Mổ xẻ vụ “sếp công ích" lĩnh lương khủng

Nhận định về vụ lương khủng của giám đốc các công ty công ích, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, nói: Mức chênh lệch giữa thu nhập người lao động công nhân và cấp quản lý như vậy là quá đáng”.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh còn cho biết: “Nếu chỉ là công ty tư nhân thì không phải bàn, nhưng đây là các công ty công ích sử dụng ngân sách của Nhà nước”.

Cũng theo tiến sĩ Hoàng Anh, sự việc đã kéo dài hàng năm nhưng đến giờ mới bị phát hiện, nhiều người nói do việc quản lý tài chính ở các công ty này lỏng lẻo là khó chấp nhận. Bởi theo tiến sĩ Hoàng Anh, các công ty Nhà nước thường quản lý rất chặt chẽ, muốn xin kinh phí thì phải có giấy tờ hẳn hoi, rồi thông qua hàng loạt người chịu trách nhiệm ký nhận. Vấn đề nằm ở chỗ những người chịu trách nhiệm ký nhận. Nếu có sự bắt tay nhau giữa những người này, chắc chắn sẽ xảy ra tiêu cực.

“Qua vụ việc này, tôi thấy có hai vấn đề cần rút ra, đó là cần cải tiến chế độ kế toán và việc bổ nhiệm nhân sự trong bộ máy quản lý các công ty Nhà nước. Ví dụ, ở Mỹ mỗi lần chi kinh phí chỉ cần một loại giấy tờ, thậm chí không cần đóng dấu nhưng không bao giờ xảy ra tiêu cực, còn ở Việt Nam mình thì ngược lại. Đồng thời, phải xem lại cách bổ nhiệm nhân sự trong các công ty, tránh một người làm lãnh đạo thì có các nhân viên đều là thân thích. Như vậy thì việc quản lý mới chặt chẽ không chỉ về hình thức mà còn có chất lượng thật sự”, tiến sĩ Hoàng Anh nhận định.

Mổ xẻ vụ “sếp công ích" lĩnh lương khủng - 1

Mức chênh lệch giữa thu nhập của công nhân và lãnh đạo tại Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị là quá lớn

Phân tích trên góc độ pháp luật, tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Khoa Luật, ĐH Kinh tế Luật, ĐHQG TP.HCM, cho rằng, Luật Lao động không chi phối việc trả lương ở các đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Còn theo quy định của Luật Lao động áp dụng ở các doanh nghiệp, lương được xác định tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Đối với trường hợp đặc biệt này, tiến sĩ Phương Diệp cho rằng nếu chỉ áp dụng Luật Lao động, không thể xử lý được, cần phải xem các quy chế đặc thù áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động công ích vừa có thu vừa có hỗ trợ của Nhà nước.

“Nếu việc trả lương cho những người lao động bình thường đã phù hợp với quy định của luật thì không thể nói đến việc chia lại sau khi thu hồi số tiền lương khủng, vì trên thực tế quy định của chúng ta về trả lương đã có sự không phù hợp (lương tối thiểu chung 1.150.000đ, sau đó thêm phụ cấp độc hại cũng không đáng là bao…)”, tiến sĩ Phương Diệp nói.

Chiều 26/8, văn phòng UBND TP.HCM đã ra thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà về việc hàng loạt công ty nhà nước chi lương lãnh đạo cao bất thường và buộc các đơn vị này phải thu hồi toàn bộ số tiền lương chi sai cho UBND TP trước ngày 15/9.

Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, trong năm 2012, mức lương của Giám đốc là 2,6 tỉ đồng/năm (hơn 200 triệu đồng/tháng), Chủ tịch hội đồng thành viên là 1,6 tỷ đồng, Kế toán trưởng là 1,67 tỷ đồng, lương của Phó Giám đốc là 969 triệu đồng. Trong khi đó, lương bình quân người lao động mùa vụ chỉ có 5,43 triệu đồng/tháng.

Tại Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP.HCM, Giám đốc có mức lương là 2,2 tỷ đồng/năm, Chủ tịch hội đồng thành viên 2,4 tỷ đồng, Phó Giám đốc 1,9 tỷ đồng và lương của Kế toán trưởng là 1,7 tỷ đồng, lương bình quân của người lao động mùa vụ chỉ 7,8 triệu đồng/tháng…

Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn, trong năm 2012, các chức danh lãnh đạo cũng có mức lương cao “bất thường”. Cụ thể, mức lương Giám đốc là 856 triệu đồng/năm, lương của Chủ tịch hội đồng thành viên là 853 triệu đồng, lương của Phó Giám đốc là 584 triệu đồng và lương của Kế toán trưởng là 716 triệu đồng, lương bình quân của người lao động mùa vụ chỉ 4,5 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Vương ([Tên nguồn])
Lãnh đạo công ty lĩnh lương khủng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN