Miền Trung chìm trong lũ
Bão nhỏ nhưng Quảng Nam vẫn bị thiệt hại nặng. Nghệ An: Năm người trên ô tô bị nước cuốn khi xe qua đập tràn. Quảng Trị: Nhiều nơi bị ngập sâu 3m. Kon Tum: Mưa lũ gây sạt lở, nhiều xã bị cô lập.
Theo dự báo ban đầu, bão số 8 sẽ đổ bộ vào rạng sáng 19/9. Tuy nhiên, do di chuyển nhanh hơn dự báo nên thực tế bão số 8 đã đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam từ chiều và đêm 18/9.
Hội An nước ngập cao 1m
Trong ngày 19/9, sau khi bão số 8 tan, lũ trên các sông tại TP Đà Nẵng và Quảng Nam đã lên nhanh. Mặc dù trời tạnh nhưng một lượng nước lớn từ thượng nguồn Trường Sơn đổ về sông Vu Gia, Thu Bồn, sông Thanh… đã làm hạ du ngập nặng nề. Sau hai năm không phải đối phó với bão, lần này Quảng Nam lại bị ngập. Các tuyến đường dọc sông Hoài của phố cổ Hội An chìm nghỉm trong nước, nhiều điểm ngập sâu đến 1m nên người dân phải di chuyển bằng thuyền. Điều đáng ngại là nhiều nhà cổ ở Hội An đang xuống cấp nên sẽ bị nước lũ gây hư hại nặng nề hơn.
Tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn… thuộc huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), người dân phải gặt lúa chạy lũ. Nước trên sông Túy Loan lên nhanh nên người dân sống ven sông đã được di chuyển, đồ đạc trong nhà được kê lên cao bằng bàn ghế, gạch, đá để tránh lũ.
Người dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) chạy lũ. Ảnh: Lê Phi
Tại cửa biển vịnh Đà Nẵng, hàng trăm ngư dân từ sáng sớm đã ngâm mình dưới nước để bủa lưới bắt cá trôi về theo lũ. Trong một buổi sáng bủa lưới, một ngư dân phường Xuân Hà, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) có thể đánh bắt được khoảng năm tạ cá rô phi, diếc, trê, lóc theo lũ bơi về. Trên các tuyến đường TP Đà Nẵng, nhiều cây lớn gãy ngã chỏng chơ. Tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) một nhà dân mới xây chuẩn bị lợp mái đã bị đổ sập trong đêm 18/9.
Thiệt hại hàng chục tỉ đồng
Các tuyến đường về trung tâm huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Mực nước sông Vu Gia đã vượt mức báo động 3. Hơn 100 hộ dân sống ven sông Vu Gia tại thôn Phước Yên (Đại An) bị sạt lở nặng nên được sơ tán. Các tuyến đường bị ngập lụt được chính quyền huyện, xã lập trạm chắn không cho người dân qua lại vì nguy hiểm. Theo thống kê của huyện Đại Lộc, hơn 1.300 hộ dân các thôn vùng trũng thuộc các xã như: Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Hưng, Đại An… được sơ tán. Toàn huyện này có 8.000 ngôi nhà bị ngập lụt và hàng trăm hecta hoa màu bị hư hại, ước tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng.
Số cá bắt được trong buổi sáng của một người dân. Ảnh: Lê Phi
Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư xã Đại Hưng, cho biết toàn xã có gần 1.930 hộ bị ngập nặng. Đặc biệt, thôn Đại Mỹ đã bị lũ quét tràn qua làm hàng chục ngôi nhà xiêu vẹo, sụt lún. Nhiều nhà dân và ruộng vườn bị bùn đất vùi lấp. Mức độ tàn phá của lũ quá nhanh khiến người dân xoay xở không kịp. Nhiều tài sản như heo, gà, vịt trong làng đều bị cuốn trôi theo lũ.
Ông Phạm Văn Thương, trưởng thôn Đại Mỹ, nói: “Thôn có 235 hộ thì chừng ấy hộ bị nước ngập nửa nhà, chỉ một số nhà cao tầng là thoát lũ. Lợn, gà trong thôn bị nước lũ cuốn trôi hết. Một số nơi bùn, cát vùi lấp 0,5-2 m”. Được biết nước lũ lên nhanh một phần do các thủy điện Đăk Mi 4 xả 700 m3/giây và thủy điện Sông Bung 5 xả 500 m3/giây.
Nhà người dân ở huyện Đại Lộc ngập chìm trong lũ. Ảnh: Lê Phi
Theo Hải đội 2, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, vào lúc 0 giờ sáng 19/9, tàu câu mực QNa-91685 của ông Bùi Lên (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) có công suất 380 CV trong lúc đang neo đậu trú bão ở âu thuyền xã Tam Quang thì xảy ra hỏa hoạn. Lửa đã thiêu rụi hoàn toàn con tàu trị giá hơn 3 tỉ đồng.
Hiện Quảng Nam đã có hai người chết vì bị lũ cuốn trôi.
Nghệ An: Năm người trên ô tô bị nước cuốn trôi Tai nạn xảy ra vào khoảng 18 giờ ngày 19/9, tại đoạn đập tràn Khe Ang, đoạn chảy qua xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn, Nghệ An). Chiếc xe bảy chỗ từ thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đi sang huyện Nghĩa Đàn để dự lễ ăn hỏi. Lái xe là anh Trương Văn Thái (quê Nghĩa Đàn) cố vượt qua đập tràn khi nước chảy xiết nên bị cuốn trôi cả xe. Trong lúc hoảng loạn, tài xế và người đàn ông ngồi phía trước đã mở cửa thoát được ra ngoài, năm người còn lại trong đó có hai trẻ em bị nhấn chìm và mất tích cùng chiếc xe. Huế: A Lưới có hai thôn bị cô lập Ngày 19/9, UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) cho biết mưa lớn với lượng đo được 419 mm khiến đường vào khu tái định cư Pa Ay (xã Hồng Thủy), thôn Ba Lách (xã Hồng Thái) bị sạt lở, dẫn đến bị cô lập. Riêng tại khu tái định cư thủy điện A Lưới (xã Hồng Thượng), nước lòng hồ thủy điện dâng bất thường làm năm nhà dân bị ngập. UBND huyện A Lưới đã dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối, 13.000 gói mì tôm và một số hàng nhu yếu phẩm khác như mì ăn liền, xăng dầu… nhằm chủ động cung cấp cho các xã thường bị chia cắt. Quảng Trị: Nhiều nơi bị ngập sâu 3m Nước sông trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) dâng cao, giao thông trên quốc lộ 9 nhiều đoạn bị tắc nghẽn do nước ngập. Tính đến 19 giờ ngày 19/9, có 32 thôn bản trên địa bàn huyện Hướng Hóa vẫn nằm trong vùng ngập lụt. Riêng tại thị trấn Lao Bảo, các xã vùng Lìa có nơi ngập sâu đến hơn 3m. Huyện đã cử hàng trăm bộ đội, công an dùng thuyền, canô di dời khẩn cấp 2.500 hộ dân đến nơi an toàn và tìm cách tiếp tế lương thực cho những vùng bị cô lập. Sau nhiều giờ liên tục thực hiện nhiệm vụ dưới mưa lũ, đến 1 giờ sáng, anh Hồ Xuân Nguyên, Trưởng Công an xã Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị), trở về nhà sau đó bất tỉnh và tử vong do bị đột quỵ. Kon Tum: Mưa lũ gây sạt lở, nhiều xã bị cô lập Tại huyện Kon Plông, mưa lũ làm xói lở nặng năm cống qua đường, mố trụ và đường dẫn vào bốn cầu treo bị sạt lở, một ngầm bị nước cuốn trôi, đất đá bị sạt lở gây ách tắc trên tỉnh lộ 676 và đèo Viôlăc trên quốc lộ 24. Tại huyện Đắk Glei, bốn xã Đắk Choong, Xã Xốp, Mường Hoong và Ngọc Linh bị cô lập. Chiều 19/9, mưa lớn khiến mực nước lũ trên các sông, suối lên nhanh. Mực nước trên sông Đắk Bla là 518,45m (cao hơn mức báo động cấp 1 là 0,45m), trên sông Pô Kô tại Đắk Mốt 585,22m (cao hơn mức báo động cấp 1 là 0,72m), sông Đắk Tờ Kan 577,64m (cao hơn mức báo động cấp 1 là 0,64m). NHÓM PV - CTV |