Mở đường dây nóng bảo hộ người Việt ở nước ngoài
Mọi công dân Việt Nam nếu đang ở nước ngoài đều có thể gọi đến đường dây nóng +84 4 62 844 844 trong trường hợp bị mất hộ chiếu, nạn nhân của tội phạm buôn bán phụ nữ/trẻ em và của các tội phạm khác, ốm đau hoặc tai nạn, xử lý công dân tử vong, bị bắt/giam/giữ hoặc tù để nhờ trợ giúp.
Chiều tối ngày 2.2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã khai trương Tổng đài điện thoại hỗ trợ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Sau khi chứng kiến Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và lãnh đạo Viettel kết nối đường dây đưa tổng đài vào hoạt động, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhấc điện thoại, quay số nói chuyện với Tổng đài viên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại lễ khai trương đường dây nóng bảo hộ công dân ở nước ngoài
Hoạt động từ ngày 2.2, hoạt động 24/24 suốt 7 ngày trong tuần, tổng đài có thể đáp ứng trên 1.500 cuộc gọi một ngày và có thể mở rộng trong thời gian ngắn, khi lưu lượng cuộc gọi đến tăng mạnh.
Tổng đài tiếp nhận tất cả các cuộc gọi cung cấp thông tin, phản ánh yêu cầu, đề nghị giúp đỡ của các công dân và pháp nhân ở nước ngoài. Những hoàn cảnh được bảo hộ khẩn cấp gồm: Mất hộ chiếu ở nước ngoài, nạn nhân của tội phạm buôn bán phụ nữ/trẻ em và của các tội phạm khác, ốm đau hoặc tai nạn ở nước ngoài, xử lý công dân tử vong ở nước ngoài, bị bắt/giam/giữ hoặc tù ở nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng Đảng, Nhà nước đặt ra với Chính phủ nói chung và Bộ Ngoại giao nói riêng.
Tổng đài có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, đặc biệt trong thời đại thông tin hiện nay. Các cuộc gọi đến Tổng đài +84 4 62 844 844 sẽ được ghi âm, được các điện thoại viên phối hợp với các chuyên gia xử lý thông tin, hỗ trợ thông tin cần thiết với các công dân.
Với những trường hợp phức tạp, Cục Lãnh sự sẽ tham gia xử lý và có thể yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam nước sở tại liên hệ với đương sự, có thể đến trực tiếp nếu cần, để xử lý tình huống, thực hiện các hoạt động bảo hộ công dân cần thiết.