Mở lại vận tải khách liên tỉnh: Các tỉnh không đồng lòng, bến vắng, xe thưa

Mặc dù nhiều tuyến xe cố định đã trở lại hoạt động nhưng thực tế nhiều nơi vẫn "đìu hiu" vắng khách, hoạt động cầm chừng.

Liên quan đến vấn đề mở lại vận tải hành khách liên tỉnh, sau khi có hướng dẫn của Bộ GTVT, nhiều địa phương đã kết nối để thống nhất khôi phục công suất hoạt động tại các tuyến cố định đến vùng cấp độ 1 và 2. Thế nhưng thực tế tại nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng "đìu hiu", vắng khách.

Bến xe Bắc Vinh chiều ngày 25/10 vắng hoe không một bóng hành khách.

Bến xe Bắc Vinh chiều ngày 25/10 vắng hoe không một bóng hành khách.

Xe trống, bến "đìu hiu"

Chiều ngày 25/10, tại bến xe Bắc Vinh (Nghệ An) là bến xe lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Trong khuôn viên bến rộng hàng nghìn hecta, ngày bình thường người xe vào ra tấp nập nhưng hôm nay, phòng chờ, sân bãi đều trống trơn, không có xe hoạt động.

Ông Nguyễn Đức Tú - Trưởng bến xe Bắc Vinh cho biết: "Không phải chỉ có ngày hôm nay bến vắng khách mà tình trạng này bắt đầu từ khi mở lại các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh. Số lượng người đến bến đi xe chỉ tính trên đầu ngón tay, thậm chí có ngày được 2 người. Khách giờ sợ đến nơi đông người nên chủ yếu liên lạc trực tiếp với nhà xe rồi họ đón lên xe luôn. Nhưng số này vẫn rất ít. Chuyến nào cũng chỉ 5 - 7 khách nên các doanh nghiệp cũng chỉ cho xe hoạt động cầm chừng. Mỗi ngày chỉ khoảng hơn chục lượt xe, bằng 1/10 thời điểm trước dịch".

Còn ông Đào Xuân Sơn - Phó giám đốc Công vận tải Đông Lý (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) cũng cho biết, đơn vị có 21 xe giường nằm chạy tuyến Thanh Hóa đi các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. "Công ty có 80 nhân viên và lái xe. Chúng tôi cũng mới tiêm được 1 mũi và trong quá trình vận chuyển các địa phương không bắt buộc phải test nhanh kháng nguyên như trước kia, việc đi lại thuận lợi hơn nhiều nhưng nghẹt nỗi là không có khách đi", ông Sơn chia sẻ.

“Từ ngày 18/10 đến nay, mới chạy được 11 chuyến, trong đó 2 chuyến đi Thái Nguyên, 2 chuyến đi Bắc Ninh. Cách đây 3 hôm, ở huyện Quế Võ xuất hiện ổ dịch nên tạm thời dừng tuyến đi Bắc Ninh. Lượng khách rất ít và không đều, có chuyến 7 người, có hôm 15 - 20 người. Nói chung, bây giờ chạy đủ trang trải chi phí xăng dầu, tiền công nhân viên. Khách ít vẫn phải chạy vì không chạy để xe không lại hỏng hóc và chủ yếu là phục vụ bà con nhân", ông Sơn nói.

Là một trong những đơn vị hoạt động vận tải lớn ở vùng ven biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, ông Bùi Văn Viết - Giám đốc Công ty TNHH vận tải và du lịch Minh Quý cho biết: "Doanh nghiệp có 8 xe, trong đó 2 xe chạy các tỉnh như Bình Dương, Vũng Tàu, còn lại chạy tuyến Hà Nội. Đến nay, 30 nhân viên và lái xe đã tiêm xong 1 mũi vaccine, một số đã được tiêm mũi 2. Nhưng hiện nay, các tuyến đăng ký đều thuộc vùng vàng và đỏ nên xe không thể chạy được.

Ở vùng ven biển, nhu cầu đi lại của người dân rất cao. Bình thường khi không có dịch Covid-19 thì hoạt động 100% công suất nhưng thời điểm này chưa được phép hoạt động vào các vùng theo tuyến đăng ký như Hà Nội và Bình Dương. Bây giờ xe của đơn vị đang được địa phương huy động chạy đến Khe Nước Lạnh (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) phục vụ đưa đón bà con nhân dân từ miền Nam về các khu cách ly".

Cũng theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại bến xe phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa, trong những ngày qua, lượng xe ra vào bến rất ít, có ngày chỉ được 3-4 xe ra vào, còn hành khách thì hầu như không có, khung cảnh "đìu hiu" vắng vẻ.

Bến xe phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa vắng bóng hành khách trong những ngày gần đây

Bến xe phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa vắng bóng hành khách trong những ngày gần đây

Cơ chế "mở" nhưng các địa phương không đồng lòng

Nhận định về việc lượng xe liên tỉnh hoạt động ở mức quá thấp, ông Trần Minh Thành - Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An cho biết, có 2 lý do, thứ nhất do tâm lý ngại dịch nên lượng người đi lại vẫn ít. Thứ 2 là do các tỉnh chưa thực hiện đồng bộ theo chỉ đạo của Chính Phủ và Bộ GTVT khiến cho các doanh nghiệp gặp khó.

"Văn bản của Chính phủ, của Bộ GTVT đã quy định rất rõ, rất thuận lợi, thế nhưng một số tỉnh họ ra văn bản chung là cho hoạt động nhưng lại không có văn bản của Sở GTVT cho phép, hoặc cho phép mà vẫn siết chặt.

Ví dụ như tuyến Hải Phòng cho hoạt động 30% số lượng xe. Hay như Huế nói là chưa cho hoạt động vì chưa nhận được văn bản của Nghệ An. Rồi lại có tỉnh chỉ cho xe các huyện của Nghệ An chạy, còn xe xuất phát từ các bến xe ở TP Vinh thì không được vào.

Tôi cho rằng các tỉnh cần có sự đồng thuận chung và thực hiện đồng nhất theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và văn bản 1812 của Bộ GTVT, tránh tỉnh này cho, tỉnh khác không cho" - ông Thành nêu kiến nghị.

Theo đại diện nhà xe Minh Qúy thì tuyến Bình Dương, Hà Nội hiện không thể chạy được, xe phải ở nhà và chỉ phục vụ đưa đón công dân từ chốt kiểm dịch về các khu cách ly.

Theo đại diện nhà xe Minh Qúy thì tuyến Bình Dương, Hà Nội hiện không thể chạy được, xe phải ở nhà và chỉ phục vụ đưa đón công dân từ chốt kiểm dịch về các khu cách ly.

Thống kê từ Sở GTVT Nghệ An, toàn tỉnh này có hơn 400 xe khách hoạt động ở hơn 100 tuyến vận tải liên tỉnh. Tính đến nay, mới có hơn 80 xe ở 36 tuyến hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý Vận tải Sở GTVT Nghệ An, cho biết: "Quan điểm của Nghệ An là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các bến xe, các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động trở lại. Riêng về đảm bảo công tác phòng chống dịch, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết và cho thành lập tổ kiểm soát tại các bến xe. Tổ này do UBND huyện chủ trì, thanh tra Sở GTVT làm thành viên phối hợp nắm bắt tình hình tại bến xe, kịp thời chấn chỉnh xử lý khi phát hiện vi phạm".

Theo ông Hùng, mặc dù, Nghệ An đã triển khai đúng theo văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, nhưng do lượng hành khách đi lại còn thấp nên các nhà xe vẫn e dè, chủ yếu đưa xe vào hoạt động theo kiểu thăm dò là chính. Ngoài ra, cũng có một số Sở đối lưu chưa đồng tình cho các phương tiện vận tải hành khách của Nghệ An hoạt động trở lại, dù dịch ở Nghệ An đang ở vùng xanh - cấp độ 2.

Còn ở Thanh Hóa, ông Vũ Minh Thuận - Trưởng phòng QLVT Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay, Sở GTVT Thanh Hóa đã tổ chức hoạt động thí điểm tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi, đến các tỉnh: Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Nghệ An, Hải Phòng và ngược lại.

Trong đó các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Nghệ An: hoạt động 30% số chuyến trong 6 ngày. Riêng thành phố Hải Phòng hoạt động 20% số chuyến trong 6 ngày. Từ ngày 15/10-24/10/2021 đã tổ chức hoạt động 105 chuyến/218 được cấp phép (đạt 48,2%), vận chuyển hành khách 940 người".

"Sở GTVT Thanh Hóa đang báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho phép tiếp tục duy trì hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Thanh Hóa đi đến các tỉnh, thành phố nói trên và đề nghị khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi đến một số tỉnh, thành phố khác. Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở GTVT sẽ phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố nơi đến để tổ chức hoạt động", ông Thuận cho biết thêm.

Cũng theo ông Thuận, hiện nay số doanh nghiệp vận tải đăng ký ít là do đa phần hành khách không có nhu cầu đi lại. Có những chuyến chỉ có 7 hành khách, nhiều chuyến xe ra bến nhưng không có khách phải quay về. Ngoài ra, phần lớn lái xe, nhân viên phục vụ của các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa đáp ứng được điều kiện tiêm đủ liều vaccine. Trong khi đó một số tỉnh, thành phố khi phương tiện đến chốt kiểm soát dịch trên địa bàn yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ phải tiêm đủ liều vắc xin.

Tương tự, ở Ninh Bình, ông Hoàng Quốc Tuấn - Trưởng phòng QLVT-PT-NL (Sở GTVT Ninh Bình) cho biết: Sở GTVT Ninh Bình đã phối hợp với Sở GTVT đối lưu, tổ chức khôi phục trở lại 15 tuyến vận tải đi các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hòa Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình...

"Tỉnh Ninh Bình đã kết nối để mở hết các tuyến vận tải khách đi, đến các tỉnh, trừ những tỉnh cấp độ 3 và 4. Vấn đề hiện nay là không có khách đi, có những tuyến chỉ có 1 xe chạy. Các doanh nghiệp vận tải chỉ chạy cầm chừng, như thăm dò vì không có khách. Tính đến thời điểm hiện tại, qua thống kê thì việc hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh ở Ninh Bình chỉ đạt khoảng 40-50%", ông Tuấn cho biết thêm.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay, dù có 1 số ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận trên địa bàn nhưng đều đã được khống chế, kiểm soát.

Hiện, Vĩnh Phúc vẫn được đánh giá là tỉnh "vùng xanh", ở cấp độ 2, không có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do vậy, công tác vận tải hành khách liên tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Theo đó, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã cho phép hàng chục tuyến vận tải tuyến cố định liên tỉnh đến 21 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy vậy, lượng khách đi xe còn rất ít nên hầu hết các tuyến đều chỉ hoạt động cầm chừng, gần 1 tháng nay mới chỉ có 30 chuyến xe đi và đến Vĩnh Phúc.

Nguồn: [Link nguồn]

Bến xe đìu hiu ngày đầu thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh

Ngày đầu tiên thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh, các bến xe tại TP HCM vắng vẻ, xe khách nằm bãi chờ sự thống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN