Mối đe dọa tên lửa hành trình ở châu Á (Kỳ 1)

Tên lửa hành trình, loại vũ khí tân tiến có thể mang theo đầu đạn hạt nhân đang trở nên ngày càng phổ biến ở châu Á, làm gia tăng nguy cơ nổ ra thảm họa xung đột ở khu vực này.

Tên lửa hành trình, loại vũ khí rất khó phát hiện với tốc độ di chuyển ngày càng nhanh và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở châu Á, khiến cho việc kiểm soát vũ khí trở nên phức tạp và gia tăng nguy cơ xảy ra thảm họa xung đột.

Trước đây, mối quan ngại ở châu Á chủ yếu tập trung vào sự phổ biến tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân ở các quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan, 4 quốc gia châu Á được cho là đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Mối đe dọa tên lửa hành trình ở châu Á (Kỳ 1) - 1

Tên lửa đạn đạo thường được sử dụng với mục đích phòng ngừa

Tên lửa đạn đạo là loại vũ khí sử dụng động cơ phản lực bay theo quỹ đạo hình vòng cung và được dẫn đường rơi xuống với vận tốc nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh nhắm vào mục tiêu.

Cho đến thời điểm hiện nay, tất cả các loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ đều chỉ được triển khai với mục đích duy nhất là răn đe hạt nhân chiến lược. Năm quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chính thức gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp đều sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa phóng từ trên đất liền, trên không hay trên biển của mình nhằm ngăn ngừa nguy cơ bị các quốc gia hạt nhân khác tấn công.

Các hiệp ước và thỏa thuận kiểm soát vũ khí đều chủ yếu tập trung vào tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên có một loại vũ khí khác đang ngày càng trở nên phổ biến hơn và nguy hiểm hơn, đó chính là tên lửa hành trình. Đây thực sự là loại vũ khí còn khó kiểm soát hơn, nguyên nhân một phần là vì trong nhiều trường hợp những loại tên lửa này được thiết kể để có thể vừa mang theo đầu đạn nổ thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

Chính tính năng lưỡng dụng này của tên lửa hành trình sẽ khiến một quốc gia hạt nhân khi đối mặt với một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào lãnh thổ hoặc tàu chiến của mình không thể nào biết được tên lửa tấn công là vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân, và điều đó có thể châm ngòi cho hành động phản công hạt nhân.

Tên lửa hành trình là loại vũ khí sử dụng động cơ phản lực bay nhanh và thấp trên mặt đất và mặt biển khiến chúng rất khó bị phát hiện. Kích thước của tên lửa hành trình cũng tương đối nhỏ so với tên lửa đạn đạo tầm xa.

Mối đe dọa tên lửa hành trình ở châu Á (Kỳ 1) - 2

Tên lửa hành trình có thể bay rất thấp trên mặt đất và mặt biển

Từ năm 1909, ý tưởng về tên lửa hành trình đã xuất hiện trong bộ phim “Vũ khí diệt máy bay” của Anh mô tả những quả ngư lôi bay điều khiển bằng vô tuyến được sử dụng để bắn hạ những chiếc máy bay ném bom London.

Năm 1916, Lawrence Sperry thiết kế một loại “ngư lôi bay” không người lái điều khiển bằng khí áp kế mang theo thuốc nổ TNT. Từ bản thiết kế này, quân đội Mỹ đã phát triển một loại bom bay tương tự với tên gọi Kettering Bug.

Tuy nhiên Đức mới là nước đầu tiên triển khai tên lửa kiểu hành trình trong Thế chiến 2. Đó chính là bom bay V-1 với hệ thống dẫn đường hồi chuyển và động cơ phản lực đơn giản. Tuy nhiên loại tên lửa này chỉ đủ chính xác để tấn công những mục tiêu rất lớn như một thành phố hay một khu vực, còn tầm bắn 250 km lại quá thấp so với máy bay ném bom mang theo số lượng bom tương đương. Ưu thế duy nhất mà loại vũ khí này đạt được là tốc độ cao và chi phí rẻ.

Sau Thế chiến 2, không quân Mỹ đã xúc tiến 21 dự án chế tạo tên lửa dẫn đường khác nhau, trong đó có tên lửa hành trình sau này. Trong chiến tranh lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều bỏ rất nhiều tiền để phát triển ý tưởng này và triển khai những tên lửa hành trình đầu tiên trên đất liền, trên tàu ngầm và máy bay.

Tên lửa đất đối đất có thể hoạt động được đầu tiên của Mỹ là MGM-1 Matador có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân được phát triển dựa trên ý tưởng của V-1. Từ năm 1954, tên lửa này được triển khai ở Tây Âu, Đài Loan và Hàn Quốc.

Mối đe dọa tên lửa hành trình ở châu Á (Kỳ 1) - 3

Tên lửa hành trình đời cổ MGM-1 Matador của không quân Mỹ

Trong giai đoạn từ năm 1957 và 1961, Mỹ theo đuổi một chương trình đầy tham vọng mang tên Dự án Pluto nhằm chế tạo một loại tên lửa hành trình hoạt động bằng năng lượng hạt nhân. Nó được thiết kế để bay dưới tầm radar của đối phương với vận tốc Mach 3 và mang theo nhiều bom khinh khí mà tên lửa này có thể thả xuống trong khi bay trên lãnh thổ đối phương. Tuy nhiên dự án này bị đình chỉ để dọn đường cho sự phát triển của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tên lửa đạn đạo là loại vũ khí được ưa chuộng hơn để tấn công các mục tiêu mặt đất. Liên Xô coi tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thường cỡ lớn là loại vũ khí chủ yếu để phá hủy các nhóm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ.

Liên Xô đã phát triển nhiều tàu ngầm cỡ lớn như Echo và Oscar hay oanh tạc cơ lớn như Backfire, Bear và Blackjack để mang theo những tên lửa này nhằm chiếm ưu thế trước các cụm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ.

Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện có khoảng 1.140 phiên bản hạt nhân của tên lửa hành trình phóng từ máy bay AGM-86. Ngoài ra, nước này còn có thêm khoảng 460 tên lửa hành trình tân tiến AGM-129A có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Không quân Mỹ cho biết thiết kế khí động học của tên lửa AGM-129A kết hợp với vật liệu hấp thụ sóng radar và một số tính năng khác khiến nó gần như vô hình trước radar quan sát.

Mối đe dọa tên lửa hành trình ở châu Á (Kỳ 1) - 4

Tên lửa hành trình tàng hình AGM-129A

Tầm bắn của tên lửa hành trình AGM-129A đạt đến gần 3.220 km. Tuy nhiên, phiên bản hạt nhân của tên lửa hành trình phóng từ máy bay Kh-101 của Nga sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay có tầm bắn tối đa theo thiết kế là trên 9.650 km, sánh ngang với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

___________________

Hiện nay Mỹ và Nga là hai quốc gia dẫn đầu về số tên lửa hành trình có khả năng hạt nhân phóng từ máy bay hoặc tàu ngầm trên thế giới. Tuy nhiên hai nước này đang phải đối mặt với nhiều đối thủ mới nổi trong lĩnh vực tên lửa hành trình ở châu Á, tiêu biểu là Trung Quốc. Tiềm lực tên lửa hành trình của Trung Quốc như thế nào, xin mời bạn đón đọc kỳ 2 vào ngày 16/7/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thành (Theo JPT, NYT) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN