằng cách làm này rất thực tiễn và chúng ta có khả năng làm tốt.

Thưa Thứ trưởng, có ý kiến cho rằng, cho phép mang thai hộ sinh ra không biết con của ai. Thứ trưởng nghĩ sao?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Nếu về mặt di truyền, đứa trẻ sinh ra chính là con của người nhờ mang thai hộ. Ví dụ chồng nhóm máu B, vợ nhóm máu A, người mang thai nhóm máu O. Vậy, chắc chắn đứa trẻ sinh ra sẽ mang dòng máu của vợ hoặc chồng.

Chi phí cho một ca mang thai hộ ở Việt Nam là bao nhiêu, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Bộ Y tế sẽ chọn trung tâm lớn có tính pháp lý và chuyên môn cao (không phân biệt trung tâm tư nhân hay công lập) để thực hiện.

Chi phí mang thai hộ ở Mỹ hiện nay khoảng hơn 700.000 triệu, còn ở Việt Nam dự kiến khoảng 40.000-60.000 triệu đồng.

Vậy, Bộ Y tế có đưa ra quy trình mang thai, chăm sóc và giao nhận con không?

Chúng tôi sẽ đưa quy trình mang thai, chăm sóc và giao nhận con vào nghị định hướng dẫn cụ thể.

Bộ Y tế sẽ làm gì để giúp những người có nhu cầu mang thai hộ, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Hiện các trung tâm hỗ trợ sinh sản đã thực hiện thành thạo các kỹ thuật cấy ghép phôi. Cụ thể, việc lấy tinh trùng của người chồng, noãn của người vợ, sau đó, theo dõi, thụ tinh, theo dõi phát triển của phôi… là những kỹ thuật này nước ta đã thực hiện thành thạo.

Tuy nhiên, đối với trường hợp mang thai hộ, khi phôi phát triển tốt sẽ không chuyển cho người vợ mà chuyển sang cho người mang thai hộ. Kỹ thuật đó sẽ không gây khó khăn gì đối với chúng ta.

Nội dung quan trọng của dự thảo này là đưa ra những quy định giúp những người có nhu cầu thực sự mang thai hộ dễ dàng được tiếp cận những kỹ thuật tốt nhất, tránh tuyệt đối việc kinh doanh thương mại hóa về vấn đề mang thai hộ. Đây là điều cốt lõi mà Bộ Y tế phải tham mưu chặt chẽ.

Trước mắt, Bộ sẽ chọn một vài trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trên cả nước có độ tin cậy về mặt pháp lý và chuyên môn cao để triển khai thực hiện phương pháp này. Vì nhu cầu mang thai hộ hiện nay không nhiều, hàng năm chỉ có khoảng 500-700 người có nhu cầu.

Thứ trưởng có lời khuyên nào cho những người có nhu cầu mang thai hộ?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Trong giai đoạn đầu, người nào có nhu cầu mang thai hộ nên đến Trung tâm lớn ở khu vực đó. Bộ Y tế sẽ chọn trung tâm lớn để thực hiện.

Theo cách này, người nào có nhu cầu mang thai hộ thì cặp vợ chồng đó phải tìm chứ không phải Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản tìm.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN