Mới đánh IS, quân đội Iraq đã hục hặc với Mỹ
Mâu thuẫn bùng phát khi các quan chức Iraq tuyên bố sẽ tự tiến đánh IS mà không cần có sự trợ giúp của Mỹ.
Ngày 3/3, những căng thẳng, mâu thuẫn giữa quân đội Iraq và Mỹ về cách thức tiến hành cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bùng phát khi các quan chức Iraq tuyên bố rằng họ sẽ tự lên kế hoạch đánh IS kể cả khi Mỹ không trợ giúp.
Hôm 2/3, quân đội Iraq đã mở một chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm chiếm lại thành phố Tikrit từ tay phiến quân IS mà không có sự nhất trí của các cố vấn Mỹ. Trong khi các binh sĩ Iraq tìm cách bao vây thành phố Tikrit, điều dễ nhận thấy là các chiến đấu cơ Mỹ đều nằm yên ở căn cứ mà không hề có bất cứ một động thái yểm trợ nào.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ thì lại tỏ ra lo ngại với vai trò quá lớn của dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn trong lực lượng tiến đánh Tikrit. Lãnh đạo người Shiite cho biết số chiến binh của họ chiếm tới 2/3 lực lượng gồm 30.000 quân tiến đánh Tikrit.
Dù không có sự nhất trí của Mỹ, lực lượng này vẫn rầm rộ kéo đến vây chặt thành phố Tikrit với sự tham gia của các cố vấn quân sự Iran cùng nhiều binh sĩ quân đội Iran vận hành các khẩu pháo, bệ phóng tên lửa và máy bay không người lái.
Chiến dịch tấn công Tikrit bất ngờ được tổ chức sau khi các quan chức quân đội Iraq “phát cáu” với sự “không nhất quán” của Mỹ trong chiến lược chống lại IS. Trước đó, các cố vấn Mỹ cho rằng quân đội Iraq sẽ sẵn sàng tổng phản công chiếm lại thành phố chiến lược Mosul vào tháng Tư tới đây, thế nhưng sau đó lại “xuống nước” và tuyên bố quân đội Iraq chưa sẵn sàng cho một chiến dịch lớn như vậy, ít nhất là đến mùa thu.
Ông Ali al-Alaa, trợ lý thân cận của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã tỏ ra rất giận dữ với nhận định trên của các cố vấn Mỹ. Ông này thẳng thừng tuyên bố: “Người Mỹ tiếp tục trì hoãn thời gian để chúng tôi giải phóng đất nước. Iraq sẽ giải phóng Mosul và Anbar mà không cần người Mỹ”.
Cựu Thủ tướng Iraq Nuri Kamal al-Maliki cũng nói rằng giữa người Mỹ và Iraq đang có một “cuộc khủng hoảng lòng tin”, và rằng “nếu họ không giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn ở Mosul”.
Các quan chức Mỹ và Iraq đều cho biết quân đội Iraq không hề nhờ Mỹ trợ giúp trong chiến dịch tấn công Tikrit, tuy nhiên một số tướng lĩnh Iraq cho hay họ làm vậy vì biết rằng Mỹ sẽ không điều máy bay yểm trợ.
Trong khi cả hai bên đều nói rằng Mỹ đã được phía Iraq thông báo về chiến dịch tấn công, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Iraq tuyên bố chỉ có Thủ tướng Abadi mới được biết về “giờ G”, giờ phát động tấn công.
Ông Alaa, trợ lý của Thủ tướng Abadi tuyên bố: “Chúng tôi vẫn hoan nghênh sự trợ giúp của quốc tế. Nhưng nếu họ không hỗ trợ, chúng tôi cũng chẳng có vấn đề gì”.
Mặc dù tuyên bố là thế, nhưng trên thực địa, quân đội Iraq lại gặp khá nhiều khó khăn trong chiến dịch tấn công vào Tikrit, và họ vẫn chưa đạt được bước đột phá nào để tiến được vào thành phố. Cho đến nay, lực lượng hùng hậu 30.000 quân mới chỉ tiến đến khu vực ngoại ô của thành phố và giải thoát được 13 cảnh sát bị IS giam giữ.
Ông Mohammad al-Turkomani, một lãnh đạo dân quân người Shiite đã phải thừa nhận rằng nếu như các cố vấn và không lực Mỹ tham gia vào chiến dịch này, “chúng tôi sẽ tiến quân nhanh gấp đôi”.
Chiến dịch tấn công Tikrit được coi như một phép thử đối với khả năng chiến đấu và chiến thắng của các lực lượng an ninh Iraq trước phiến quân IS. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người lo ngại rằng nếu tiến được vào Tikrit, các chiến binh người Shiite sẽ tìm cách trả thù người Sunni bị coi là hậu thuẫn cho IS ở thành phố này.
Một quan chức quân đội Mỹ cho rằng nguy cơ này là có thật, và bày tỏ quan ngại rằng quân đội Iraq đã không chú ý thích đáng đến nguy cơ dân thường bên trong thành phố Tikrit có thể trở thành nạn nhân của các cuộc pháo kích và tấn công tên lửa không chính xác.
Tuy nhiên quan chức này cũng thừa nhận rằng nếu như quân đội Iraq dưới sự giúp đỡ của các cố vấn Iran có thể đánh đuổi được IS ra khỏi Tikrit, “điều đó không hẳn là không hữu ích”.