Mộ cổ vị quan triều Nguyễn ở trung tâm TP HCM

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ngôi mộ vị quan đảm nhận kiểm soát quân sự thời phong kiến, xây cách đây gần 170 năm, đến nay vẫn nguyên hiện trạng, vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố.

Mộ phần của ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty, Thừa vụ lang họ Trần từ thời vua Tự Đức, nằm trên diện tích gần 50 m2, trong hẻm sâu trên đường Trần Văn Đang, phường 11, quận 3 có lối vào rộng nửa mét, cách kênh Nhiêu Lộc khoảng 50 m, bám đầy rêu phong.

Kiến trúc mộ hình ngưu miên - trâu nằm ngủ (cách gọi khác là voi phục) có hình sóng lưng dài 2,6 m, bề ngang 1,3 m, bo tròn ở cuối nấm mộ được xây bằng đá ong kết hợp với hợp chất kết dính. Qua thời gian dài công trình xuất hiện nhiều vết nứt nhưng vẫn nguyên hiện trạng. Phía trước mộ có hương án, bia khắc chữ Hán. Cạnh đó là một nấm mộ nhỏ hơn với kiến trúc tương tự là vợ của ông. Phía sau hai mộ là bức tường với hai trụ búp sen, trong đó một búp đã bị vỡ.

Bà Bùi Thị Thùy thường xuyên thắp hương, coi sóc phần mộ của ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty nằm phía sau nhà. Ảnh: Thanh Tùng

Bà Bùi Thị Thùy thường xuyên thắp hương, coi sóc phần mộ của ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty nằm phía sau nhà. Ảnh: Thanh Tùng

Nhà nằm cạnh phần mộ, bà Bùi Thị Thùy, 54 tuổi, cho biết di tích từng nằm trong nghĩa trang rộng lớn. Hơn 50 năm trước, mẹ chồng của bà về đây khai hoang, dựng nhà, cùng nhiều hộ khác đã thu hẹp diện tích nghĩa trang. Ban đầu, vì nghĩ là mộ của lính tử nạn ở chiến trường thời xưa nên gia đình giữ lại.

Hơn chục năm trước phần mộ nhỏ hơn từng bị chuột, mối đào bới hư hỏng, gia đình dùng xi măng đắp lại, hàng năm dùng vôi quét để sạch sẽ, tránh bám rêu. Mỗi dịp ngày rằm, mùng một âm lịch bà đều thắp hương, chưng bông cúng. Trước đợt Covid-19 bùng phát năm 2021, gia đình bà được địa phương thông báo đây là ngôi mộ cổ từ thời phong kiến nên rất bất ngờ.

"Từ đó, gia đình tôi vẫn giữ thói quen dọn dẹp, giữ cho kiến trúc cho mộ không bị hư hỏng", bà Thùy nói.

Theo Trung tâm bảo tồn di tích TP HCM, mộ được xây vào năm 1857, thời vua Tự Đức, với quy cách mộ của thế kỷ 19-20 gồm hệ thống tường bao quanh, trụ biểu, bình phong, bia đá, nấm mộ ở giữa.

Trong cuốn Địa bạ triều Nguyễn của tác giả Nguyễn Đình Đầu, vị trí này khi xưa thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Đây là vùng đất có khí hậu ôn hòa, địa thế cao, bao quanh bởi kênh rạch, thích hợp để người xưa chọn làm nơi an nghỉ của các quan lại. Qua thời gian, nhiều mộ đã bị hủy hoại do thiên nhiên, bị di dời, đào trộm, giải tỏa để phục vụ đô thị, chỉ còn số ít mộ tồn tại, trong đó có mộ của ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty, Thừa vụ lang họ Trần.

Phần mộ nằm trong hẻm nhỏ cách đường lớn khoảng 50 m. Ảnh: Thanh Tùng

Phần mộ nằm trong hẻm nhỏ cách đường lớn khoảng 50 m. Ảnh: Thanh Tùng

Trên bia mộ có khắc 36 chữ Hán, tạm dịch là mộ ông họ Trần thuỵ (hiệu) Đôn Nhã, Thừa vụ lang của Ty Kiểm duyệt thuộc Binh Bộ Hoàng triều. Cháu nội Trần Quang Viễn khóc lạy lập bia ngày lành tháng 4 năm Tự Đức thứ 10, 1857.

Từ điển chức quan Việt Nam của tác giả Đỗ Văn Ninh cho hay đây là mộ của vị quan văn Chánh lục phẩm (chức quan) trong Binh Bộ nhà Nguyễn với cơ cấu cửu phẩm, trong đó nhất phẩm là vị trí cao nhất, thấp nhất là cửu phẩm.

Ở thời phong kiến, Binh Bộ là một trong 6 bộ thuộc triều đình, nhiệm vụ quản lý quân nhu, quân cấm vệ, giữ biên giới, nơi hiểm yếu, lính thú, việc khẩn cấp, tuyển dụng chức võ... tương đương Bộ Quốc phòng ngày nay. Bộ này chia làm 6 Ty và một Xứ. Trong đó, Ty Kiểm duyệt chức năng gọi binh, thay binh, tra xét quân ngũ, voi ngựa, thu thuế, sai phái, miễn trừ...

Dựa theo chữ Hán trên bia mộ, có thể xác định đây là nơi an táng của vị quan có nhiệm vụ quản lý quân đội, khí tài và thu thuế. Người này cai trị vùng đất rộng lớn, được người dân địa phương phục dịch để xây nhà, làm đường; đi lại sẽ có đoàn tùy tùng 10-40 người khiêng cáng hoặc kéo xe. Chữ "thuỵ Đôn Nhã" mang nghĩa trung hậu là danh hiệu được triều đình ban tặng sau khi qua đời, dựa trên công trạng và đạo đức lúc sinh thời của ông.

Khu mộ của viên quan xây theo hình thức song táng (mộ đôi) nằm trên gò cao, cửa mộ hướng Đông Nam. Kiến trúc này tương đồng khu mộ ông Thủ Đức (di tích cấp thành phố) - người lập chợ và khai sinh vùng đất phía Đông Sài Gòn ở phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức và mộ ông bà Trịnh Hoài Đức (di tích cấp quốc gia) - công thần triều Nguyễn, lần lượt được xây dựng vào năm 1890 và 1825. Tuy nhiên, khu mộ của vị quan Binh Bộ này lại có khác biệt so với phong tục tả nam - hữu nữ khi mộ ông ở bên phải, còn của người vợ lại bên trái.

Do nằm phía sau nhà dân nên muốn vào ngôi mộ phải đi qua lối đủ một người. Ảnh: Thanh Tùng

Do nằm phía sau nhà dân nên muốn vào ngôi mộ phải đi qua lối đủ một người. Ảnh: Thanh Tùng

Để bảo vệ di tích, UBND phường 11 (quận 3) làm cửa sắt, giải quyết việc lấn chiếm không gian, xây thêm tường gạch. Đồng thời, địa phương dọn dẹp, vệ sinh định kỳ giữ gìn khu mộ cho các hoạt động nghiên cứu về kiến trúc, lịch sử.

TP HCM có khoảng 190 di tích được xếp hạng, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp thành phố. Di tích được xếp hạng sẽ được bảo vệ, giúp ngăn chặn tình trạng xâm hại và được ưu tiên tiếp cận các nguồn lực bảo tồn từ nhà nước hoặc xã hội hóa.

Mấy hôm nay người dân ở khối phố 8, phương An Sơn, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) bỗng nhiên đón nhiều khách chủ yếu là giới báo chí săn lùng sau thông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Văn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN