Miền Nam mất điện: EVN có bồi thường?
Luật sư cho rằng, vụ mất điện toàn miền Nam không thể coi là sự cố bất khả kháng. Đáng lý ra, ngành điện phải có trách nhiệm về thiệt hại của người dùng điện.
Nhiều ý kiến cho rằng sự cố mất điện toàn miền Nam cách đây 3 ngày là điều bất khả kháng. Nhưng trả lời chúng tôi, Luật sư Ngô Ngọc Thủy (Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy, Hà Nội) bác bỏ quan điểm này.
Không thể nói là bất khả kháng
Luật sư Thủy thừa nhận, người thiệt hại khó đòi hỏi trách nhiệm bồi thường của EVN trong vụ mất điện này. Đây là sự cố ngoài ý muốn của EVN. Sự cố không phải do lỗi kỹ thuật của EVN mà do người khác gây ra.
Do lái xe và người tham gia vận chuyển để cây va quệt vào dây điện. Đó là đối tượng chính gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp. Người nào gây ra sự cố thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Còn EVN chịu trách nhiệm đứng ra yêu cầu người gây thiệt hại là lái xe và đơn vị quản lý chiếc xe đó bồi thường.
“Tất nhiên, lái xe - người gây thiệt hại này quá nghèo, không có khả năng bồi thường con số thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ. Nên đành phải chịu.” - Luật sư Thủy nói.
Nhưng Luật sư Ngô Ngọc Thủy nhấn mạnh, đây không thể coi là sự việc bất khả kháng. Sư cố không do thiên tai, bão lụt, động đất, dịch bệnh gây ra. Hoàn toàn do con người vô ý thức.
LS Ngô Ngọc Thủy
Theo luật sư này, nếu công bằng, doanh nghiệp và người tiêu dùng bị thiệt hại có quyền đòi hỏi EVN đứng ra bồi thường. Còn EVN đòi hỏi được bên gây thiệt hại kia bổi thường hay không là việc của EVN. Dĩ nhiên, để đòi hỏi trách nhiệm của EVN, phải xem lại hợp đồng cung cấp điện, dựa trên thỏa thuận các bên. Nhưng thỏa thuận này hiện nay là không thể có. Nên người tiêu dùng điện không thể đòi hỏi được.
Cần quy định trách nhiệm “nhà đèn”
Từ sự cố mất điện này, Luật sư Thủy cho rằng, cần nhìn nhận lại cơ chế, quan hệ cung cấp điện. Mua bán điện phải dựa trên những căn cứ pháp lý. Đây hoàn toàn là một lĩnh vực kinh doanh – mua bán điện. Việc mua bán điện phải dựa trên hợp đồng quy định nghĩa vụ và quyền lợi giữa hai bên. Như vậy mới giải quyết được vấn đề mua bán điện và trách nhiệm của các sự cố về điện.
Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật Inteco, Hà Nội) cho rằng, không thể đòi hỏi EVN bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân trong vụ mất điện này. Tuy nhiên, có thể đặt ra vấn đề: Với tư cách là nhà cung cấp điện, EVN có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là những khách hàng bị thiệt hại vì sự cố vừa qua hay không? LS Hà Huy Phong |
“Nhưng tôi được biết, hiện việc cung cấp điện ở Việt Nam chưa có những quy định như vậy. Việc mua bán điện giữa công dân, doanh nghiệp với nhà cung cấp điện còn đơn giản quá.” - Luật sư Thủy nhận xét.
Theo Luật sư Thủy, đúng ra, tất cả người dân hay doanh nghiệp mua điện của EVN đều phải ký hợp đồng, trong đó quy định các điều khoản thỏa thuận. Mất điện trong những trường hợp nào, “nhà đèn” sẽ phải bồi thường hoặc không.
Nhà cung cấp và người tiêu thụ phải có thỏa thuận. Nhà cung cấp có nghĩa vụ đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cho người dân và doanh nghiệp là những người tiêu dùng. Không thể có chuyện mua bán điện mà không có điều kiện gì như hiện nay.
Nhiều nước trên thế giới đã có quy định này. “Muốn cắt điện phải thông báo trước để tôi chuẩn bị. Nếu bỗng dưng để mất điện gây thiệt hại mà tôi chứng minh được sự cố không phải do thiên tai bất khả kháng, tôi có quyền yêu cầu nhà cung cấp điện bồi thường thiệt hại.” – Ông Thủy nói.
Trong khi đó, theo ông Thủy, “nhà đèn” ở Việt Nam cứ để mất điện tùy tiện, cắt lúc nào thì cắt. EVN độc quyền cung cấp điện. Doanh nghiệp và người dân là khách hàng, người mua điện. “Khi xảy ra sự cố, mất điện gây thiệt hại, người mua không dám đòi bồi thường, người bán thì lờ đi.” – Ông Thủy đánh giá.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy kết luận, trường hợp thiên tai, bão lũ, động đất là bất khả kháng. Mất điện chỉ vì một người dân vô ý thức vương vào, không thể coi là bất khả kháng. Đó là do nhà cũng cấp điện không biết tự bảo vệ, đảm bảo hành lang an toàn đường điện để đáp ứng, cung cấp điện thông suốt cho khách hàng.
Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh, Hà Nội) cho rằng, nếu việc làm trên của tài xế là vô ý, thì hành vi đó có dấu hiệu phạm vào tội “vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản”. Nhưng vị luật sư cũng cho rằng, nếu sự việc nêu trên có nguyên nhân gián tiếp từ việc vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ hành lang an toàn quốc gia, thì những cá nhân có nhiệm vụ bảo vệ an toàn lưới điện đã xảy ra vi phạm cũng có thể bị xử lý về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước “ hoặc tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. |