Mexico sẽ tiếp tục thả nhiều trùm ma túy
Tòa án địa phương Mexico sẽ tiếp tục thả nhiều tên trùm ma túy sau tiền lệ của tên Rafael Caro Quintero bất chấp sự phản đối của Mỹ.
Trong khi vẫn chưa hết giận dữ về việc Mexico thả tự do tên trùm ma túy khét tiếng Rafael Caro Quintero, kẻ đã ra lệnh sát hại dã man một mật vụ phòng chống ma túy năm 1985, Mỹ có thể sẽ phải sớm đối mặt với viễn cảnh hàng loạt tay chân của hắn tiếp tục được ra khỏi nhà tù.
Hôm thứ Sáu tuần trước, một tòa án ở Mexico đã thả tự do cho tên Quintero trước thời hạn khi tên này đang chịu án 40 năm vì đã sát hại mật vụ phòng chống ma túy Mỹ Enrique Camarena với lý do có nhiều thiếu sót trong quá trình tố tụng.
Trùm ma túy khét tiếng Rafael Caro Quintero (giữa)
Quyết định này là một gáo nước lạnh đối với với Cục phòng chống Ma túy Mỹ (DEA), và cho biết họ rất tức giận với phán quyết này của Mexico và sẽ tìm cách đưa hắn ra xét xử ở một tòa án của Mỹ.
Trong khi đó, luật sư của Quintero cũng đang tìm cách thả tự do cho Ernesto Fonseca Carrillo, kẻ cùng với Quintero cầm đầu băng ma túy Guadalajara và bị kết án tù vì tội lên kế hoạch bắt cóc mật vụ Camarena và sát hại trùm ma túy Miguel Angel Felix Gallardo.
Luật sư của tên Carrillo cho biết ông này đã nộp đơn đề nghị thả tự do cho thân chủ mình, và Carrillo dự kiến sẽ được ra khỏi nhà tù trong 2 tuần tới.
Hôm Chủ nhật, người phát ngôn Nhà Trắng Caitlin Hayden cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin rằng một nhân vật khác có liên quan tới vụ sát hại Camarena có thể được tự do. Chúng tôi kiên quyết sẽ đưa Quintero và những đồng bọn khác liên quan đến vụ án này ra trước công lý ở Mỹ và sẽ làm việc với nhà chức trách Mexico về vấn đề này.”
Tên Miguel Angel Felix Gallardo hiện đang bị giam trong tù
Những tên trùm ma túy này có vị trí rất đặc biệt trong giới tội phạm ma túy ở Mexico. Chúng từng là lãnh đạo của băng Guadalajara, tiền thân của băng Sinaloa khét tiếng do trùm ma túy hiện đang bị truy nã gắt gao nhất Mexico Joaquin “Shorty” Guzman cầm đầu.
Mật vụ Camarena bị bắt cóc và sát hại dã man theo lệnh của các ông trùm ma túy này vào năm 1985, mở đầu cho chiến dịch tìm diệt lớn nhất trong lịch sử DEA và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Mỹ - Mexico. Thời đó, Mỹ đã rất tức giận trước nỗ lực thiếu nhiệt tình của Mexico trong việc truy bắt những kẻ đã sát hại Camarena.
Trớ trêu thay, Caro Quitero được thả tự do đúng lúc Mexico đang tìm cách cải tổ hệ thống tư pháp rệu rã của mình từ lâu đã bị coi là lạc hậu và bệ rạc so với các tiêu chuẩn quốc tế.
Các nhà phân tích cho rằng việc trả tự do cho Caro Quintero sẽ tạo thành một tiền lệ xấu để các đồng bọn của hắn được bước chân ra khỏi tù, một vấn đề khá đau đầu cho Tổng thống Enrique Pena Nieto trong quan hệ với người láng giềng khổng lồ ở phía bắc.
Bà Sylvia Longmire, một cựu điệp viên thuộc Phòng điều tra đặc biệt của Không lực Mỹ đồng thời là một chuyên gia phân tích về cuộc chiến chống ma túy nhận định: “Ông Pena Nieto đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tôi cho rằng nhiều khả năng các quan chức ở Jalisco sẽ làm theo các quy trình tương tự để giũ tội cho Carrillo.”
Hơn 70.000 người đã bị giết trong các vụ bạo lực liên quan đến các băng đảng ma túy ở Mexico kể từ năm 2007, khi cựu Tổng thống Felipe Calderon phát động một chiến dịch quân sự tấn công vào các ổ nhóm tội phạm này.
Tổng thống Pena Nieto mới nhậm chức hồi tháng 12 năm ngoái đã chuyển trọng tâm của cuộc chiến này từ việc bắt giữ những tên trùm ma túy sang đối phó với những tội ác trong nước như bắt cóc và tống tiền. Sự thay đổi này đã khiến dư luận trong nước lo ngại rằng Mexico sẽ ít hợp tác với các lực lượng an ninh Mỹ hơn trong cuộc chiến chống lại các băng đảng ma túy.