Ăn tranh thủ, ngủ bên đường mở đường vào thuỷ điện Rào Trăng 3
Đó là câu chuyện của những người công nhân dọn dẹp đất đá sạt lở, mở đường ngày đêm để nhanh chóng đưa máy móc ra hiện trường Rào Trăng 3.
Thứ Trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng ăn, cùng ở ngày đêm với công nhân để chỉ đạo mở đường vào hiện trường Rào Trăng 3.
Hai ngày không tắm
Là một trong những người đã xung phong mở đường vào thủy điện Rào Trăng 3 những ngày qua, anh lái máy múc Nguyễn Minh, thuộc Công ty Dasinco cho hay, trời mưa lớn, phải băng qua ngầm tràn nước sâu để tiến vào xử lý các điểm sạt lở đã khó, đất đá sụt trượt xuống tại nhiều vị trí với khối lượng lớn nên việc thông đường gặp rất nhiều khó khăn.
“Sau khi thông đường qua khỏi điểm sạt lở lớn tại Tiểu khu 67, chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào bên trong, tập trung nỗ lực để thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3 sớm nhất. Tuy nhiên, công tác thông đường ngày 16/10 gặp rất nhiều khó khăn do trời mưa to”, anh Minh chia sẻ.
Là người đã có kinh nghiệm lái máy mười mấy năm, anh Minh cho rằng đã xác định vào hiện trường phải chủ động. Có cơm hộp mang vào kịp thì ăn, không thì ăn vội bánh chưng… bữa trưa ngay tại chỗ và dồn sức để kịp thông đường.
“Sợ nhất buổi đêm, lúc đổi ca máy, để tranh thủ ngủ chúng tôi phải ngủ bên đường. Hôm đó, tôi mang võng cột vào cây để ngủ, vừa bước vào đèn pin soi thấy những con vắt đậu trên lá cây ngóc đầu ngoe nguẩy. Sợ quá, chúng tôi đành trải bạt giữa đường để ngủ. Nhưng đặt mình xuống, trời lạnh lẽo lại nghĩ tới các nạn nhân đang nằm dưới lòng đất, đợi mình vào đưa về, lại không ngủ được. Và 2 ngày trời anh em nhịn luôn không tắm”.
Lái máy xúc 8X quê Thừa Thiên Huế cho biết: “Nghe mình lên đường vào sâu trong rừng để kịp thông đường phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện thời tiết bất lợi gia đình cũng hỏi và lo lắng lắm. Hai 2 ngày sau mình ra đến nơi có sóng gọi điện về, mẹ mình nghe điện thoại đã òa lên khóc”.
Đối với lái xe máy Bàn Văn Phẩm (SN 1988, thuộc Công ty 36) thì lại giấu không cho gia đình biết mình đi cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. “Công ty điều động là chúng tôi lập tức lên đường, không nói gì với gia đình vì sợ gia đình thêm lo lắng. Việc thông đường trong thời tiết bất lợi gặp nhiều khó khăn, nhưng tất cả anh em đều quyết tâm cố gắng sớm hoàn thành nhiệm vụ”.
Phóng viên Báo Giao thông tham gia cùng các anh 2 ngày nay, đã chứng kiến rất nhiều hình ảnh xúc động, anh em từ người lái xe đến công nhân hầu như không có thời gian nghỉ, ăn uống. Mọi người mang theo xôi, cơm nắm, bánh chưng... để có thể ăn nhanh ngay tại hiện trường, nghỉ ngơi ít phút rồi tăng ca.
Đoàn xe, máy vào hiện trường cứu hộ xuyên ngày đêm
Ngày sinh nhật cũng là ngày anh về trong đau đớn của người thân
PV Duy Lợi (Báo Giao thông) cho biết: “Hàng chục phóng viên tập trung tại Trụ sở chi huy tiền phương (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), để đợi nước rút thông đường sẽ theo đoàn cứu hộ vào sâu, nhưng Ban chỉ huy tiền phương không cho PV vào. Tôi phải cải trang thành thợ máy để được theo đoàn của Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng anh em mở đường vào sâu trong công trường thủy điện Rào Trăng 3.
Được đi vào hiện trường tôi mừng lắm, nhưng vào tới nơi mới biết không hề có sóng điện thoại, không thể liên lạc với tòa soạn, không thể phát trực tiếp cảnh anh em mở đường làm nhiệm vụ. Lội đèo, vượt suối qua những con đường lầy lội, lạnh lẽo, tôi mới thấu hiểu được nỗi vất vả của 21 cán bộ, sĩ quan đã cắt rừng, xuyên đêm vượt đường tắt để vào cứu hộ cứu nạn. Và chuyện không may đã xảy ra với 13 đồng chí đã hy sinh trong rừng sâu lạnh lẽo. Lội trong bùi lầy nghĩ đến các anh tôi đã không cầm lòng được”.
Trong đoàn 21 người cứu hộ ấy, một đồng nghiệp là Anh Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, là một trong 13 nạn nhân xấu số. Và đau lòng thay, ngày anh về, ngày anh và 12 đồng đội được tìm thấy, cũng chính là sinh nhật thứ 52 của anh.
Trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế luôn dành một góc để gửi thiệp chúc mừng "sinh nhật trong tháng" cho cán bộ, nhân viên. "Chúc mừng sinh nhật đồng chí Phạm Văn Hướng, ngày 15/10/1968", hình ảnh tấm thiệp màu đỏ, bên dưới là dòng chữ, khiến bất cứ ai xem qua cũng cảm thấy xót xa.
Một cán bộ thoát nạn trong đoàn cứu hộ ấy kể lại rằng, khi đoàn quyết đình lên đường xuyên đêm để tìm đường tắt vượt núi rừng vào thủy điện Rào Trăng 3, lúc đầu không có anh Hướng. Tuy nhiên anh ấy cứ thuyết phục anh em trong đoàn cho anh ấy cùng đi. Thấy lòng nhiệt huyết của một phóng viên, đoàn đã quyết định cho anh ấy cùng lên đường. Không ai ngờ ngày anh Hướng về lại đúng ngày sinh nhật của mình. Người thân, đồng nghiệp đón anh trong đau đớn đến tột cùng.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4, từ đây họ sẽ di chuyển bằng đường bộ để đến hiện...
Nguồn: [Link nguồn]