"Mổ xẻ" kinh tế Triều Tiên
Ở Triều Tiên, chợ đen là thị trường chính của người dân, với USD là đồng tiền được sử dụng phổ biến trong giao dịch. Người dân ở Bình Nhưỡng được coi là quý tộc, trong khi 1/4 dân số vẫn thiếu lương thực thường xuyên.
Hãng tin CNN (Mỹ) vừa trích số liệu từ hồ sơ của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và một số chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên để trả lời câu hỏi: Triều Tiên kiếm tiền từ đâu? Tuy nhiên, vì sự tiếp cận với Triều Tiên còn hạn chế và chính phủ cũng không công bố số liệu thống kê kinh tế chính thức từ những năm 1960 đến nay, nên độ tin cậy của những số liệu này chỉ là tương đối.
Theo số liệu thống kê của CIA, kinh tế của Triều Tiên là một trong những nền kinh tế “chịu sự kiểm soát của chính phủ nhiều nhất, ít giao lưu với bên ngoài nhất” và “có nhiều vấn đề kinh niên nhất”.
Hai cậu bé bám vào xe buýt để đi qua cầu ở Bình Nhưỡng hôm 14/3
Hồ sơ trích nghiên cứu từ năm 1999 đến nay của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của Triều Tiên là 1.800 USD, tăng trưởng kinh tế 0,8%. Tuy nhiên, Liên hợp quốc ước tính thu nhập bình quân của Triều Tiên trong năm này là chỉ là 506USD và tăng trưởng -0,1%.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc nằm 2011 là 31.300 USD và tăng trưởng 3,6%.
Triều Tiên sản xuất gì?
Các ngành công nghiệp chính của Triều Tiên là: thiết bị quân sự, chế tạo máy, điện, hóa chất, khai mỏ, luyện kim, dệt, chế biến thực phẩm và du lịch.
Sản phẩm chủ lực của nước này là khoáng sản, sản phẩm luyện kim, vũ khí, dệt may, nông sản, thủy hải sản, dầu khí, than, máy và thiết bị…
Ước tính công nghiệp đóng góp gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội, theo sau là dịch vụ và nông nghiệp.
Ông Jang Jin-sung, Tổng biên tập trang tin chuyên về Triều Tiên New Focus International cho rằng đầu tư của Hàn Quốc mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Triều Tiên, bên cạnh nguồn thu nhập từ thương mại với Trung Quốc.
Số liệu của CIA nói rằng Trung Quốc chiếm tới 67,2% sản lượng xuất khẩu và 61,6% nhập khẩu của Triều Tiên trong năm 2011. Hàn Quốc chiếm 19,4% xuất khẩu và 20% nhập khẩu của nước này.
GS. Jim Hoare, ở Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc ĐH London (Anh) và cũng là người mở đại sứ quán của Anh tại Triều Tiên vào năm 2011, nói rằng trong gần chục năm qua Hàn Quốc là đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng. Nhưng quan hệ này ngày càng xấu đi kể từ thời Tổng thống Lee Myung-bak. Trung Quốc thế chỗ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
“Hàng Trung Quốc tràn lan khắp Triều Tiên. Trung Quốc cung cấp mọi loại hàng hóa, từ thực phẩm tới xe buýt hay bồn toilet”, Hoare nói.
Người dân Triều Tiên lựa chọn hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc
Nhiều người thường nghĩ rằng Bắc Kinh cảm thấy an toàn hơn khi có chung biên giới với Triều Tiên thay vì đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo ông Jang, Trung Quốc chống lại Triều Tiên khi bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc đối với vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng hồi đầu năm nay.
Ông Jang cho rằng nguyên nhân là do Trung Quốc muốn để đáp trả nỗ lực khôi phục quyền lực quân đội đã mất dưới thời chú rể và dì của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tức ông Jang Song-taek và bà Kim Kyong-hui. Quân đội của Triều Tiên dưới thời Kim Jong-il từng khiến Trung Quốc đau đầu.
1/4 dân thiếu lương thực
Năm 2011, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) ước tính 1/4 dân số Triều Tiên, tức 6 triệu người, không đủ lương thực để ăn. Gần 1 triệu trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi. Unicef cho rằng Triều Tiên “dễ bị khủng hoảng lương thực vì tình trạng cô lập kinh tế và chính trị, cùng với biến đổi khí hậu”.
Chương trình lương thực thế giới nói rằng Triều Tiên tiếp tục “đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng thực phẩm thiết yếu”, khi cứ 3 trẻ em lại có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng mạn tính hoặc quá thấp còi so với tuổi.
Mỹ ngừng trợ cấp lương thực cho Triều Tiên từ năm 2009 vì bị Triều Tiên phản đối, cùng với căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên và lo ngại những chuyến hàng việc trợ có thể không đến được với người nghèo.
Tháng 3/2012, Bình Nhưỡng đồng ý dừng một phần chương trình hạt nhân và tên lửa, để các chuyên gia vào giám sát chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy 240.000 tấn lương thực từ Mỹ.
Nhưng cũng trong tháng đó, Triều Tiên thông báo thử tên lửa và chấm dứt thỏa thuận trên.
Ông Hoare nói rằng mức sống của người dân ở Bình Nhưỡng cao hơn nhiều so với những khu vực còn lại của đất nước. Chế độ ăn của đa số người Triều Tiên chỉ có ngũ cốc và gạo, còn thịt và cá thì cực kỳ hiếm, ngay cả ở Bình Nhưỡng.
Chiếc xe buýt ở Bình Nhưỡng được ngụy trang trong thời gian Triều Tiên liên tục đe dọa sắp có chiến tranh
Kể từ khi Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân năm 2006, nhiều tài sản của các tổ chức làm ăn hoặc ủng hộ Triều Tiên đã bị đóng băng. Nghị quyết trừng phạt gần đây nhất cấm việc vận chuyển hàng hóa xa xỉ, như thuyền buồm và đồ trang sức cao cấp trang Triều Tiên để nhằm vào tầng lớp quý tộc Bình Nhưỡng.
Một số chuyên gia cho rằng “nền kinh tế nhân dân” ở Triều Tiên chủ yếu dựa trên thị trường đen kể từ khi đồng won của nước này bị mất giá trị.
Nạn đói vào những năm 1990 chia thị trường làm nhiều phần: nền kinh tế chính thức, kinh tế của người dân, kinh tế của quân đội và một nền kinh tế “để giữ cho sự lãnh đạo theo đúng phong cách họ đã lựa chọn”.
Chủ yếu giao dịch bằng USD
Tháng 3/2013, nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cáo buộc Công ty Thương mại phát triển và khai mỏ Triều Tiên đóng vai trò chủ đạo trong các thương vụ xuất khẩu hàng hóa, thiết bị, mua bán vũ khí liên quan đến tên lửa và vũ khí thông thường.
Đầu tháng 4, Triều Tiên nằm trong nhóm 3 nước, cùng với Syria và Iran, bỏ phiếu phản đối hiệp định kiểm soát buôn bán vũ khí đầu tiên của Liên Hợp Quốc.
CIA cho rằng người dân Triều Tiên, bao gồm cả quan chức chính phủ, tham gia buôn bán trái phép ma túy. Khá nhiều người Triều Tiên hiện nay bị nghiện ma túy đá và thuốc phiện. Tuy nhiên, Triều Tiên phủ nhận dính líu tới buôn bán ma túy và vũ khí trái phép.
Đồng tiền chính thức hiện nay của Triều Tiên là đồng won, nhưng ông Jang cho rằng đồng won hiện nay có giá trị rất thấp, và người Triều Tiên sử dụng USD rất phổ biến, cả trên thị trường đen.
Bình Nhưỡng đã nỗ lực kéo giá trị đồng nội tệ nhưng vì USD được dùng rộng rãi trong thương mại. Giá trị của đồng USD tăng đều trong khi tiền won liên tục giảm giá trị.
Gần đây người Triều Tiên dùng đồng euro nhiều hơn vì lo ngại Mỹ sẽ bằng cách nào đó sẽ cắt nguồn USD. Ngoại tệ chảy vào Triều Tiên thông qua một số con đường như thương mại qua biên giới với Trung Quốc và du lịch. Các đại sứ quán nước ngoài ở đây cũng giao dịch bằng tiền USD.