Miền Trung và Tây Nguyên có nơi mưa trên 800mm, Thủ tướng chỉ đạo khẩn
Mưa to diễn ra nhiều nơi tại miền Trung và Tây Nguyên khiến lũ lên nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Lực lượng chức năng sơ tán người dân vùng lũ đến nơi an toàn. Ảnh: CÔNG AN TÂY HÒA
Tối muộn 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1659 về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an.
Công điện nêu rõ: Trong những ngày qua tại khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã liên tiếp xảy ra mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa một số nơi tới trên 800 mm, đồng thời các hồ thủy lợi, thủy điện phải xả nước điều tiết lũ để bảo đảm an toàn; nhiều nơi đã xảy ra ngập lụt sâu, sạt lở đường, gây chia cắt giao thông, một số người dân đã bị nạn do lũ cuốn, hàng chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt, đặc biệt là tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên đã xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ.
Trong những ngày tới, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và khắc phục hậu quả mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở, kịp thời tổ chức sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là tại những khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Trong đó cần lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân ở nơi sơ tán tập trung, không để người dân đói, rét.
Chỉ đạo bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bị sạt lở, nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất sau lũ.
Các Bộ gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường tùy theo chức năng quản lý nhà nước được giao, phối hợp địa phương chỉ đạo các công tác ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đến 18h ngày 30/11, mưa lũ tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên và Tây Nguyên làm 4 người chết, trong đó có 3 người ở Bình Định và 1 người ở Kon Tum. Thống kê ban đầu có 8 nhà bị sập, 23.605 nhà ở Bình Định bị ngập. Tại Phú Yên, cơ quan chức năng vẫn đang thống kê. Về giao thông, quốc lộ 14H, 40B, Đông Trường Sơn (Quảng Nam) bị ngập, sạt lở. Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn, Bình Định) ngập cục bộ. Các quốc lộ 29, 27, 19C, đường tỉnh 641, 642, 645 ở Phú Yên cũng bị ngập. Ngoài ra, có hơn 800ha lúa, hoa màu ở các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk bị ngập úng, hư hại… |
Lũ lên nhanh, dâng cao trong đêm, hàng ngàn người dân ở Phú Yên kêu cứu trong đêm.
Nguồn: [Link nguồn]