Miền Bắc bước vào đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Sáng 2/2, trên ứng dụng Air Visual, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, vượt qua cả những điểm nóng như Delhi (Ấn Độ) hay Lahore (Pakistan). Dự báo đợt ô nhiễm không khí này còn kéo dài nhiều ngày tới, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Rất có hại
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội sáng qua nghiêm trọng đến mức, ứng dụng Air Visual theo dõi chất lượng của hơn 100 thành phố trên thế giới ghi nhận, Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người). Các hệ thống quan trắc trong nước của PAM Air, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hay hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ đều ghi nhận ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng tím, cá biệt một số điểm đo của PAM Air ghi nhận ngưỡng nâu (chỉ số AQI từ 300 trở lên- ngưỡng nguy hiểm nhất do ô nhiễm không khí với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà).
Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới trong sáng 2/2. Ảnh: Như Ý
Đáng lưu ý, không giống như nhiều đợt ô nhiễm không khí trước với thời gian ô nhiễm tập trung chủ yếu vào đêm và sáng sớm, ô nhiễm không khí hôm qua ở Hà Nội gần như kéo dài cả ngày. Đến chiều qua, các hệ thống quan trắc vẫn ghi nhận ô nhiễm ở ngưỡng đỏ, ngưỡng tím, làm gia tăng các nguy cơ về sức khỏe với con người, đặc biệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch. Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bên cạnh không khí ẩm từ vịnh Bắc Bộ theo đới gió Đông Nam tràn vào, tình trạng mù mịt của Hà Nội sáng qua còn do bụi mịn gây ra. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không phát tán được mà dồn nén sát mặt đất, gây ra hiện tượng mưa phùn, sương mù và ô nhiễm không khí. Ngoài ra, tình trạng lặng gió cũng khiến cho không khí ít bị xáo trộn, tập trung ở bề mặt.
Theo các chuyên gia, những ngày cận Tết, lượng phương tiện tham gia giao thông ở Hà Nội tăng đột biến, tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên làm tăng nguy cơ ô nhiễm không khí. Đây cũng là một trong 4 nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí thường xuyên ở miền Bắc những năm qua.
Ô nhiễm còn kéo dài
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, tình trạng sương mù dày và mưa phùn ở miền Bắc có thể kéo dài đến sáng ngày 4/2. Từ ngày 5/2, sương mù và mưa phùn có xu hướng giảm do một bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc nước ta. Tuy nhiên, thời tiết chủ đạo ở miền Bắc đến ngày 7/2 vẫn là mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù vào đêm và sáng, trưa chiều trời nắng, riêng khu vực đồng bằng và Hà Nội khả năng xuất hiện nắng không cao. Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết như trên, dự báo ô nhiễm không khí còn kéo dài ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội trong những ngày tới.
Nhận định xa hơn, từ nay đến khoảng tháng 3, miền Bắc vẫn trong mùa cao điểm ô nhiễm không khí do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Dự báo nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng có thể tiếp tục xảy ra. Từ tháng 5-9, khi miền Bắc bước vào mùa mưa, tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc mới được cải thiện.
Ứng dụng quan trắc không khí của Đại sứ quán Mỹ dự báo, trong hai ngày cuối tuần (3-4/2), ô nhiễm không khí ở Hà Nội phổ biến ở ngưỡng cam và đỏ - ngưỡng có hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Trong hai ngày đầu tuần tới (5-6/2), Hà Nội gia tăng ô nhiễm không khí với mức ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng tím. Dự báo phải đến ngày 8-9/2, một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh tràn xuống nước ta, mang theo gió mùa đông bắc mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4, tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc mới được cải thiện.
Có những ngày thời tiết âm u, sương mù bao phủ kèm theo đó là khói bụi khiến không khí ở miền Bắc trở nên ngột ngạt.
Nguồn: [Link nguồn]