MH370: Hải quân TQ lộ "điểm yếu chết người"
Hải quân Trung Quốc phải căng mình ra hết cỡ mới đảm bảo hậu cần được cho đội tàu tìm kiếm MH370, bộc lộ những điểm yếu trong chiến lược vươn ra biển sâu của nước này.
Khi chiếc tàu hậu cần Qiandaohu của hải quân Trung Quốc rời cảng Albany của Úc để tiếp dầu cho đội tàu chiến đang tham gia chiến dịch tìm kiếm MH370, nó đã làm bộc lộ “điểm yếu chết người” trong chiến lược hải quân của Bắc Kinh, đó là việc thiếu các căn cứ hậu cần xa bờ và quân cảng đồng minh.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự trong khu vực, việc Trung Quốc huy động 18 tàu chiến và tàu tuần duyên cỡ nhỏ cùng tàu phá băng Tuyết Long tham gia tìm kiếm MH370 đã khiến hệ thống hậu cần của hải quân nước này phải căng mình ra hết cỡ mới có thể đáp ứng được nhu cầu về nhiên liệu và các loại nhu yếu phẩm khác.
Đội tàu chiến của Trung Quốc tham gia tìm kiếm MH370
Các nhà hoạch định chiến lược của hải quân Trung Quốc biết rõ rằng họ phải khắc phục được điểm yếu chết người này nếu muốn hoàn thành mong muốn trở thành một lực lượng hải quân biển sâu vào năm 2050.
Trong giai đoạn hiện nay, tham vọng của quân đội Trung Quốc là soán ngôi thống trị của hải quân Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và có thể bảo vệ các lợi ích chiến lược của họ trên Ấn Độ Dương và cả ở Trung Đông.
Ông Ian Storey, một chuyên gia an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết: “Khi sự hiện diện và bành trướng quân sự của Trung Quốc tăng lên, họ sẽ muốn có nhiều quân cảng đồng minh trong khu vực giống như những gì người Mỹ đang làm.”
Ông này nói tiếp: “Tôi thật sự ngạc nhiên khi không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ họ muốn bắt đầu thảo luận về việc được tiếp cận lâu dài với các căn cứ trên biển xa. Hiện nay, nếu tàu Trung Quốc ghé vào một cảng xa bờ nào đó ở nước ngoài, đó đơn thuần chỉ là những chuyến tàu thương mại chứ không phải tàu chiến. Đó quả thực là một lỗ hổng rõ ràng.”
Tàu chiến Trung Quốc ghé thăm hữu nghị một quân cảng của Nga ở Vladivostok
Trái lại, hải quân Mỹ đã xây dựng một hệ thống căn cứ rộng lớn trong khu vực như ở Nhật Bản, đảo Guam và đảo Diego Garcia dưới hình thức liên minh an ninh và quân sự chính thức cũng như ký kết các thỏa thuận về tiếp cận và sửa chữa tàu chiến với các quốc gia đồng minh, trong đó có những cảng chiến lược ở Singapore và Malaysia.
Mặc dù Trung Quốc đang ra sức củng cố hệ thống công sự trên những hòn đảo mà họ chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, căn cứ hải quân lớn nhất và xa nhất của họ về phía nam lại nằm ở đảo Hải Nam, cách nơi đội tàu chiến Trung Quốc tham gia tìm kiếm MH370 khoảng 3000 hải lý.
Các tùy viên quân sự cho rằng thỏa thuận cho phép tàu chiến ra vào cảng nước ngoài khá dễ dàng đạt được trong thời bình và trong các chiến dịch cứu trợ nhân đạo – chẳng hạn như chiến dịch tìm kiếm MH370 hay các đợt tuần tra chống cướp biển – thế nhưng trong thời kỳ căng thẳng hay xung đột thì đó lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Một chuyên gia phân tích ở Bắc Kinh nhận định: “Nếu có căng thẳng thật sự và nguy cơ nổ ra xung đột giữa Trung Quốc với một đồng minh của Mỹ ở Đông Á, thật khó hình dung việc tàu chiến của Trung Quốc được phép vào cảng của Úc để tiếp nhiên liệu.”
Ông này nói tiếp: “Trung Quốc biết rằng sự không đảm bảo trong việc tiếp cận với các cảng xa là điều mà họ sẽ phải tìm cách giải quyết. Khi hải quân của họ lớn mạnh, đó sẽ là một tình thế khó xử về mặt chiến lược.”
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ tại quân cảng ở Guam
Zha Daojiong, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cho rằng cuộc tìm kiếm MH370 là một hoàn cảnh “khác thường” và các chiến lược gia Trung Quốc biết rằng họ sẽ không thể dựa vào các cảng của đồng minh Mỹ để tiếp tế hậu cần nếu căng thẳng chiến lược nổ ra.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các chuyến thăm của tàu chiến tới các cảng ở châu Á, Trung Đông và Địa Trung Hải, song họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận lâu dài nào để đảm bảo việc ra vào cho tàu chiến của họ tại các cảng này.
Giáo sư Zha khẳng định: “Đến một lúc nào đó, Trung Quốc sẽ phải vạch ra lộ trình để có được sự đảm bảo này một cách chắc chắn. Tuy nhiên các cuộc thương lượng để đạt được điều đó chứa đựng nhiều yếu tố nhạy cảm, thế nên nó sẽ không thể diễn ra trong thời điểm hiện nay.”
Ngoài ra, việc triển khai các cụm tàu sân bay chiến đấu quy mô lớn trong tương lai sẽ càng làm cho các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đau đầu hơn về vấn đề hậu cần. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng phải mất vài thập kỷ nữa, Trung Quốc mới có thể đọ được với Mỹ về năng lực tàu sân bay.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc mới chỉ để huấn luyện và nghiên cứu khoa học
Nhiều chuyên gia phân tích cũng nhận định rằng Trung Quốc phải mất ít nhất 10 năm nữa mới có thể kiểm soát được các tuyến đường hàng hải chủ chốt, và trong giai đoạn hiện nay họ vẫn phải dựa vào Mỹ để bảo vệ các trọng điểm trên tuyến đường vận chuyển dầu chiến lược trên biển, chẳng hạn như ở eo biển Hormuz ở Vùng Vịnh.
Còn trên Biển Đông, có vẻ như Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. Ông Richard Bitzinger, một chuyên gia phân tích quân sự tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore cho rằng những hòn đảo và rặng san hô mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại vùng biển này không đủ lớn để xây dựng các tổ hợp căn cứ hải quân xa bờ.
Ông này nhận định: “Ngoài các căn cứ hải quân lớn trên đảo Hải Nam, tàu chiến Trung Quốc không thể tiếp cận được với bất cứ một cảng nào khác ở Đông Nam Á xét về lâu dài. Những cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông với các quốc gia láng giềng càng làm cho điều đó trở nên khó khăn hơn.”
Ông Bitzinger giải thích: “Hải quân Mỹ đã hiện diện ở khu vực này khoảng 100 năm, và họ thường xuyên duy trì một mạng lưới căn cứ hải quân chiến lược trong khu vực. Còn Trung Quốc mới bắt đầu làm thế trong 15 năm trở lại đây, thế nên họ không thể bắt kịp Mỹ trong ngày một ngày hai.”