MH370 đang nằm trên dãy núi lửa ngầm bí ẩn?
Chuyên gia Úc nhận định MH370 đang nằm trên dãy núi lửa lớn chưa được khảo sát.
Ngày 26/3, một chuyên gia địa chất học hải dương Úc cho rằng những mảnh vỡ nghi là của chiếc máy bay MH370 mà vệ tinh và máy bay các nước phát hiện gần đây trên vùng biển nam Ấn Độ Dương đang nằm trên một chuỗi núi lửa khổng lồ dưới đáy biển có địa hình rất phức tạp và chưa được khám phá hết.
Tiến sĩ Robin Beaman, chuyên gia địa chất học hải dương tại Đại học James Cook cho biết phần lớn khu vực đáy biển nam Ấn Độ Dương, bao gồm cả khu vực tìm kiếm, vẫn chưa được vẽ bản đồ một cách chi tiết, trong khi nỗ lực trục vớt xác máy bay đòi hỏi các tàu cứu hộ phải sử dụng những thiết bị quét thủy âm đa chùm để vẽ ra một bản đồ 3D vô cùng cặn kẽ.
Tuy nhiên hiện nay các lực lượng cứu hộ cứu nạn của Úc không có khả năng vẽ bản đồ đáy biển ở độ sâu 3000 mét, độ sâu trung bình của vùng biển nam Ấn Độ Dương, vì tàu RV Southern Surveyor, chiếc tàu duy nhất có khả năng khảo sát đáy biển sâu của nước này đã bị cho nghỉ hưu từ tháng 12 năm ngoái.
Tàu khảo sát RV Southern Surveyor của Úc đã bị nghỉ hưu từ hồi năm ngoái
Trong khi đó, chiếc tàu mới thay thế cho RV Southern Surveyor vẫn đang được đóng ở Singapore và chuẩn bị được đem ra chạy thử.
Tiến sĩ Beaman nhận xét: “Đây quả thực là một thời điểm rất không phù hợp với nước Úc. Úc không còn khả năng khảo sát đáy biển ở độ sâu này.” Theo ông, để vẽ được bản đồ đáy biển nam Ấn Độ Dương, tàu cứu hộ phải được trang bị những thiết bị thủy âm đa chùm có khả năng phát đi những chùm sóng âm thanh theo hình nón, thu các vệt tín hiệu phản xạ lại từ đáy biển để xây dựng bản đồ.
Theo tiến sĩ Beaman, vật thể đầu tiên do vệ tinh DigitalGlobe của Úc chụp ảnh được hôm 16/3 nằm cách khu vực hoạt động của dãy Southeast Indian Ridge khoảng 60 km. Southeast Indian Ridge là một chuỗi núi lửa ngầm kéo dài từ phía tây nam nước Úc xuống dưới New Zealand. Vật thể thứ 2 do máy bay Trung Quốc phát hiện cũng nằm cách dãy núi lửa này 180 km về phía tây nam.
Trong khi đó, những vật thể do một máy bay Úc phát hiện hôm thứ Hai cũng nằm cách dãy Southeast Indian Ridge khoảng 200 km về phía đông bắc.
Tiến sĩ Beaman cho biết: “Chúng tôi mới chỉ khảo sát được một dải rất hẹp ở khu vực sườn của dãy núi lửa này, trong khi đó là nơi nhiều khả năng máy bay đã đâm xuống.”
Cũng theo ông Beaman, địa hình phức tạp của dãy núi lửa này với những mỏm núi lửa nhô cao khỏi đáy biển hàng chục mét khiến việc tìm kiếm mảnh vỡ là vô cùng khó khăn nếu không có sự trợ giúp của các tàu ngầm lặn sâu và một tấm bản đồ đáy biển chi tiết.
Dãy núi lửa khổng lồ dưới đáy Ấn Độ Dương là trở ngại lớn cho việc tìm MH370 (Ảnh minh họa)
Vị tiến sĩ này cho biết trước đây nhiều nhóm nghiên cứu quốc tế đã từng nhiều lần khảo sát đáy biển ở đây, song 2 cuộc khảo sát gần nhất cũng đã diễn ra cách đây gần 20 năm và đều bằng công nghệ lạc hậu.
Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu này cũng mới chỉ vẽ được bản đồ 3D của một vệt đáy biển rộng khoảng 10-20 km, và không thể hiện được hết các đặc điểm địa hình dưới biển, để lại một khoảng trống “hàng trăm km”.
Ông Beaman cho biết vì khu vực dãy núi lửa này nằm cách vùng đặc quyền kinh tế của Úc gần 2000 km và ít có tàu thuyền qua lại nên chưa được tập trung khảo sát, nghiên cứu, bởi các nỗ lực khoa học phải tập trung ở những vùng biển “cần thiết hơn”.
Bộ Quốc phòng Úc cũng cho hay mặc dù khu vực tìm kiếm nằm trong phạm vi khảo sát của Cục Thủy văn học Úc, tuy nhiên cơ quan này không thể cung cấp bản đồ chi tiết đáy biển vì vùng biển rất sâu này ít gây ra nguy cơ cho tàu thuyền qua lại hơn.